Kể từ truyện dài đầu tay đến nay, Dương Thụy miêu tả tình yêu dữ dội, bạo dạn hơn. Nhà văn cho biết chị thay đổi cách viết để phù hợp hơn với bạn đọc.

 

Gần 20 năm viết chuyện tình

Dương Thụy cho biết trước khi viết truyện dài đầu tay Oxford thương yêu, chị đã viết nhiều truyện ngắn lấy bối cảnh ở châu Âu và có các nhân vật nước ngoài. Một số truyện ngắn được độc giả thích là Bồ câu chung mái vòm, Cạo gió mùa xuân, Con gà nói tiếng Đức

“Như nhiều nhà văn khác, sau một thời gian viết truyện ngắn, tôi rón rén viết sang truyện dài. Khi đó, tôi chọn đề tài du học sinh, những khó khăn, tình bạn, tình yêu… khi đi du học như thế nào. Và câu chuyện với Fernando ở Oxford cứ từ từ hiện ra”, Dương Thụy chia sẻ.

Khi viết truyện dài, tác giả không lên trước dàn bài, định đoạt ai gặp ai, ai yêu ai. Chị chỉ nghĩ vì du học ở Anh, nhân vật nữ Thiên Kim nên gặp gỡ ai đó người nước ngoài, vì thế chàng trợ giảng người Bồ Đào Nha xuất hiện.

“Yếu tố nước ngoài không phải là một sự cài cắm vào cho ăn khách, mà đó là điều tự nhiên phù hợp với câu chuyện tôi muốn sáng tác”, Dương Thụy nói.

Qua gần 20 năm viết chuyện tình, Dương Thụy cho biết nhân vật và tình yêu của chị ở mỗi cuốn sách đều khác nhau. Tác phẩm nào thì người cầm bút cũng dồn tâm huyết cho nhân vật của mình tại thời điểm họ viết ra.

Cùng mối quan tâm tới những chuyện tình xuyên quốc gia, bạn đọc Thuy Nga Nguyễn hỏi “Tác giả đề cao ‘hàng Việt Nam chất lượng cao’ với những con người, thanh niên có đức tính tốt, dùng vốn từ tiếng Việt thân thiện, ấm áp và trìu mến khi gọi nhau, phải chăng đó cũng góp phần làm xoa dịu tâm hồn độc giả, hướng bạn đọc quay về cội nguồn?”.

Dương Thụy nói trong tình yêu hay hôn nhân, những người có cùng một nền văn hóa, ngôn ngữ, xuất xứ thì đều dễ cảm nhau và có một mối quan hệ bền vững hơn. Tuy nhiên, hai người đến từ hai vùng miền khác nhau thường hút nhau do sự khác biệt làm họ tò mò.

“Khi viết, tôi để nhân vật làm chủ đường dây câu chuyện, tôi không thể muốn xoa dịu tâm hồn độc giả là làm được, sẽ rất khiên cưỡng. Bản thân tác giả còn không thể ép buộc được nhân vật nữ chọn ai. Yêu ai là quyền của nhân vật, tác giả chỉ làm công việc chép ra cuộc tình của họ mà thôi”, Dương Thụy nói về cách chị sáng tác.

Ai cũng thích sự thay đổi

Kể từ tác phẩm đầu tay đến nay, tác phẩm của Dương Thụy được đánh giá là miêu tả tình yêu dữ dội, bạo dạn hơn. Độc giả Thụy Quân hỏi phải chăng tác giả đang muốn thoát ra vỏ bọc ngoan hiền ngây thơ trong văn chương của mình và muốn nổi loạn hơn trong những tác phẩm sau?

Dương Thụy nói: “Thật ra không phải tôi muốn nhân vật mình bạo dạn, mà thời bây giờ các bạn trẻ ai cũng yêu rất bạo liệt. Nếu tôi cứ giữ cho nhân vật của mình ngoan hiền, ngây thơ, kiểu các cô sợ cho con trai nắm tay là có bầu… thì chắc không còn hợp thời nữa”.

Những cuốn gần đây nhất của Dương Thụy như Em rắc thính – Anh thả tình và Yêu em bằng mắt giữ em bằng tim, các nhân vật nữ khá bạo dạn và dám “làm tới”. Nhưng họ lại là những cô gái chọn tình yêu thuần khiết, phải yêu sâu đậm, phải có rung động mạnh mẽ và phải đủ niềm tin họ mới chủ động làm điều họ muốn.

“Sự hồn nhiên trong trẻo hay sự bạo dạn quyết liệt của các nhân vật nữ tùy vào từng thời điểm trong cuộc đời họ và tùy vào từng thời điểm của xã hội. Tôi không có cảm giác bị mất đi lượng người hâm mộ thích sự hồn nhiên trong trẻo trong văn của tôi. Dường như ai cũng thích sự thay đổi”, Dương Thụy nói.