Khảo sát của EuroCham cho thấy gần 80% doanh nghiệp tại Việt Nam muốn được Chính phủ cho phép họ tự bỏ chi phí để tiêm chủng cho nhân viên.
Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) vừa khảo sát với các doanh nghiệp và cứ 5 đơn vị được hỏi thì 4 cho rằng, Chính phủ nên khai thác sức mạnh của khối doanh nghiệp tư nhân, cho phép công ty tự bỏ chi phí tiêm vaccine cho nhân viên.
Theo EuroCham, động thái này sẽ làm giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước, và giúp đẩy nhanh quá trình tiêm chủng của Chính phủ.
Ông Alain Cany – Chủ tịch EuroCham cho rằng, khu vực tư nhân, gồm cả doanh nghiệp nước ngoài, có thể giúp đẩy nhanh các nỗ lực tiêm chủng của Việt Nam.
“Các doanh nghiệp của chúng tôi có thể cung cấp các thiết bị hàng đầu trên thế giới và cả chuyên môn quốc tế cần thiết nhằm phục vụ cho chương trình tiêm chủng hàng loạt thành công”, ông Alan nói.
Chủ tịch EuroCham nói thêm, Việt Nam đã đưa ra tiêu chuẩn toàn cầu về phòng chống Covid-19. Thách thức hiện nay là kết hợp những thành công đã có với đẩy nhanh tiêm chủng đại trà cho người dân. Điều này sẽ giúp Việt Nam phục hồi, phát triển sau đại dịch, đáp ứng hai mục tiêu kép vừa tăng trưởng kinh tế, vừa bảo vệ sức khỏe cho người dân. Ông kỳ vọng, trong quá trình này, Chính phủ nên “khai thác sự đóng góp của các doanh nghiệp châu Âu trong lộ trình phục hồi của mình”.
Ngoài ra, họ cũng khuyến nghị Chính phủ nới lỏng các quy định cách ly với nhà đầu tư, chuyên gia nước ngoài đã được tiêm phòng tại nước sở tại. Hơn hai phần ba lãnh đạo doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết, biết, công ty của họ phải đối mặt với nhiều trở ngại đối với các quy định hiện tại.
Trong khi đó, 79% cho rằng quy định thời gian cách ly ba tuần sẽ dẫn đến việc có ít chuyên gia đến Việt Nam làm việc hơn. Điều này có thể ảnh hưởng đến đầu tư nước ngoài cũng như hoạt động kinh doanh của các công ty phụ thuộc vào những vị trí kỹ thuật thiết yếu. 81% thành viên EuroCham tin rằng Chính phủ nên giảm các quy định về cách ly đối với các chuyên gia nước ngoài và gia đình đã được tiêm chủng xuống còn tối đa một tuần và đơn giản hóa các thủ tục.
Trước EuroCham, nhiều doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, dệt may… đề nghị được xếp vào nhóm ưu tiên tiêm vaccine do thuộc khu vực nguy cơ nhiễm Covid-19 cao. Họ cũng bày tỏ mong muốn sẵn sàng chi trả phí tiêm vaccine cho người lao động nếu Chính phủ có chủ trương xã hội hoá, để việc tiêm vaccine được triển khai sớm, hiệu quả.
Hôm qua (26/5), Chính phủ đã lập Quỹ vaccine phòng Covid-19 để tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng góp tự nguyện bằng tiền, vaccine trong và ngoài nước. Quỹ cũng tiếp nhận các nguồn vốn hợp pháp khác để mua, nhập khẩu cũng như nghiên cứu, sản xuất và sử dụng vaccine Covid-19.
Ông Nguyễn Thành Hưng – Vụ trưởng Vụ Ngân sách (Bộ Tài chính) cho biết, doanh nghiệp và người dân có thể ủng hộ trực tiếp cho Quỹ vaccine Covid-19 bằng cách chuyển khoản, thay vì thông qua Bộ Y tế như hiện nay.
Trước khi Quỹ vaccine Covid-19 được thành lập, Bộ Y tế đã tiếp nhận hàng trăm tỷ đồng từ các doanh nghiệp ủng hộ vào quỹ này.
Với dự kiến mua 150 triệu liều vaccine cho khoảng 75 triệu người của Bộ Y tế, Bộ Tài chính ước cần khoảng 25.200 tỷ đồng, trong đó 21.000 tỷ là phí vaccine, còn lại là vận chuyển, bảo quản, phân phối, tổ chức tiêm chủng. Để mua vaccine, ngân sách trung ương dự kiến phải bố trí khoảng 16.000 tỷ đồng, ngân sách địa phương chi và huy động đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức khoảng 9.200 tỷ đồng.
Đinh Anh
Theo Vtrend