Lãnh đạo TP Hà Nội giao công an lập chuyên án “xem có tiêu cực trong công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải hay không?”.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đưa ra yêu cầu trên trong cuộc kiểm tra đột xuất về tình hình giải quyết các kiến nghị của người dân liên quan đến Khu liên hợp xử lý rác Nam Sơn (huyện Sóc Sơn), chiều 3/12.

Ông Huệ cũng đề nghị làm rõ “có hay không việc đổ nước vào rác để tăng khối lượng rác thải, nước rỉ rác và xử lý nghiêm nếu phát hiện sai phạm”.

Yêu cầu của ông Huệ được đưa ra trong bối cảnh việc xử lý rác nội đô nảy sinh nhiều bất cập, trong đó có mùi hôi làm ảnh hưởng cuộc sống người dân. Những năm qua, người dân quanh khu vực này đã 15 lần chặn xe vào bãi rác. Hôm 30/10, trong cuộc đối thoại với lãnh đạo Thành uỷ Hà Nội, người dân kiến nghị tăng cường kiểm tra, giám sát quy trình vận hành của khu xử lý chất thải ở Sóc Sơn, nếu có vi phạm phải xử lý nghiêm trách nhiệm của các đơn vị liên quan.

Theo tìm hiểu, hiện việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải ở Hà Nội liên quan đến các đơn vị thu gom (nhà thầu duy trì dịch vụ môi trường), Công ty Môi trường Đô thị Hà Nội (đơn vị vận hành bãi rác Nam Sơn) và Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị (Sở xây dựng)… Đơn giá mỗi tấn rác vào bãi Nam Sơn để xử lý là 77.000 đồng; bãi Xuân Sơn 44.000 đồng; còn đơn giá xử lý nước rác là 82.000 đồng/m3.

Hàng ngày, xe rác ra vào bãi đều qua trạm cân điện tử, số liệu do Ban Duy tu quản lý, giám sát.

Cũng tại cuộc kiểm tra đột xuất chiều 3/12, lãnh đạo Thành ủy Hà Nội nêu rõ từ chuyện xử lý rác sẽ làm gương cho các vấn đề khác của thành phố, như: Nước thải, cấp thoát nước, ô nhiễm không khí và các vấn đề dân sinh bức xúc khác.

“Lần này phải giải quyết triệt để, căn bản và lâu dài những vấn đề liên quan đến Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn, từ bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư, thu gom xử lý chất thải, xử lý nước rỉ rác, các ô chôn lấp và đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà máy đốt rác phát điện”, ông Vương Đình Huệ nói.

Về kiến nghị cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 7.000 hộ dân khu vực trục đường 35 (đường vận chuyển rác vào Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn) và 3 xã Nam Sơn, Bắc Sơn, Hồng Kỳ, lãnh đạo Thành ủy Hà Nội đồng ý và giao Ban cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo các sở, ngành liên quan chuẩn bị nội dung này, sớm trình HĐND thành phố xem xét.

“Người dân khu vực xử lý rác thải Sóc Sơn đã hy sinh nhiều quyền lợi cá nhân để chia sẻ với thành phố. Ngược lại, thành phố, các cấp, ngành cũng phải chia sẻ với người dân bằng tinh thần trách nhiệm, chủ động cao; vận dụng tối đa quy định của pháp luật theo thẩm quyền nhưng phải minh bạch và công bằng”, ông Huệ nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Phạm Văn Minh, sau cuộc làm việc của Bí thư Thành ủy về Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn ngày 25/10 và các chỉ đạo liên quan, đến nay “tình trạng mùi hôi trên địa bàn huyện không còn diễn ra như trước”. Chất lượng các xe chở rác cũng được bảo đảm đúng quy cách, tiêu chuẩn, không để nước rỉ rác chảy ra trên đường vận chuyển, không sử dụng xe cũ nát; các đơn vị vận hành hết công suất để giảm lượng nước rỉ rác trong hồ; phủ bạt che thêm 10.000 m2 bề mặt rác hở và phun chế phẩm khử mùi theo các khung giờ trong ngày…

Đến nay có 2.700 hộ trên tổng số 9.300 hộ ở ba xã Nam Sơn, Bắc Sơn, Hồng Kỳ được cấp nước sạch; dự kiến đến cuối năm 2020 cấp thêm cho 1.000 hộ.

Hiện mỗi ngày bãi rác Nam Sơn tiếp nhận hơn 5.000 tấn rác thải sinh hoạt (chiếm 77% lượng rác của toàn thành phố), được thu gom, vận chuyển từ khu vực nội thành Hà Nội và các huyện Mê Linh, Sóc Sơn, Đông Anh, Thanh Trì.

Từ năm 2017 đến nay, việc thu gom rác tại các quận, huyện ở Hà Nội thực hiện theo phương thức đấu thầu tập trung. Thành phố giao nhiệm vụ cho Trung tâm mua sắm tài sản công (Sở Tài chính) tổ chức đấu thầu dịch vụ môi trường với tổng cộng 26 gói thầu, thực hiện trong 3 năm 10 tháng (đến hết năm 2020).

Được xây dựng từ năm 1999, khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn, huyện Sóc Sơn, quy hoạch đến năm 2020 với quy mô 157 ha; năm 2030 là 257 ha và đến năm 2050 là 280 ha tại các xã Bắc Sơn, Nam Sơn và Hồng Kỳ.