(Vtrend.vn) Người ta đếm những thứ đổ vỡ trên nước Pháp bằng con số: một chiếc ô tô, hai căn nhà, ba cửa hàng… nhưng có những thứ đổ vỡ mang theo giá trị tinh thần của cả một dân tộc, như bức tượng Marianne bên trong Khải Hoàn Môn.
Giữa tâm bão biến động, điều mà nhiều người quan tâm hơn lại là câu chuyện những di sản, công trình bị phá hủy, hư hại. Là một đất nước sở hữu những bộ sưu tập nghệ thuật, các bảo tàng hay những công trình kiến trúc lừng lẫy thế giới, việc bức tượng Marianne trong Khải Hoàn Môn bị phá đã khiến nhiều người hết sức bàng hoàng. Nhìn gương mặt vỡ của Marianne như chất chứa sự giận dữ của những người biểu tình tại Pháp. Ngoài ra, còn rất nhiều hiện vật khác bị đập phá, xịt sơn, bôi bẩn, các bảo tàng bị tấn công như một “cái tát” thật mạnh vào những người quản lý văn hóa dưới chân tháp Eiffel.
Khi những đám đông giận dữ, họ sẵn lòng phá hủy cả những thứ vốn từng là niềm tin tối cao của bản thân. Cuộc tấn công vào văn hóa – gốc rễ của con người, không có hình súng đạn nhưng cũng đầy buồn thương, mất mát.
Trong ngành Di sản học, có một thuật ngữ mang tên “Heritage Genocide” hay “Cultural Genocide” – thảm sát di sản. Tuy không phải một thuật ngữ được công nhận rộng rãi nhưng nó đã được dùng trong hàng chục năm qua, gắn liền với những cuộc tấn công vào di sản trên toàn cầu. Thảm sát di sản là hành động phá hoại di sản hàng loạt với lý do và động cơ đằng sau thường liên quan tới chính trị. Thảm sát di sản có thể xảy ra một cách có chủ đích (như nhóm phiến quân Hồi giáo Taliban phá tan tành hai bức tượng phật khổng lồ tại Afghanistan vào năm 2001) hoặc không thực sự chủ đích – các cuộc không kích tại Syria đã hủy hoại thành phố Damascus và Aleppo vốn từng đẹp một cách mê đắm, thu hút rất đông khách du lịch mỗi năm.
Những người biểu tình không nhằm vào Khải Hoàn Môn vì đơn thuần họ thích, mà đó là một công trình biểu tượng – một di sản được sử dụng như công cụ chính trị của nước Pháp khá rõ rệt qua nhiều năm qua. Các di sản không chỉ là công trình bằng gạch, xi măng, đá hay sắt thép mà được dựng lên bởi nhiều yếu tố tư tưởng dân tộc, lý tưởng quốc gia, niềm tự hào của người dân, biểu tượng của an ninh… Bức tượng Marianne xuất hiện lần đầu trong thời điểm Cách mạng Pháp vào năm 1789 như một biểu tượng nhân hóa của những giá trị tự do, bình quyền, công bằng, đoàn kết và rồi sau đó tượng trưng cho cả nước Pháp.
Những hình ảnh Marianne xuất hiện trong rất nhiều sản phẩm, công trình văn hóa, từ những con tem thư cho tới các công trình lớn khác sau này tại Pháp. Khải Hoàn Môn chính là biểu tượng cho toàn dân tộc, của nền văn hóa Pháp, những điều mà con người luôn tin vào bấy lâu nay. Nó đã chứng kiến sự thăng trầm của nước Pháp trong hàng thế kỷ qua, đi qua những biến động của đất nước nhưng vẫn vươn mình kiên cường, và kể cả các thế lực khủng bố cũng không thể hạ nổi Khải Hoàn Môn.
Tuy nhiên, khi niềm tin của người dân rạn nứt, họ sẵn lòng đánh đổi, thậm chí là tàn phá những công trình vốn mang những giá trị hình ảnh cho cả một đất nước. Cuộc tấn công vào Khải Hoàn Môn khiến cả nước Pháp bàng hoàng. Bên dưới công trình là nơi kỷ niệm 1,4 triệu lính Pháp trận vong trong Thế chiến thứ nhất; xen lẫn trong nỗi buồn, sự bàng hoàng là cả niềm thất vọng và tức giận của nhiều người dân Pháp.
Không chỉ vậy, Pháp là một trong những quốc gia có những lực lượng chuyên trách trong vấn đề bảo vệ di sản. Đây là một trong số ít các quốc gia đưa những chương trình tập huấn bảo vệ di sản vào việc đào tạo lực lượng an ninh quốc gia. Chính vì vậy, việc Khải Hoàn Môn và tượng Marianne bị phá hoại như một thông điệp của lực lượng biểu tình nhắn gửi tới nước Pháp.
