(Vtrend.vn) Mới chỉ 6 tháng trước, thị trường dự báo giá dầu có thể đạt tới 60-70 USD/thùng trong năm 2018…

Giá dầu thế giới có thể sớm vọt lên mức 100 USD/thùng trong bối cảnh căng thẳng leo thang ở khu vực Trung Đông, đặc biệt sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh tấn công Syria để đáp trả vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học ở nước này.

Tuần này, giá dầu thô giao sau đã thiết lập những mức đỉnh kể từ tháng 12/2014 do bất ổn bị đẩy cao ở Syria.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Sáu tại thị trường London, giá dầu thô Brent tăng 0,56 USD/thùng, đạt mức 72,58 USD/thùng. Tại thị trường New York, giá dầu thô WTI tăng 0,32 USD/thùng, chốt ở 67,39 USD/thùng.

Cả tuần, giá dầu Brent tăng 5,48 USD/thùng, tương đương 8%. Giá dầu WTI cũng tăng 8% trong tuần. Hãng tin Reuters cho biết đây là tuần tăng giá mạnh nhất của dầu thô kể từ tháng 7 năm ngoái.

“Tôi cho rằng giá dầu có khả năng đạt mức 100 USD/thùng vào một thời điểm nào đó trong năm nay nếu căng thẳng tăng mạnh ở Trung Đông”, ông Anish Kapadia, nhà sáng lập kiêm Giám đốc của Akap Energy, nói với hãng tin CNBC.

Nhận định này của vị chuyên gia được đưa ra trước khi Tổng thống Trump hạ lệnh tấn công Syria vào buổi tối ngày thứ Sáu theo giờ Washington, tức sáng thứ Bảy theo giờ Việt Nam. Tham gia chiến dịch này cùng với lực lượng của Anh và Pháp.

Ông Kapadia nhấn mạnh rằng mới chỉ 6 tháng trước đây, thị trường dự báo giá dầu có thể đạt tới 60-70 USD/thùng trong năm 2018. Căng thẳng Trung Đông đã khiến tình thế thay đổi, dẫn tới dự báo giá dầu đạt mốc 100 USD/thùng trong năm nay.

Ngân hàng Thụy Sỹ Credit Suisse vào ngày thứ Sáu cũng nâng dự báo giá dầu thêm 18% so với lần dự báo trước. Theo đó, Credit Suisse nhận định mức giá bình quân trong năm 2018 của dầu Brent là 71 USD/thùng và của dầu WTI là 66 USD/thùng. Trong lần dự báo trước, ngân hàng này cho rằng giá dầu Brent và WTI sẽ đạt bình quân lần lượt 60 USD/thùng và 56 USD/thùng trong năm nay.

Diễn biến giá dầu Brent giao sau tại thị trường London trong vòng 1 năm trở lại đây – Nguồn: CNBC.

Ngoài Syria, Trung Đông – “vựa” dầu của thế giới – hiện còn có một điểm nóng nữa là Yemen. Lực lượng nổi dậy Houthi ở nước này gần đây đã đẩy mạnh chiến dịch nã tên lửa vào nước láng giềng Saudi Arabia, trong đó có các mục tiêu là các cơ sở dầu lửa.

Những quả tên lửa của Houthi đều bị Saudi Arabia đánh chặn thành công. Tuy nhiên, nội chiến Yemen được xem là một “cuộc chiến qua tay” giữa Iran và Saudi Arabia, và cuộc chiến này rất có thể sẽ leo thang trong thời gian tới.

Một vấn đề nữa nằm ở thỏa thuận hạt nhân Iran, thỏa thuận mà Mỹ có thể rút lui vào tháng 5 tới đây. Cố vấn an ninh quốc gia mới được bổ nhiệm của Mỹ là ông John Bolton được cho là sẽ khuyến khích ông Trump từ bỏ thỏa thuận với Tehran. Nếu điều đó xảy ra, Mỹ sẽ áp lệnh trừng phạt trở lại đối với hoạt động khai thác dầu lửa của Iran và ngành tài chính nước này.

Chưa kể, bất ổn đối với thị trường dầu lửa còn nằm ở quốc gia Nam Mỹ Venezuela, nơi sản lượng của công ty dầu lửa quốc doanh PDVSA đã giảm một nửa do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế và chính trị. Mỹ có thể áp lệnh trừng phạt lên ngành dầu lửa vốn dĩ đã điêu đứng của Venezuela nếu Tổng thống Nicolas Maduro tiến hành một cuộc bầu cử vào tháng 5.

Ngoài ra, giá dầu còn đang được hỗ trợ bởi thỏa thuận cắt giảm sản lượng 1,8 triệu thùng/ngày đang được thực hiện giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và Nga.

Tuy nhiên, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) hôm thứ Sáu nói rằng “còn phải chờ xem” để xác định liệu sự tăng giá gần đây của dầu thô có bền vững hay không. Báo cáo hàng tháng mới nhất của IEA giữ nguyên dự báo nhu cầu dầu của thế giới ở mức 99,3 triệu thùng/ngày trong năm 2018. Dự báo nguồn cung cũng không thay đổi so với báo cáo tháng trước.

Bên cạnh đó, sản lượng dầu đá phiến của Mỹ gia tăng cũng có thể cản trở đà đi lên của giá dầu. Trong khi sản lượng của OPEC giảm, các nhà khai thác dầu đá phiến của Mỹ lại sản xuất nhiều hơn. Hôm thứ Năm, OPEC nói tổng sản lượng dầu của thế giới tăng 180.000 thùng/ngày trong tháng 3, chủ yếu do sản lượng tăng của các nước ngoài OPEC như Mỹ, Na Uy và Anh.

MP

Theo Vneconomy