(Vtrend.vn) Sau gần một năm chính thức đi vào hoạt động, thị trường chứng khoán (TTCK) phái sinh Việt Nam đã có những sản phẩm giao dịch đầu tiên là Hợp đồng tương lai (HĐTL) chỉ số VN30, gồm 04 loại mẫu hợp đồng gắn kèm với 04 loại kỳ hạn thanh toán.

 Tính đến cuối tháng 6/2018, TTCK phái sinh đã đạt được những thành tựu nhất định: quy mô của TTCK phái sinh tăng mạnh, khối lượng giao dịch bình quân là 45.767 hợp đồng/phiên và giá trị giao dịch theo giá trị danh nghĩa hợp đồng bình quân là 4.660 tỷ đồng/phiên; khối lượng hợp đồng mở (OI) đạt 11.812 hợp đồng.

Mặt khác, số lượng công ty chứng khoán (CTCK) được phép kinh doanh chứng khoán phái sinh tăng dần – từ 07 công ty lúc khai trương thị trường (ngày 10/8/2017) đến 09 công ty tại thời điểm này.

Ngoài ra, sự phối hợp giữa các chủ thể trên TTCK phái sinh ngày càng chặt chẽ, hiệu quả hơn và thu hút rất nhiều nhà đầu tư (tại thời điểm cuối tháng 6/2018 là 35.275 tài khoản, tăng gấp 2 lần so với cuối năm 2017), thậm chí tại nhiều thời điểm, thị trường này cũng đã trở thành một trong các thị thường đầu tư hấp dẫn bậc nhất so với ngay cả thị trường chứng khoán (TTCK) cơ sở và các thị trường khác.

Để đạt được những kết quả trên, bên cạnh sự chỉ đạo của Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), sự nỗ lực của Sở Giao dịch Chứng khoán (SGDCK), Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (TTLKCK), thì một yếu tố quan trọng và không thể thiếu được đó là sự đóng góp của công tác đào tạo nguồn nhân lực cho TTCK phái sinh Việt Nam.

Trung tâm Nghiên cứu Khoa học và Đào tạo Chứng khoán (Trung tâm NCKH&ĐTCK) với chức năng và nhiệm vụ được giao, đã cùng với một số đơn vị khác tham gia tổ chức thực hiện đào tạo nguồn nhân lực cho thị trường này từ năm 2015. Sau hơn 03 năm thực hiện, đến nay, các kết quả đào tạo về chứng khoán phái sinh (CKPS) và TTCK phái sinh do Trung tâm NCKH&ĐTCK tổ chức đã đạt được một số kết quả cụ thể như sau:

Về số lớp, số lượng học viên và đối tượng tham dự học

Trong thời gian đầu – giai đoạn năm 2015 đến nửa đầu năm 2016 là giai đoạn đào tạo cho các cán bộ quản lý, tổ chức vận hành thị trường, công tác đào tạo chủ yếu được thực hiện dành cho các đối tượng học viên là công chức, viên chức thuộc UBCKNN, cán bộ thuộc SGDCK và TTLKCK.

Tiếp theo, giai đoạn từ giữa năm 2016 đến nay, sau khi đã có chương trình đào tạo (CTĐT) chính thức, Trung tâm NCKH&ĐTCK đã thực hiện đào tạo phái sinh cho người hành nghề tại các tổ chức kinh doanh chứng khoán, đặc biệt là các CTCK được phép hoạt động kinh doanh trên TTCK phái sinh và các tổ chức, cá nhân khác có nguyện vọng.

Thống kê cho thấy, kể từ khi thực hiện CTĐT về CKPS và TTCK phái sinh, Trung tâm NCKH&ĐTCK đã đào tạo được tổng cộng 38 lớp với 3.283 lượt học viên. Điều đáng chú ý là, trong tổng số lượt học viên được đào tạo trên, tổng số học viên là các công chức, viên chức thuộc UBCKNN, SGDCK và TTLKCK là 190 học viên, chiếm gần 5,8% tổng số học viên đã tham dự học. Ngoài ra, tỷ lệ học viên là học viên tự do chiếm tỷ lệ rất ít. Số còn lại, chủ yếu là cán bộ của các CTCK, công ty quản lý quỹ và các tổ chức tài chính khác.

Về nội dung chương trình đào tạo về CKPS và TTCK phái sinh

CTĐT về CKPS và TTCK phái sinh chính thức được triển khai đào tạo rộng rãi cho mọi đối tượng từ tháng 8/2016. Nội dung chương trình bao gồm: Tổng quan về CKPS và TTCK phái sinh; giới thiệu khung pháp lý cho TTCK phái sinh; Hợp đồng quyền chọn; HĐTL; Sở giao dịch và giao dịch CKPS trên Sở; Hoạt động bù trừ và thanh toán trong giao dịch phái sinh; Một số công cụ phái sinh được giao dịch trên thị trường OTC.