Năm 2001, phiến quân Hồi giáo Taliban phá tan tành 2 bức tượng Phật Bamiyan trên 1500 năm tuổi tại Afghanistan khiến cả thế giới bàng hoàng – 2 bức tượng lớn tầm cỡ nhất nhì thế giới nằm trên con đường Tơ lụa huyền thoại. Nhóm phiến quân Hồi giáo đưa ra 2 lý do để phá sập bức tượng Phật. Là một nhóm hồi giáo cực đoan, họ không chấp nhận một di sản mang màu sắc Phật giáo trên đất nước Hồi giáo. Không chỉ vậy, người phát ngôn của Taliban nói rằng các chuyên gia nước ngoài nên dành tiền cứu đói cho trẻ em chứ không nên dùng tiền bảo tồn những công trình như vậy. Những cái cớ đó đã đẩy 2 bức tượng Bamiyan đến hồi kết.
Nhưng liệu đó có phải lý do thực sự để một công trình bị phá hủy? Có thể có hoặc không, nhưng cái chính vẫn là một trong chuỗi những hành động khiêu khích đánh tiếng của Taliban tới chính quyền Afghanistan thời bấy giờ và cho toàn thế giới. Đó chính là sự thủ tiêu tôn giáo, đàn áp sự tự do của con người, làm lung lay niềm tin tôn giáo của cả một cộng đồng. So với những nỗi đau thể xác, việc niềm tin bị phá hoại mới thực sự là nỗi đau tột cùng.
Phá hủy di sản chính là sự tấn công tinh thần lên người dân và xâm hại tới quyền lợi của con người. Tấn công vào văn hóa như chạm vào nỗi đau sâu thẳm nhất trong mỗi cá nhân, từ niềm tin, ước mơ, cội nguồn cho tới lý tưởng: Những người thổ dân bị đẩy ra khỏi mảnh đất họ sinh sống, những nhóm người bị ép phải chuyển đổi ngôn ngữ khi đất nước bị xâm lược hay những công trình tôn giáo bị thay thế, cải hóa bởi một nhóm tôn giáo khác. Ở một mức độ nghiêm trọng, đôi khi họ sẽ mất luôn danh tính của bản thân – họ là ai, họ thuộc về đâu và sẽ đi về đâu? Tấn công vào văn hóa không cần những súng ống tối tân, trang thiết bị hiện đại nhưng nó có thể khiến những vết thương mãi không lành.
Những kẻ tấn công vào di sản muốn làm lung lay nền tảng tinh thần cơ bản của mỗi người: Niềm tin. Họ biết rằng, văn hóa có sức mạnh đưa con người xích lại gần nhau hơn – đó là lý do mà hàng trăm năm nay, người dân Pháp luôn tập trung tại Khải Hoàn Môn cho những sự kiện quan trọng. Văn hóa là nguồn lực của sự kiên cường, chịu đựng, mang đến cho những con người niềm tin vào một tương lai như họ đã từng có.
“Khi những kẻ tấn công phá hoại Phòng trưng bày quốc gia Jeu De Paume và Khải Hoàn Môn; Họ đã tấn công vào nước Pháp, vào lịch sử và những giá trị lâu đời. Điều này là không thể chấp nhận được”.
Có những cá nhân phải chịu đau đớn trong mỗi cuộc đụng độ đơn lẻ, nhưng tấn công lên những giá trị văn hóa gieo rắc nỗi đau cho toàn bộ cộng đồng. Và đó là điều không ai có thể chấp nhận được. Tấn công vào Khải Hoàn Môn như một cú giáng vào niềm tin dân tộc mạnh mẽ của người dân Pháp. Nếu một ngày nào đó Khải Hoàn Môn không còn, liệu cái tinh thần bác ái, yêu nước, mạnh mẽ và kiên cường kia còn được lan tỏa khắp nước Pháp hoa lệ?
Thế giới đã bước sang thế kỷ 21 và những tiếng súng tiếng bom đã vơi bớt trên khắp hành tinh, nhưng sự bình yên vẫn là một điều thiếu vắng trong mỗi người. Những cuộc chiến tranh bạo lực đã chuyển dần sang chiến tranh trên không gian mạng, chiến tranh văn hóa, di sản. Một vết thương rồi sẽ lành, nỗi đau cũng dần nguôi ngoai nhưng niềm tin rạn nứt hay cội nguồn mất mát sẽ là niềm đau lớn nhất cho cả dân tộc. Không phải chỉ cho hiện tại, những giá trị niềm tin ấy cũng sẽ đứt gãy từ đây; một “di sản” tinh thần không bao giờ được bước truyền tiếp tới tương lai.
Theo kenh14.vn