(Vtrend.vn) Trong những năm gần đây, tỷ lệ trẻ tự kỷ trong cộng đồng có chiều hướng gia tăng, dao động từ 0,5 – 1% và tỷ lệ trẻ tự kỷ nam cao hơn nữ từ 4 – 5 lần, đồng nghĩa với việc cứ khoảng 100 trẻ em sinh ra thì có 1 trẻ mắc phải rối loạn này.

Thực tế hiện nay, tại các cơ sở trợ giúp xã hội, trung tâm công tác xã hội (CTXH) cung cấp các dịch vụ trợ giúp cho trẻ tự kỷ hầu như chưa đầy đủ. Đội ngũ giáo viên, cán bộ, nhân viên công tác xã hội làm việc tại các cơ sở trợ giúp xã hội và cộng đồng còn thiếu về số lượng, chưa được đào tạo về kiến thức, kỹ năng chuyên môn trong lĩnh vực chăm sóc, GD và phục hồi chức năng cho trẻ tự kỷ. Do đó, việc xây dựng chương trình đào tạo và tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, nhân viên về công tác chăm sóc, GD và phục hồi chức năng cho trẻ tự kỷ tại các cơ sở trợ giúp xã hội, trung tâm CTXH các tỉnh, thành phố trong cả nước là cấp thiết. Từ đó, giúp nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác chăm sóc, GD và phục hồi chức năng cho trẻ tự kỷ tại chính cơ sở nơi các em sinh sống, làm giảm áp lực trực tiếp lên gia đình, người chăm sóc trẻ tự kỷ và cộng đồng xã hội.

Trong khi đó, tự kỷ chưa được coi là bệnh hay khuyết tật. Nguyên nhân của tự kỷ cũng chưa được tìm ra. Và tự kỷ có nhiều dạng, không ai giống ai, vì thế một phác đồ điều trị cho trẻ tự kỷ vẫn chưa được hoàn thiện. Trong khi một bộ phận không nhỏ gia đình có con tự kỷ hoàn toàn không có nguồn kinh phí để điều trị lâu dài cho con em mình.

Do đó, một chính sách cho người tự kỷ; một nguồn lực để hỗ trợ cho đối tượng này là rất cần thiết. Từ đó đặt ra đối với các Trung tâm LĐXH phải xây dựng các dịch vụ xã hội nhằm giúp đỡ, hỗ trợ trẻ tự kỷ hoà nhập cộng đồng. Để hoàn thiện các dịch vụ xã hội đối với trẻ tự kỷ thì ngoài việc cần thiết xây dựng chính sách pháp luật cho trẻ tự kỷ chúng ta phải đào đạo huấn luyện cho đội ngũ giáo viên, cho bố mẹ, người thân của trẻ tự kỷ kinh nghiệm làm sao khắc phục được tình trạng tự kỷ giúp các cháu hoà nhập cộng đồng.

Trước thực trạng yêu cầu cấp bách của xã hội, nghề CTXH chăm sóc trẻ tự kỷ hướng mục tiêu chung là: chữa trị, phòng ngừa, phục hồi, phát triển.

Công tác xã hội là một nghề còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Những người làm công tác xã hội nhằm hỗ trợ, giúp đỡ những người yếu thế trong xã hội, tạo ra sự bình đẳng và xoá bỏ những rào cản.

Tại các Trung tâm LĐXH, ngoài các đối tượng yếu thế trong xã hội thì những trẻ em mắc hội chứng tự kỷ cũng dành được sự quan tâm của những nhân viên công tác xã hội đã và họ đang nỗ lực tạo ra cuộc sống “độc lập” cho những em bé mắc hội chứng rối loạn phổ tự kỷ, sớm hoà nhập cộng đồng.

Không chỉ dừng lại ở việc chăm sóc, truyền dạy những kỹ năng sống cơ bản, các nhân viên công tác xã hội tại các cơ sở LĐXH còn nghiên cứu, tìm tòi những phương pháp mới trong việc GD trẻ tự kỷ để thúc đẩy quá trình hoà nhập của các em hiệu quả hơn…

Chia sẻ về những công việc hàng ngày can thiệp, chăm sóc trẻ tự kỷ tại Trung tâm CTXH Thái Nguyên, chị Lê Hải Yên – cán bộ Trung tâm cho biết: Đối với giáo viên ngoài áp lực phải can thiệp liên tục vào từng hành vi của trẻ tự kỷ trên lớp còn một áp lực lớn nữa đó là những áp lực trước kỳ vọng hàng ngày của chính cha mẹ các em. Do đó mọi hoạt động tiến bộ hàng ngày của trẻ, hoặc những thay đổi bất thường đều được giáo viên chia sẻ trực tiếp với gia đình và cùng gia đình phối hợp giúp trẻ dần hoàn thiện thích ứng.
MIA
Theo giaoducthoidai.vn