(Vtrend.vn) Hiện tại, Grab đang gần như không có đối thủ tại Việt Nam nhưng sắp tới, sẽ có thêm các hãng gọi xe lớn gia nhập thị trường Việt Nam, mở ra thêm lựa chọn cho cả khách hàng và cả lái xe.
 Go-Jek sẽ đầu tư 500 triệu USD để gia nhập thị trường Việt Nam, Thái Lan, Singapore và Philippines trong vài tháng tới.

Go-Jek sẽ đầu tư 500 triệu USD để gia nhập thị trường Việt Nam, Thái Lan, Singapore và Philippines trong vài tháng tới.

Sau khi Uber sáp nhập với Grab tại Việt Nam, theo điều tra sơ bộ của Cục Quản lý Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), đã có dấu hiệu vi phạm trong thương vụ này. Kết quả cho thấy, việc tập trung kinh tế giữa Grab và Uber có thị phần kết hợp vượt ngưỡng 50%.

Trong khi nhà chức trách điều tra chính thức thương vụ với thời hạn kéo dài tới 6 tháng thì liên tiếp có những phàn nàn từ phía khách hàng khi sử dụng dịch vụ của Grab.

Nhiều hành khách phản ánh, khi giữ vị thế “một mình một chợ” trên thị trường Việt Nam, Grab bắt đầu tăng cước di chuyển, đặc biệt giờ cao điểm hay trời mưa thì giá cước “nhảy múa” cao gấp 3-4 lần bình thường.

Bên cạnh việc bị tố “âm thầm” tăng giá cước, các mã khuyến mãi của Grab gần như “mất hút” sau khi hoàn tất thâu tóm Uber. Đến thời điểm hiện giờ, Grab gần như chỉ tung ra các chiêu giảm khuyến mãi cho người dùng khi thanh toán qua Grabpay.

“Tôi nghĩ họ đang nắm thế độc quyền nên không cần quan tâm nhiều đến phản hồi của người dùng. Tuy nhiên, họ đừng quên rằng khách hàng rất nhạy cảm với độc quyền và tăng giá. Họ có thể mất thị phần, mất khách hàng nếu vẫn như vậy”, một khách hàng dùng Grab phản ánh.

Còn nhớ tại buổi mặt báo chí hồi đầu tháng 5, Giám đốc Grab Việt Nam Jerry Lim cũng thừa nhận việc hãng nhận được nhiều lời phàn nàn về chất lượng dịch vụ Grab có phần đi xuống sau thương vụ mua lại Uber.

Theo vị này, người dùng hay than phiền trên mạng xã hội, blog cá nhân về việc hủy chuyến cũng như thái độ, tác phong không tốt của tài xế.

Grab đón đối thủ mới, người dùng được lựa chọn

Mới đây, Go-Jek – ứng dụng gọi xe nổi tiếng của Indonesia cho biết đang tập trung phát triển ra các thị trường nước ngoài. Hãng sẽ đầu tư 500 triệu USD để gia nhập thị trường Việt Nam, Thái Lan, Singapore và Philippines trong vài tháng tới.

Được thành lập vào năm 2010, Go-Jek nhanh chóng trở thành startup “kỳ lân” khi gọi được hàng tỷ USD vốn và mở rộng hoạt động của mình.

Ban đầu, Go-Jek chỉ là một ứng dụng kết nối xe gắn máy nay đã trở thành nền tảng cung cấp nhiều dịch vụ gồm vận chuyển, hậu cần, thanh toán di động, giao nhận thức ăn… và nhiều dịch vụ theo yêu cầu khác.

Cụ thể, hiện nay Go-Jek đã triển khai thành nhiều dịch vụ đa dạng khác nhau như Go-Ride và Go-Car tương tự như Grab tại Việt Nam, Go-Food (giao đồ ăn nhanh), Go-Send (dịch vụ giao hàng), Go-Mark (dịch vụ mua sắm tạp hóa), Go-Box (dịch vụ đặt xe bán tải, xe tải…), Go-Tix (dịch vụ mua vé cho các dịch vụ giải trí), Go-Med (khách hàng có thể mua thuốc hoặc tư vấn, gọi bác sĩ đến khám tại nhà), Go-Life (ứng dụng riêng biệt, cung cấp các dịch vụ như massage, vệ sinh, ô tô và làm đẹp bất cứ khi nào khách hàng cần), Go-Pay (dịch vụ thanh toán).

Trong khi đó, Grab mới dừng lại ở 8 dịch vụ: GrabTaxi, GrabCar, GrabBike, GrabShare (đi xe chung), JustGrab (đi taxi/xe hơi), GrabExpress (giao hàng), GrabFood, GrabPay.

Như vậy, nếu tất cả các dịch vụ nói trên của Go-Jek đều được triển khai tại Việt Nam thì đây sẽ là một đối thủ “nặng ký” không chỉ đối với thị trường gọi xe nói chung mà còn nhắm thẳng tới Grab.

Hiện tại, với việc Grab đang gần như không có đối thủ tại Việt Nam thì việc Go-Jek sắp tới gia nhập thị trường sẽ mở ra thêm lựa chọn cho cả khách hàng và lái xe.

Bên cạnh đó, các hàng gọi xe với nhiều tên gọi khác nhau cũng đang xuất hiện ngày càng nhiều hơn. Sau khi Uber “biến mất”, nhiều hãng gọi xe “made in Vietnam” cũng đã khẳng định củng cố “nội lực” với hy vọng chiếm lại thị phần từ tay Grab.

Theo Dân Trí

Minh Xuân