 Căn cứ kết quả khảo sát, đánh giá cuối khóa học cũng như hàng năm, các học viên đã đánh giá cao CTĐT. Chương trình có “Mục tiêu và nội dung rõ ràng”; hoạt động giảng dạy tốt và rất hữu ích khi áp dụng các kiến thức này trong thực tế công việc… Theo đó, tổng các ý kiến theo mức “Đồng ý” và “Hoàn toàn đồng ý” đều từ 80% trở lên.

Trong đó, tiêu chí “chương trình đào tạo có mục tiêu rõ ràng” đạt 80,47% hay “nội dung chương trình đào tạo phản ánh các mục tiêu của chương trình” đạt 80,93%. Chỉ riêng chỉ tiêu “Thời lượng của khóa học phù hợp” là gần 75%. Như vậy, vẫn còn có khoảng 25% ý kiến cho rằng thời gian của khóa học này còn chưa phù hợp.

Kết quả khảo sát về nhu cầu của học viên cho thấy việc bổ sung, điều chỉnh CTĐT là đòi hỏi tất yếu bởi sự liên tục phát triển của thị trường cũng như sự thay đổi của môi trường kinh tế – xã hội.

Để tổ chức các lớp học được thành công, Trung tâm NCKH&ĐTCK đã phối hợp chặt chẽ với các CTCK trong việc tổ chức lớp học, tạo điều kiện tốt nhất về thời gian, địa điểm cho các công ty có cán bộ tham gia đào tạo.

Về công tác tuyên truyền, phổ cập kiến thức về CKPS và TTCK phái sinh.

Trung tâm NCKH&ĐTCK đã thực hiện công tác tuyên truyền, phổ cập kiến thức về CKPS và TTCK phái sinh cho mọi đối tượng, thông qua các hội nghị, hội thảo, ấn phẩm, tờ rơi (03 loại) và các phương tiện thông tin đại chúng (chủ yếu là truyền hình). Những thành quả mà Trung tâm NCKH&ĐTCK đạt được cho thấy công tác đào tạo nguồn nhân lực đã phần nào đóng góp cho sự ra đời và hoạt động ổn định của TTCK phái sinh trong thời gian qua.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác đào tạo về CKPS và TTCK phái sinh còn có những tồn tại, hạn chế. Cụ thể là:

(1) Về CTĐT cho người hành nghề: còn thiên về mặt lý thuyết, ít thực tiễn; chưa có phần thực hành giao dịch. Nguyên nhân chủ yếu của vấn đề này là do CTĐT ra đời trong bối cảnh chưa có thị trường.

(2) Về đào tạo, bồi dưỡng cho các cán bộ quản lý, tổ chức vận hành thị trường, cũng như các cán bộ quản lý của các cơ quan quản lý có liên quan: còn rất khiêm tốn (cho đến nay mới đào đạo được 190 lượt học viên mà chỉ tập trung vào giai đoạn đầu của quá trình thành lập TTCK phái sinh). Ngoài ra, các cán bộ thuộc các bộ, ngành có liên quan chưa tham gia khóa học này, đặc biệt khi chúng ta tiếp tục chuẩn bị đưa các sản phẩm phái sinh mới vào thị trường.

(3) Về đào tạo nhà đầu tư và công chúng xã hội: thiếu CTĐT cho nhà đầu tư; các cuộc tuyên truyền, phổ cập kiến thức còn ít, chưa thường xuyên và còn nhiều hạn chế mà một trong nhiều nguyên nhân chính là thiếu kinh phí cũng như mức độ quan tâm của cộng đồng xã hội chưa nhiều. Điều này đã dẫn đến tình trạng nhiều lúc, nhiều người đã hiểu không đúng về bản chất của TTCK phái sinh, về mối quan hệ giữa thị trường cơ sở và TTCK phái sinh…

TTCK phái sinh là một thị trường phức tạp của TTCK, và TTCK lại là thể chế bậc cao của nền kinh tế thị trường, do đó, nguồn nhân lực cho công tác quản lý thị trường, tổ chức thị trường cần phải liên tục được nâng cao.

