(Vtrend.vn) Đất công là tài sản của toàn dân nên không có bất kỳ ông chủ nào được quyền quyết định cho thuê, liên doanh, liên kết vì mục đích riêng của đơn vị mình.
Chúng ta có Luật quản lý và sử dụng tài sản công, chính quyền nhiều năm qua cũng liên tục có chủ trương phải chấm dứt lãng phí đất công, thu hồi đất đai sử dụng không hiệu quả. Vậy mà chỉ riêng tại TP.HCM, vẫn còn tình trạng “bỏ trống hàng chục khu đất công”.
Phải chăng Luật quản lý và sử dụng tài sản công không sát với thực tế?
Hay những chủ trương, phát ngôn mạnh mẽ từ lãnh đạo chính quyền rằng phải thu hồi, phải xử lý, quy trách nhiệm… do để lãng phí đất đai chỉ là nói cho có?
Cũng không loại trừ vì đặc quyền, đặc lợi của một nhóm người mà các doanh nghiệp nhà nước vẫn ung dung ôm đất vàng làm của riêng cho mình?
Vấn đề đặt ra là phải khẩn cấp đưa đất công trở lại đúng vai trò của nó là phục vụ cho quốc kế dân sinh.
Các đợt giám sát của hội đồng nhân dân, các kết quả thanh tra phải được chuyển hóa với các biện pháp mạnh mẽ nhằm chấm dứt nạn lãng phí tài sản công, kể cả truy trách nhiệm của những người liên quan.
Không khó để tính toán những thiệt hại cho quốc gia khi đất công lại biến thành đất “ông” để từ đó quy trách nhiệm người đang lãng phí tài sản công.
Từ những kết quả giám sát, thanh tra, người dân mong đợi các khu đất vàng ấy sẽ được thu hồi, được đấu giá… chứ không phải là một bức tranh lãng phí đất đai đã từng được vẽ lên, nay vẽ lại rồi đâu cũng vào đấy, vẫn là màu xám.
Đất công là tài sản của toàn dân nên không có bất kỳ ông chủ nào được quyền quyết định cho thuê, liên doanh, liên kết vì mục đích riêng của đơn vị mình.
Để chấm dứt lãng phí tài sản công, phải xem xét lại cơ chế kiểm soát và đầu mối quản lý. Tại sao với các doanh nghiệp dân doanh, ông chủ đều có thể biết đường đi của đồng tiền, tài sản của mình.
Còn với tài sản công, dù có giá trị lên đến cả ngàn tỉ nhưng chẳng ai biết nó được sử dụng ra sao. Vì thế phải đưa tài sản công, đất công về một đầu mối duy nhất để quản lý.
Đồng thời áp dụng công nghệ hiện đại để biết “nhịp sống” của các tài sản này, như những ông chủ doanh nghiệp quản lý đồng tiền trong kinh doanh. Và quan trọng hơn là phải công khai dữ liệu về đất công, tài sản công để xã hội giám sát.
Để làm được việc này, phải loại bỏ hoàn toàn các doanh nghiệp nhà nước kiểu nửa nạc nửa mỡ như các tổng công ty mẹ ở các thành phố lớn. Cổ phần hóa tất cả các tổng công ty mà Nhà nước không cần nắm giữ.
Quá trình cổ phần hóa này phải làm nghiêm túc việc rà soát tài sản đất đai doanh nghiệp không sử dụng. Chấm dứt kiểu doanh nghiệp giữ mà lại bỏ hoang nhưng sau cổ phần hóa vẫn giữ theo kiểu đất công thành đất của “ông”.
Sau đó tổng kiểm kê tài sản, đất dôi dư không sử dụng và giao về cho một đầu mối quản lý.
Song song đó, phải chế tài và xử phạt thật nặng các trường hợp để lãng phí đất đai vì đó cũng là một kiểu đốt tiền ngân sách quốc gia.
Người dân đang đợi nghe xướng tên những khu đất công được thu hồi, đấu giá để lấy tiền làm đường, xây trường học, bệnh viện.
Hãy xua tan màu đen trên bức tranh sử dụng đất công. Để người dân có thể gọi tên những con đường, trường học, bệnh viện được xây từ tiền bán khu đất công từng bị sử dụng lãng phí.
Theo Tuổi Trẻ
Minh Xuân