(Vtrend.vn)-Nuôi tôm siêu lợi nhuận nhưng cũng nhiều rủi ro. Vậy nên ngân hàng không dám đầu tư, để người dân phải tìm đến tín dụng đen. Giải pháp cho vấn đề này là Chính phủ cần khởi động chương trình bảo hiểm ngành tôm.

Đề xuất ấy đến từ ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Tập đoàn thủy sản Minh Phú, Phó Chủ tịch Hiệp hội thuỷ sản Việt Nam, trong chuỗi tọa đàm thuộc Diễn đàn kinh tế tư nhân, diễn ra sáng nay 2-5.

Theo ông Quang, điểm nghẽn lớn nhất của ngành tôm là sản xuất nhỏ lẻ. “Giấy thông hành bán tôm ra thị trường quốc tế và các nước lớn là phải có chứng nhận quốc tế, với yêu cầu khác nhau cho mỗi thị trường. Người dân sản xuất nhỏ lẻ thì không thể nào có được những giấy chứng nhận đó”, ông Quang nói.

Giải pháp ai cũng có thể nói ra là phải giải quyết bài toán liên kết chuỗi nuôi tôm. Nhưng đi vào cụ thể không dễ chút nào. Minh Phú ban đầu tập trung mua, thuê đất, nhưng không hiệu quả. Tiếp đó lập công ty cổ phần để người nông dân góp đất nuôi tôm cũng không ăn thua.

Mất nhiều năm mới tới xây dựng được mô hình công ty cổ phần doanh nghiệp xã hội…Ở mô hình này, người nuôi tôm góp đất, nuôi và bán sản phẩm trên chính mảnh đất của mình. Nhưng trong dự dẫn dắt của doanh nghiệp xã hội thì hoàn toàn có thể truy suất nguồn gốc để cấp giấy chứng nhận quốc tế cho tôm xuất khẩu.

Hiệu quả kinh tế được chứng minh, nhưng doanh nghiệp lại gặp vướng Luật Chứng khoán. Theo đó, công ty cổ phần từ 100 cổ đông trở lên, vốn điều lệ trên 10 tỷ phải hoạt động theo Luật Chứng khoán, với các quy trình, thủ tục đăng ký cổ đông rất phức tạp mà doanh nghiệp xã hội khó đáp ứng.

Bởi người dân tham gia doanh nghiệp xã hội là hoàn toàn tự nguyện và linh hoạt, thấy tốt thì vào, không thì ra đi. Mà mỗi lần “vào, ra” như vậy, chiếu theo Luật Chứng khoán lại phải làm thủ tục đăng ký 6-12 tháng.

“Vậy nên chúng tôi kiến nghị Chính phủ, đối với doanh nghiệp xã hội trong chuỗi liên kết tôm thì không thuộc sự điều chỉnh của Luật Chứng khoán, không thuộc kiểm soát của Ủy ban chứng khoán Nhà nước”, ông Quang góp ý.

Về hiệu quả sản xuất, ông chủ Minh Phú cho biết công nghệ nuôi tôm đến nay đã đạt hiệu suất thành công trên 90%. Như Cà Mau vừa rồi, tổng kết mô hình cho thấy thành công trên 95%. Mà không ngành chăn nuôi nào thu hoạch nhanh như tôm, chỉ 2-3 tháng thu hoạch. Chi phí đầu tư cho 1ha nuôi tôm hết khoảng 1 tỷ đồng, nhưng sau một vụ nuôi có thể đạt lợi nhuận 650 triệu đồng.

Tuy nhiên, ngành tôm cũng đối mặt với những rủi ro khó lường, cả về thời tiết, môi trường. Do đó ngân hàng nhiều khi không dám cho hộ chăn nuôi vay vốn, để nông dân phải tìm tới tín dụng đen. Vậy nên, khi được mùa thì tôm mất giá, khi gặp rủi ro thì giá đội lên hai lần vẫn không đủ nguyên liệu cho nhà máy sản xuất, cho đơn hàng xuất khẩu.

Để phá vỡ vòng luẩn quẩn này, ông Quang kiến nghị Chính phủ khởi động lại chương trình bảo hiểm nông nghiệp, nhất là bảo hiểm ngành tôm. “Hiện tại chúng tôi có công cụ hết rồi, chỉ cần Chính phủ khởi động lại chương trình bảo hiểm cho nuôi tôm, chúng tôi sẵn sàng tham gia, chắc chắn bảo hiểm có lời”.

Theo Chủ tịch Minh Phú, vấn đề mấu chốt của ngành tôm là phải xây dựng được chuỗi liên kết. Mà thành công thì các bên phải xây dựng được niềm tin với nhau. Với sự tham gia của bảo hiểm, ngân hàng, người nuôi tôm tin doanh nghiệp, cùng nhau tạo ra chuỗi sản xuất có trách nhiệm, có hàng tốt đáp ứng thị trường đang rộng mở.