(Vtrend.vn) Những nghiên cứu như khai thác tia vũ trụ, điều khiển thời tiết, thắp sáng thế giới hay tia tử thần khiến Tesla bị nhiều người gọi là “nhà bác học điên”.
Dù sở hữu những phát minh có thể làm thay đổi thời đại, tính cách lập dị và tuyên bố lạ lùng, khó tin về sự phát triển của khoa học kỹ thuật, Nikola Tesla bị cô lập, bị coi là “nhà bác học điên” đến cuối đời.
Sau khi Tesla mất, các công trình của ông gần như bị lãng quên. Tuy nhiên, từ những năm 1990, cống hiến của ông mới bắt đầu được mọi người biết đến. Họ của ông được đặt tên cho đơn vị đo cường độ cảm ứng từ tesla trong hệ đo lường quốc tế.
Sau đây là những ý tưởng từng gây chấn động dư luận đương thời của “cha đẻ” dòng điện xoay chiều.
Khai thác tia vũ trụ
Tesla đam mê khai thác năng lượng tự do đến từ những tia bức xạ, hạt nguyên tử và thậm chí là thể tĩnh – thứ được cho là đầy rẫy trong vũ trụ. Tuy nhiên, đối với các nhà nghiên cứu, ý tưởng này bị coi là ngụy khoa học bởi họ cảm thấy nó thiếu thực tế.
Tesla cho rằng nếu ông xây dựng một cỗ máy có thể khai thác các loại năng lượng này, những vấn đề về năng lượng của thế giới sẽ chấm dứt.
Ông tin các hạt mang điện tích rất nhỏ liên tục rơi xuống chúng ta di chuyển nhanh hơn ánh sáng. Cỗ máy ông muốn sáng chế có khả năng bắt những hạt này và chuyển chúng thành năng lượng có thể sử dụng.
Thậm chí, ông còn được cấp bằng sáng chế cho “thiết bị năng lượng bức xạ sử dụng” của mình. Tesla tuyên bố phát minh của ông có thể trực tiếp thay đổi các ion thành năng lượng có thể sử dụng, dù nó chưa bao giờ được đưa vào sản xuất.
Điện cảm ứng
Dù là “cha đẻ” của dòng điện xoay chiều, Tesla mơ ước tạo ra thế giới không cần dây điện khi cung cấp điện. Để làm được điều này, ông đề xuất tạo ra Hệ thống Không dây thế giới, gồm một tháp Tesla dùng để truyền điện và năng lượng không dây đến mọi nơi.
Ông đã chứng minh ý tưởng của mình về việc truyền dẫn không dây cho công chúng thông qua vài thí nghiệm như đốt sáng một bóng đèn bằng cách sử dụng một cuộn dây Tesla từ khoảng cách vài mét.
Tesla bắt đầu ước mơ của mình bằng cách xây dựng Wardenclyffe Tower ở thành phố New York, Mỹ. Thật không may, tòa tháp sau đó bị rút vốn vì người tài trợ phát hiện kế hoạch của Tesla là phát điện không dây miễn phí thay vì sử dụng vào viễn thông.
Xây tháp là bước cuối cùng trong Hệ thống Không dây thế giới của Tesla và nó có thể sử dụng kết hợp với 2 phát minh khác của ông: Cuộn dây Tesla và máy phát phóng đại. Nếu Tesla thành công, thế giới sẽ được sử dụng điện miễn phí và không giới hạn chỉ bằng một cái ăng-ten.
Hệ thống hoàn toàn sử dụng năng lượng có thể tái tạo, không hao hụt nguồn năng lượng khi bị sử dụng cũng như không có tác động tiêu cực đến môi trường hoặc con người.
Ý tưởng này chủ yếu bị phản đối bởi chính phủ Mỹ và các nhà đầu tư của ông vì nó không mang về lợi nhuận cho họ, đặc biệt là trong bối cảnh diễn ra Chiến tranh Thế giới II.
Lửa lạnh
Một trong những nghiên cứu hấp dẫn nhất của Tesla với hy vọng loại bỏ việc sử dụng xà phòng và nước trong phòng tắm.
Công trình này được biết đến với cái tên Cold Fire (lửa lạnh). Theo Tesla, con người sẽ đứng trên một tấm kim loại và được phủ trong nguồn điện luân phiên đến 2,5 triệu volt giống như một ngọn lửa trùm lên cơ thể.
Phương pháp này, theo ông, hiệu quả nhờ tính dẫn điện của da người và sạch hơn so với việc tắm rửa bằng nước và xà bông.
Tesla tuyên bố ý tưởng trên không chỉ hữu hiệu cho việc làm sạch mà có thể chữa bệnh. Nó giúp người ta có cảm giác phấn khởi và có thể làm ấm cho con người ở những vùng lạnh nhất, cũng như tạo ra một lượng ozone hữu ích sau mỗi lần sử dụng.
Nghiên cứu đã thất bại giống hầu hết phát minh khác của Tesla ở thời kỳ đó vì chi phí và những quan ngại về sự an toàn của người sử dụng.
Teslascope – giao tiếp với người ngoài hành tinh
Bên cạnh những phát minh mang tính cải thiện điều kiện sống trên Trái Đất, Tesla còn nỗ lực tạo ra một thiết bị để giao tiếp với người ngoài hành tinh.
