(Vtrend.vn) TTO – Nhìn con mệt mỏi và phờ phạc tôi cũng xót ruột. Nhưng tôi nghĩ phải cố gắng, động viên con cố gắng để thi đậu vào trường chuyên, sau này con sẽ có nhiều cánh cổng rộng mở…

Học sinh ra về sau khi học thêm tại một trung tâm bồi dưỡng văn hóa ở TP.HCM – Ảnh: NHƯ HÙNG

Tôi từng là một phụ huynh muốn con mình vào trường chuyên. Năm con học lớp 5, tôi đã đưa ra chỉ tiêu con gái tôi phải thi vào Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM).

Đầu hè cuối năm lớp 4, tôi đã cho con học thêm ở trung tâm luyện thi vào trường chuyên. Nhà tôi ở Q.Bình Thạnh, con tôi học ở trung tâm nằm trên đường Trần Hưng Đạo (Q.1, gần giáp ranh với Q.5).

Những ngày thứ bảy, chủ nhật, bất kể mưa hay nắng, con tôi đều có mặt ở trung tâm lúc 13h30, giờ mà lẽ ra con tôi đáng được ngủ trưa thêm chút nữa.

Nhìn con gái mệt mỏi và phờ phạc tôi cũng xót ruột, những thành viên trong gia đình đưa đón cháu cũng mệt theo. Nhưng tôi nghĩ phải cố gắng, động viên con cố gắng để thi đậu vào trường chuyên, sau này con sẽ có nhiều cánh cổng rộng mở…

 Cứ thế, cho đến ngày họp phụ huynh học kỳ I, giáo viên chủ nhiệm đã mang chuyện con gái tôi ra nói trước lớp.

Cô kể có một học sinh tâm sự với cô rằng: “Con không thích thi vào trường chuyên mà mẹ ép con, hai ngày cuối tuần con không được ngủ trưa, ăn cơm xong là chuẩn bị đi học tiếp.

Con thèm ngủ, con không muốn đi học thêm, nhưng không dám nói với mẹ vì sợ mẹ giận. Mỗi lần mẹ con giận rất lâu. Cô làm ơn nói với mẹ giùm con thi không nổi, con không muốn vô trường chuyên”.

Cảm giác của tôi lúc đó vừa tức giận vừa xấu hổ, cũng may cô giáo không nói rõ em nào và phụ huynh nào. Tôi tự hỏi vì sao con không nói với mình mà đi nói với cô giáo. Tôi nghĩ mình làm như thế cũng chỉ muốn tốt cho con sau này, vì con còn nhỏ nên mình định hướng thay con.

Sau câu chuyện của con gái tôi, một phụ huynh đứng lên chia sẻ: chị có hai con gái, đứa đầu đang học trường chuyên, đứa thứ hai cũng định vô trường chuyên nhưng cô chị can ngăn vì: “Lớp chị các bạn học cạnh tranh nhau từng 0,25 điểm”, nếu bạn này điểm 9 thì bạn kia cũng phải cố gắng đạt 9,25 điểm.

Tuổi thơ học trò không có, lúc nào cũng vùi đầu vào sách vở để ganh đua nhau. Cô chị học được một năm ở trường chuyên – lớp chuyên, nhưng năm sau xin ra lớp thường. Cô em cũng bỏ ý định thi vào trường chuyên.

Quay lại câu chuyện của con tôi, quả thật tôi đã giận con mấy ngày. Với người quả quyết luôn xem việc học hàng đầu như tôi, để thay đổi suy nghĩ của mình thật khó.

Nhưng tôi đã thay đổi, tôi đã cho con nghỉ học thêm, chỉ tập trung vào học chương trình của lớp. Thay vì học luyện thi, tôi cho con học múa, bóng rổ để rèn luyện thể chất. Từ đó tôi thấy con tôi vui hẳn, mặt mày tươi như cây khô được tưới nước.

Tôi nhận ra chính áp lực và mong mỏi của mình đã phần nào “cướp” đi tuổi thơ của con. Tôi thầm cảm ơn cô giáo chủ nhiệm, cảm ơn phụ huynh đã chia sẻ cho tôi và cảm ơn con gái giúp tôi nhận ra rằng mong mỏi và định hướng của mình phải nghĩ đến khả năng và sự đáp ứng của con trẻ.

Theo Tuổi Trẻ