(Vtrend.vn) Theo kết quả khảo sát của một nhóm giảng viên Trường Đại học Sư phạm TPHCM thì có đến 46,5% sinh viên “cảm thấy lo lắng, hoang mang về sự an toàn của công việc liên quan đến nghề nghiệp trong tương lai”.

Kết quả khảo sát của một nhóm giảng viên Trường Đại học Sư phạm TPHCM vừa công bố cho thấy trước những sự kiện giáo dục phần lớn diễn ra theo chiều hướng tiêu cực được đề cập trên các phương tiện truyền thông thời gian qua, có đến 46,5% sinh viên “cảm thấy lo lắng, hoang mang về sự an toàn của công việc liên quan đến nghề nghiệp trong tương lai”. Trong khi đó, có 11% sinh viên “cảm thấy mất tự tin, xấu hổ khi đang học ngành sư phạm”.
Có sinh viên còn tâm sự rằng không dám tự giới thiệu là đang học ngành sư phạm, chỉ nói chung là đang học đại học khi có ai hỏi về công việc hiện tại.
Người giáo viên khi lên lớp ngoài việc truyền thụ kiến thức còn là người truyền thụ cảm hứng cho học trò
Theo TS. Nguyễn Thị Bích Hồng, giảng viên Khoa Tâm lý học, Trường Đại học Sư phạm TPHCM, điều này có thể ảnh hưởng bất lợi đến động cơ phấn đấu trở thành nhà giáo mẫu mực trong tương lai của các em, gây khó khăn cho quá trình đào tạo và làm giảm sút hiệu quả đào tạo của trường sư phạm.
 “Đây là kết quả phản ảnh sự thất vọng của chính một bộ phận sinh viên sư phạm về tư cách, tác phong của người thầy” – TS. Nguyễn Thị Bích Hồng.

Đáng nói là có đến 26,5% sinh viên cho biết “cảm thấy bình thường vì những việc này tồn tại từ rất lâu rồi”. Những sinh viên này giải thích rằng trước đây bản thân từng bị giáo viên cư xử tệ và hiện nay người thân của họ vẫn đang tiếp tục chịu đựng thái độ không đúng mực của thầy, cô ở trường phổ thông. Vì vậy, những thông tin vừa qua không khiến họ bất ngờ nữa.

Nhận định về suy nghĩ này, TS. Nguyễn Thị Bích Hồng bày tỏ: “Đây là kết quả phản ảnh sự thất vọng của chính một bộ phận sinh viên sư phạm về tư cách, tác phong của người thầy”.
Tuy nhiên, điều đáng mừng là vẫn có đến 85,5% sinh viên cho biết “cảm thấy bức xúc, muốn cải tiến ngành giáo dục để điều chỉnh nhận thức của xã hội về nghề giáo”. 
Theo TS.Nguyễn Thị Bích Hồng, từ năm học 2015-2016 trở về trước, môn “Giao tiếp ứng xử sư phạm” chỉ được xếp vào các môn tự chọn ở Trường Đại học Sư phạm TPHCM. Song, nhận thấy tính chất quan trọng của môn học này đối với việc xây dựng hình ảnh, tác phong, cư xử của các thầy, cô giáo nên từ năm học 2015-2016 đến nay, môn học này đã chính thức trở thành môn học bắt buộc chung trong toàn trường.
 – 46,5% sinh viên “cảm thấy lo lắng, hoang mang về sự an toàn của công việc liên quan đến nghề nghiệp trong tương lai”
– 11% sinh viên “cảm thấy mất tự tin, xấu hổ khi đang học ngành sư phạm”.
– 85,5% sinh viên cho biết “cảm thấy bức xúc, muốn cải tiến ngành giáo dục để điều chỉnh nhận thức của xã hội về nghề giáo”. 
Nhưng đại diện Trường Đại học Sư phạm TPHCM cũng thừa nhận trước thực tế nhiều biến động về nhận thức, niềm tin của xã hội đối với ngành giáo dục, trường sư phạm cần đầu tư nhiều hơn nữa đến việc tổ chức dạy học và bồi dưỡng nhân sự giảng dạy bộ môn để đảm bảo hiệu quả giáo dục của môn học này đối với sinh viên sư phạm.
Đồng quan điểm, ThS. Nguyễn Hồ Thụy Anh, giảng viên Trường Đại học Sài Gòn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giáo dục kỹ năng ứng xử khi lên lớp đối với sinh viên sư phạm.
Mặt khác, ThS. Nguyễn Hồ Thụy Anh cũng cho rằng ngoài việc đổi mới chương trình, phương pháp, tích hợp các ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học, các trường sư phạm cần nghiên cứu, bổ sung thêm môn “kỹ năng giải tỏa phiền muộn” cho các thầy, cô giáo trong tương lai. Bởi người giáo viên khi lên lớp phải là người truyền cảm hứng, năng lượng tích cực cho học sinh. Song, nếu bản thân người thầy khi lên lớp chưa hóa giải được những áp lực về cơm áo gạo tiền, những mối quan hệ phức tạp và phiền muộn xảy ra trong cuộc sống sẽ không thể truyền được cảm hứng và nguồn năng lượng tích cực cho học sinh.
Minh Xuân
Theo Sài Gòn Giải Phòng