(Vtrend.vn)  Su-22 là máy bay có khả năng sống sót thấp nhất của không quân Syria nên liệu Patriot Israel có thể bắn hạ thành công được các chiến cơ hiện đại hơn hay không vẫn còn phải chờ xem.

Su-22 Syria đã quá cũ

Ngày 24/7, các tổ hợp phòng thủ tên lửa Patriot của Israel đã khai hỏa bắn hạ một chiếc máy bay Su-22M4 của Syria với cáo buộc nó đã xâm phạm vào không phận Israel 2 km ở khu vực biên giới trên Cao nguyên Golan. Hậu quả là chiếc Su-22 đã bị bốc cháy rơi xuống địa bàn hiện vẫn do phiến quân kiểm soát còn viên phi công, Đại tá không quân Umran Mare đã thiệt mạng.

Sự kiện trên đánh dấu lần thứ hai, kể từ năm 2011, Israel đã bắn rơi một máy bay chiến đấu của Syria, trước đó là chiếc cường kích Su-24, cũng đang trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ chống khủng bố ở gần biên giới Israel.

Không quân Syria hiện nay vẫn còn đang sở hữu khoảng gần 50 chiếc Su-22, và mặc dù phần lớn đều ở trong tình trạng cũ kỹ, không được bảo dưỡng thường xuyên nhưng chúng lại đóng vai trò là vũ khí chủ đạo trong nhiều chiến dịch không kích tiêu diệt các mục tiêu của khủng bố IS kể từ khi cuộc nội chiến Syria bùng phát vào năm 2011.

Lần đầu tiên đi vào hoạt động năm 1966, Su-22 được phát triển chủ yếu dựa trên mẫu Su-7 đã đưa vào biên chế 7 năm trước đó, có bổ sung thêm các cánh cụp cánh xòe và kỹ thuật điện tử hàng không mới.

Với vận tốc bay Mach 1,5 và trần hoạt động chỉ trên 14.000 m một chút nên trong môi trường tác chiến hiện nay, khả năng sống sót của Su-22 là tương đối thấp.

Nếu chỉ để đối phó với các mục tiêu khủng bố và phiến quân thì Su-22 Syria thừa khả năng nhưng khi phải đương đầu với không quân Israel cũng như những tổ hợp phòng không hiện đại của nước này thì Su-22 đứng trước nguy cơ bị tiêu diệt rất cao.

Một chiếc Su-22 của không quân Ba Lan

Một chiếc Su-22 của không quân Ba Lan

Lịch sử tham chiến nhiều thất bại của Patriot

Tuy nhiên, việc Israel bắn hạ thành công Su-22 của Syria phần nào đó giúp khôi phục lại danh dự cho hệ thống tên lửa Patriot – tổ hợp phòng thủ chống máy bay tiên tiến do Mỹ chế tạo.

Trong lịch sử tham chiến trước đây, Patriot đã từng trải qua nhiều tình huống ‘bẽ mặt’ khi không thể tiêu diệt được mục tiêu tấn công hoặc thậm chí quay đầu ‘phản chủ’. Điển hình nhất là vụ ngày 25/3/2018, lực lượng vũ trang Houthi ở Yemen đã phóng 7 quả tên lửa tấn công Thủ đô Riyadh của Saudi Arabia.

Khi đó, mặc dù Saudi Arabia lên tiếng khẳng định nước này đã đánh chặn thành công tất cả số tên lửa của Houthi nhưng chuyên gia Jeffrey Lewis – Giám đốc Chương trình Chống phổ biến Vũ khí Đông Á của Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury (Mỹ) đã chứng minh điều ngược lại.

Theo Jeffrey Lewis, các tổ hợp phòng thủ tên lửa Patriot của Saudi Arabia đã phóng tên lửa đánh chặn nhưng không thành công. Một quả nổ thảm bại ngay sau khi rời bệ phóng còn quả kia quay vòng hình chữa U trên không, ngược trở lại Thủ đô Riyadh rồi phát nổ ngay dưới mặt đất.

Xa hơn nữa, trong cuộc chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991, thông tin ban đầu được công bố khẳng định các hệ thống Patriot đã có ‘màn trình diễn hoàn hảo’ khi đánh chặn được 45/47 quả tên lửa Scud của Iraq. Thế nhưng, đánh giá sau đó của Lục quân Mỹ đã rút con số ước tính xuống còn 50%, thậm chí chỉ là 1/4.

Theo điều tra của Ủy ban Các chiến dịch của Chính phủ thuộc Hạ Viện Mỹ, không có đủ bằng chứng để đi đến kết luận về bất cứ vụ đánh chặn thành công nào của tên lửa Patriot tại Iraq.

‘Có rất ít bằng chứng chứng tỏ Patriot đã bắn trúng nhiều hơn vài quả tên lửa Scud của Iraq trong chiến tranh vùng Vịnh’, tóm tắt báo cáo của Ủy ban trên kết luận. ‘Vẫn còn có những nghi ngờ về những vụ đánh chặn này’.

Hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot của Israel

Hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot của Israel

Quay trở lại vụ chiếc Su-22 của Syria bị Israel bắn hạ. Xét trên nhiều góc độ, đây là loại máy bay có khả năng sống sót thấp nhất trong kho vũ khí của Syria. Như vậy, liệu Patriot có thể đánh chặn thành công các máy bay hiện đại hơn, vận tốc nhanh hơn và bay ở trần bay cao hơn Su-22 hay không vẫn còn phải chờ xem.

Hơn nữa, trên thực tế khi bị bắn rơi, chiếc Su-22 của không quân Syria đang làm nhiệm vụ tấn công khủng bố và chỉ sơ suất bay sang vùng lãnh thổ do Israel quản lý nên đã không lường trước tình huống phải đụng độ với các lực lượng của Israel và đã bị tấn công bất ngờ. Điều đó càng khiến nó dễ bị tổn thương hơn.

Chưa hết, tầm tấn công rất gần của tên lửa Patriot Israel cũng là một yếu tố quan trọng dẫn tới kết quả như trên, và ở đây, câu hỏi đặt ra là liệu Patriot có thể đối phó được với những mục tiêu hoạt động ở tầm xa hơn hay không cũng vẫn còn phải để để ngỏ.

Như vậy, kết quả bắn hạ thành công chiếc tiêm kích – bom Su-22 cũ kỹ của không quân Syria ngày 24/7 vừa qua, có lẽ cũng không phải là chiến tích gì ghê gớm, đáng tự hào của hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot mà Israel đang sở hữu.

Phước An 

Theo Tintuc.vn