Việc đào tạo, bồi dưỡng cần được chuẩn bị kỹ lưỡng, nếu không những lợi ích của TTCK phái sinh nói riêng và TTCK nói chung sẽ không thể hiện đúng chức năng vốn có của nó, từ đó có thể làm suy giảm lòng tin của cộng đồng nhà đầu tư và gây bất ổn, thậm chí là khủng hoảng tài chính, như các vụ khủng hoảng tài chính có liên quan đến TTCK phái sinh đã từng xảy ra trong quá khứ tại một số nước như Mỹ, Hà Lan, Trung Quốc.

Từ các kết quả đã đạt được cũng như nhìn nhận một số hạn chế trong thời gian qua, trong bối cảnh chuẩn bị cho ra đời các sản phẩm mới (như HĐTL trái phiếu chính phủ, chứng quyền có đảm bảo) thì công tác định hướng xây dựng và phát triển nguồn nhân lực lại càng quan trọng và cần thiết.

Theo đó, nguồn nhân lực cho TTCK phái sinh cần phải được đào tạo từ cơ bản đến chuyên sâu (bao gồm: phân tích, định giá, xây dựng chiến lược đầu tư và quản trị rủi ro).

Điều này đòi hỏi phải xây dựng các CTĐT phù hợp với người quản lý, người tổ chức vận hành thị trường, các tổ chức kinh doanh chứng khoán và công chúng đầu tư. Nhằm nâng cao công tác đào tạo nguồn nhân lực về CKPS và TTCK phái sinh, các giải pháp được đặt ra cụ thể như sau:

Một là, đối với công tác đào tạo người hành nghề: Cần phải tiếp tục nâng cao chất lượng nhân viên hành nghề kinh doanh CKPS bằng việc hoàn thiện CTĐT hiện tại. Để làm được việc đó, trước mắt, cần xem xét, đề xuất với cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh CTĐT cho người hành nghề theo hướng:

– Bổ sung nội dung thực hành giao dịch, học tập qua phầm mềm mô phỏng thực hành giao dịch phái sinh. Trong đó, ngoài các lệnh theo quy định hiện hành, cần bổ sung thêm các lệnh chốt lời tự động, cắt lỗ tự động…,  kiểu quản lý lệnh bằng Robot thông minh, thực tập vai trò của nhà tạo lập thị trường, thực tập vai trò của trung tâm thanh toán bù trừ, đặc biệt là thực tập vai trò giới hạn vị thế, các loại ký quỹ; thu hẹp/mở rộng biên độ dao động giá; phân tích, đánh giá sự biến động của tài sản cơ sở VN30.

– Bổ sung phân tích kỹ thuật giao dịch CKPS.

– Thực hiện hỏi đáp về thực tiễn thị trường do thành viên thị trường trình bày.

Hai là, đối với cơ quan quản lý nhà nước:Thị trường càng phát triển thì yêu cầu về nguồn nhân lực của cơ quan quản lý càng phải được nâng cao cả về chất và lượng để thực hiện tốt chức năng, đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả của thị trường. Do đó, cần xem xét cử hoặc tiếp tục cử các cán bộ thích hợp tham dự các hội thảo, hội nghị hoặc CTĐT về CKPS và TTCK phái sinh, nhằm tăng cường năng lực quản lý, giám sát, thanh tra và cưỡng chế thực thi, đảm bảo công bằng và tuân thủ trên thị trường được hiệu quả hơn.

Ba là, đối với nhà đầu tư và công chúng xã hội: Việc mở rộng cơ sở nhà đầu tư cần gắn liền với đào tạo và tập huấn, phổ cập kiến thức và thông tin truyên truyền. Các đối tượng tham dự cần được mở rộng, duy trì thường xuyên hơn nữa cho các cơ quan quản lý, cơ quan báo chí – truyền thông, các trường đại học và công chúng xã hội nói chung. Bên cạnh đó, cũng cần thiết phải xây dựng riêng CTĐT cho nhà đầu tư.

Đối với việc đưa ra một sản phẩm mới, một thị trường mới, thì công tác đào tạo nguồn nhân lực luôn là vấn đề được đặt lên hàng đầu. Việc đào tạo tốt sẽ góp phần hạn chế được phần nào các tổn thất có thể xảy ra, thúc đẩy thị trường đó và các thị trường liên quan phát triển.

Bên cạnh việc tích cực triển khai thực hiện các giải pháp và tiếp tục đề xuất, kiến nghị, việc tăng cường đào tạo, tuyên truyền về các lĩnh vực của TTCK phái sinh cũng cần phải thực hiện đồng thời với các giải pháp khác, đặc biệt cần có sự phối hợp chặt chẽ của tất cả các đơn vị liên quan trong việc xây dựng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao này.

Theo tapchitaichinh.vn