“Cha đẻ” của dòng điện xoay chiều tuyên bố ông có thể nói chuyện với các sinh vật ngoài hành tinh nhờ sử dụng Teslascope. Song những tuyên bố này chưa bao giờ được xác minh.
Trong khi làm việc trong phòng thí nghiệm ở Colorado (Mỹ), Tesla cho hay ông nghe thấy những tiếng động khác biệt không giống bất cứ thứ gì từng nghe được ở Trái Đất và những tiếng click tương tự bộ mã Morse.
Rất ít người tin Tesla có thể kết nối với người sao Hỏa vì sự thiếu chuyên nghiệp và thiếu bằng chứng của ông.
Tia tử thần
Người đàn ông này dành rất nhiều thời gian và tâm trí để tạo ra Tia tử thần – thứ mà ông tin rằng nó có thể ngăn những cuộc chiến.
Máy bắn tia tử thần làm việc như một máy gia tốc hạt, có khả năng bắn một chùm tia năng lượng cao tới khoảng cách hơn 400 km, làm tan chảy mọi động cơ và máy bay chiến đấu ở mọi địa hình. Ông dự tính giá của sản phẩm khoảng 2 triệu USD.
Bất chấp những lập luận đầy thuyết phục của Tesla, cả Mỹ và Anh đều từ chối. Tuy nhiên, Nga đã tỏ ý ủng hộ và cho chạy thử phát minh. Nhiều người cho rằng chính hoạt động này đã gây ra vụ nổ Tunguska vào năm 1908.
Điều khiển thời tiết
Một trong những thách thức lớn nhất của con người là khả năng kiểm soát thời tiết. Tesla nghĩ rằng ông có thể làm cho đất đai màu mỡ trong bất kỳ môi trường nào đơn giản bằng cách sử dụng sóng vô tuyến điện để thay đổi từ trường Trái Đất trong tầng điện ly, hình thành các sóng khổng lồ. Sau đó, những con sóng này được sử dụng để điều khiển thời tiết.
Trong quá trình theo đuổi mục tiêu kiểm soát thời tiết, Tesla đã đăng ký nhiều bằng sáng chế liên quan tần số cực thấp. Ông đã chứng minh các sóng có thể được tạo ra và được sử dụng để kiểm soát thời tiết.
Súng tia X
Việc phát hiện ra tia X của William Roentgen thu hút sự chú ý của nhiều người, bao gồm cả Tesla. Sử dụng những thiết kế ban đầu của Roentgen, Tesla mở rộng phát mình thành súng bắn tia X. Thậm chí, ông còn mời mọi người đến chiêm ngưỡng.
Trong thời gian này, Tesla bắt đầu trở nên thân thiết với Mark Twain, người thường xuyên đến thăm “cha đẻ” của dòng điện xoay chiều sau khi Tesla chữa khỏi bệnh táo bón cho ông này.
Twain và Tesla thường xuyên chơi với cái được gọi là “Súng tia X”. Người ta nói rằng 2 ông có thể nhìn xuyên qua bất cứ vật gì mà chùm tia đi qua ở khoảng cách 12 m.
Đối với Twain và Tesla, phát minh này vô cùng thú vị song tại thời điểm đó, nó dường như đã thất bại. Sáng chế tưởng chừng bị lãng quên ấy giờ lại trở thành một ứng dụng không thể thiếu trong y học ngày nay.
Thắp sáng thế giới
Nếu một phát minh được tạo ra có thể thắp sáng cả thế giới, nhu cầu về đèn và các thảm họa lớn xuất phát từ nguyên nhân thiếu ánh sáng sẽ giảm. Đây là ý tưởng chính xác của Tesla khi bắt đầu phát triển một kế hoạch để thắp sáng thế giới.
Để làm được điều này, Tesla muốn sử dụng nguyên tắc phát quang khí hiếm. Ông lên kế hoạch sử dụng loại tia cực mạnh như tia cực tím bắn phần trên của bầu khí quyển khiến cho các hạt áp suất thấp phát ra ánh sáng trên toàn bộ trái đất giống như hiện tượng cực quang.
Tesla cho rằng nếu thành công, những tai nạn như Titanic có thể tránh được. Song, gần như chẳng ai ủng hộ kế hoạch này.
Máy giao động của Tesla
Vạn vật đều cấu tạo từ nguyên tử và mỗi nguyên tử lại rung động ở tần số khác nhau. Nếu gặp phải tần số phù hợp, nó sẽ cộng hưởng thành tần số rung có biên độ cao hơn. Hiện tượng này gần giống chiếc cầu treo rung lắc theo nhịp của một cơn gió nhẹ cũng đủ để nó sập.
Dựa vào lý thuyết ấy, Tesla nghĩ về chiếc máy phá hủy bỏ túi tạo ra những tần số rung khác nhau. Ông thông tin khi bật chiếc máy đó lần đầu tiên, một tiếng động lạ vang lên và những vết nứt đầu tiên xuất hiện. Mọi thứ rung lên bần bật cho tới khi cảnh sát ập tới đạp vỡ cái máy trước khi tòa nhà sụp đổ.
Tesla cho biết chỉ cần có đủ thời gian tìm ra tần số phù hợp, chiếc máy sẽ truyền một lượng lớn năng lượng cơ học để phá hủy bất cứ thứ gì.
Theo Zing.vn
Minh Xuân