(Vtrend.vn) Tuyến đường sắt cao tốc TP.HCM – Cần Thơ với tổng vốn đầu tư 5 tỉ USD được đánh giá sẽ tác động mạnh mẽ đến kinh tế – xã hội giữa hai vùng Đông – Tây Nam bộ.

Rút ngắn từ 173,677 km xuống còn 139 km

Mới đây, Viện Khoa học và Công nghệ (KH-CN) Phương Nam cho biết, sau gần 5 năm nghiên cứu, dự án đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao TP.HCM – Cần Thơ đã hoàn thành hồ sơ khả thi.

Theo quyết định của Bộ GTVT ngày 27.8.2013 phê duyệt Quy hoạch chi tiết đường sắt TP.HCM – Cần Thơ, tổng chiều dài toàn tuyến là 173,677 km với 14 ga. Tuy nhiên sau nhiều lần họp bàn, đại diện 5 tỉnh thành liên quan đã thống nhất với phương án đơn vị nghiên cứu đề xuất là rút ngắn tuyến còn 139 km, gồm 10 ga từ ga đầu Tân Kiên TP.HCM đi qua các ga thuộc tỉnh Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và ga cuối là Cảng Cái Cui TP.Cần Thơ (Ga Nam Cần Thơ).

Tuyến đường sắt này sẽ cập theo đường bộ cao tốc TP.HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận theo hướng ngoại vi các đô thị hiện hữu. 10 ga được quy hoạch thành 10 thành phố mới quy mô dân số tương đương một phường, xã với đầy đủ cơ sở hạ tầng, khu công nghiệp, nhà ở, trường học, bệnh viện, hệ thống siêu thị… theo tiêu chuẩn quốc tế.

Tuyến được thiết kế đường sắt đôi, khổ 1.435 mm, là khổ hiện đại dành cho đường sắt cao tốc phổ biến trên thế giới, tốc độ dưới 200 km/giờ cho tàu hàng và trên 200 km/giờ cho tàu khách. Như vậy, từ TP.HCM đến Cần Thơ tàu chạy chỉ mất 45 phút.

Đại diện Viện KH-CN Phương Nam cho biết Viện đã chính thức ký kết Biên bản ghi nhớ (MOU) với quỹ Morfund của Canada với quy mô vốn đầu tư cho dự án là 6,3 tỉ đô la Canada (tương đương 5 tỉ USD hay 112.000 tỉ đồng). Đơn vị này đang tiến hành thủ tục báo cáo Bộ GTVT, Thủ tướng Chính phủ và Quốc hội trong năm nay, dự kiến sẽ triển khai dự án vào cuối năm.

Trước đó, ngày 17.1, Tổng lãnh sự Canada tại TP.HCM cũng đã gửi thư cho Viện trưởng Viện KH-CN Phương Nam, đánh giá cao dự án và khẳng định Canada sẽ cung cấp các khả năng về thiết kế xây dựng, cung cấp kỹ thuật và quản lý dự án cũng như những công nghệ tiên tiến về đường sắt.

Thúc đẩy phát triển kinh tế liên vùng

Dự báo của đoàn nghiên cứu JICA (Nhật Bản) cho biết đến năm 2030, khối lượng vận tải hành khách trên hành lang TP.HCM – Cần Thơ sẽ tăng 4,8 lần so với năm 2008, khối lượng vận tải hàng hóa cũng sẽ tăng 3 lần so với năm 2008. Còn theo Viện KH-CN Phương Nam: TP.HCM là trung tâm vùng kinh tế trọng điểm phía nam thuộc miền Đông Nam bộ, TP.Cần Thơ là trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL, cửa ngõ của vùng Tây Nam bộ. Việc đầu tư xây dựng đường sắt nối hai trung tâm kinh tế lớn phục vụ phát triển kinh tế, an ninh quốc phòng là cần thiết.

Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh cho rằng công trình này nên được làm từ lâu vì khu vực miền Bắc có quá nhiều hệ thống cao tốc, đường sắt chằng chịt trong khi ĐBSCL là vùng sản xuất nông nghiệp, thủy sản, hàng hóa lớn nhất cả nước, lại nằm kế trung tâm kinh tế lớn nhất nước như TP.HCM nhưng chưa có cơ hội “cất cánh” bởi chưa được đầu tư đúng mức về hạ tầng giao thông. Để đẩy mạnh kinh tế, vấn đề lưu thông hàng hóa phải được đặt lên hàng đầu. Hiện nay hàng hóa từ các tỉnh miền Tây lên TP.HCM bằng đường bộ quá tải, đường thủy thì bế tắc do lượng sông, hồ đang bị lấp ngày càng tăng. Việc xuất hiện loại hình đường sắt đối với vận chuyển hàng hóa cũng như vận chuyển hành khách liên tỉnh kết nối hai khu vực này là hoàn toàn cần thiết và quan trọng. “Nói đến kinh tế lan tỏa vùng và để đạt hiệu quả lớn, phải ưu tiên vận chuyển hàng hóa trước vận chuyển hành khách. Về mặt này, đường sắt và đường thủy có lợi thế hơn đường bộ”, ông Trinh nhận định.

Một chuyên gia kinh tế khác cũng đồng quan điểm, nhận định tuyến đường sắt cao tốc TP.HCM – Cần Thơ nếu triển khai sau 2020 sẽ tạo những lợi ích đáng kể về kinh tế và xã hội, đặc biệt là tiết kiệm chi phí thời gian và chi phí vận hành khi chuyển từ các phương tiện cá nhân đường bộ và đường sắt cho cả hành khách và hàng hóa.

MP

Theo Thanh Niên Online