(Vtrend.vn) “Nếu chúng ta chỉ muốn sống bình thường thôi, có rất nhiều công việc kiếm cơm, kiếm tiền đem về nuôi gia đình chúng ta, đúng không? Sẽ dễ dàng hơn những gì chúng ta đang làm. Nhưng nếu chúng ta muốn làm điều gì đó, quan tâm điều gì đó chúng ta thực sự có tiềm năng, tạo ra sự khác biệt lớn và ý tưởng đó đáng để bỏ tâm thì hãy tiếp tục”.
Xuất hiện tại lễ vinh danh “Startup Việt 2018” diễn ra chiều 15/11 tại TPHCM, bà Tan Hooi Ling – đồng sáng lập Grab toàn cầu – đã kể về hành trình của Grab từ khi bắt đầu, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp với các startup có mặt tại sự kiện.
Nhìn trước tương lai khu vực từ 6 năm trước
“6 năm trước, chẳng ai hiểu khu vực Đông Nam Á của chúng ta là gì, có tiềm năng gì”, bà Tan nói.
Bà cho hay: “5, 6 năm trước khi chúng tôi khởi nghiệp, chẳng ai biết nhiều về khu vực Đông Nam Á của chúng ta cả. Không có nhiều vốn đầu tư vào khu vực này, rất khó cho chúng tôi tìm nhà đầu tư”.
“Hôm nay hơn 13 tỷ USD đã đầu tư vào khu vực Đông Nam Á, đây là một con số rất lớn so với con số 0 thời đấy”.
“Nhưng thật cảm ơn, chuyện này đã thay đổi rồi”, bà nói, “Hôm nay hơn 13 tỷ USD đã đầu tư vào khu vực Đông Nam Á, đây là một con số rất lớn so với con số 0 thời đấy”.
Đồng sáng lập Grab toàn cầu đưa ra những dẫn chứng cho sự phát triển kinh tế số tại Đông Nam Á hiện nay: Hơn 480 triệu người sử dụng Internet và sẽ tăng lên 8 lần vào năm 2025, số người dùng smartphone đã nhiều hơn số người có tài khoản ngân hàng, hơn 6% GDP của khu vực hoàn toàn dựa vào nền tảng công nghệ.
Tương lai về nền kinh tế số này, Grab đã phần nào nhìn thấy trước tại thời điểm 6 năm trước. Nhưng tất nhiên, họ chưa nhìn thấy một cách rõ ràng, mà cứ vừa đi vừa mở rộng từng bước:
“Ban đầu kỳ vọng của chúng tôi rất nhỏ thôi. Đầu tiên chỉ mong muốn có được sự an toàn cho việc lái xe đi lại”, bà nói, “Rồi mỗi lần chúng tôi đạt được một mốc mới trong việc phục vụ khách hàng, chúng tôi lại mở rộng về những điều mà chúng tôi quan tâm, muốn làm thêm nữa, thêm nữa”.
Bà Tan phát biểu tại Lễ vinh danh Startup Việt 2018. Ảnh: VnExpress.net
“Việt Nam là nơi đầu tiên chúng tôi đưa ra ứng dụng GrabBike. Tôi phải cảm ơn các bạn vì điều đấy!”
Để đưa Grab thành startup tỷ đô và dịch vụ trở nên vô cùng thân thuộc với người dân tại Đông Nam Á như ngày nay, có những yếu tố thành công được bà Tan chỉ ra.
“Trước tiên là đội ngũ địa phương tuyệt vời nhất, hiểu được nhu cầu của người địa phương. Tại Việt Nam chẳng hạn, có thể cho chúng tôi biết rằng GrabBike là công nghệ tương lai”.
“Việt Nam là nơi đầu tiên chúng tôi đưa ứng dụng GrabBike ra đó mọi người ạ. Các bạn đứng đầu đấy, rồi sau đó mới đến Indonesia. Tôi phải cảm ơn các bạn vì điều đó”, bà Tan tiết lộ.
Điểm thứ hai bà chỉ ra, là “làm những việc điên rồ”.
Bà cho hay vào thời điểm những năm trước, những tài năng về dữ liệu, phần mềm phần cứng trong khu vực Đông Nam Á không dồi dào như hiện nay, bà và các cộng sự phải đi ra ngoài, tìm kiếm những tài năng toàn cầu.
“Chúng tôi là công ty đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á này, đã từng có các trung tâm nghiên cứu phát triển ở Mỹ, ở Trung Quốc, Ấn Độ, và tại TPHCM, Singapore và Indonesia. Chúng tôi thuê đội ngũ kiến trúc sư đẳng cấp thế giới.
Khi chúng tôi muốn làm điều này thì phải nghe: ‘Các bạn khùng à?’ Nhưng mà chúng tôi biết chúng tôi phải làm”, bà cho biết.
Ảnh: VnExpress
Nhắn nhủ với startup: Nếu có lý do tốt thì hãy điên rồ, nhưng chỉ khởi nghiệp vì nó “ngầu” thì hãy ngưng ngay đi
Đồng sáng lập Grab nhấn mạnh về tầm quan trọng của sự “điên rồ” – những quyết định đột phá đối với của startup. Bà cho rằng các nhà khởi nghiệp nên cảm thấy “bình thường” khi ai đó phản hồi về những ý định của mình là: “Cái gì? Khùng à?”
“Nếu ai lần nữa nói chúng ta điên khùng mà chúng ta tin rằng có những lý do rất tốt và chúng ta không hề điên rồ, và chúng ta cực kỳ bỏ mồ hôi nước mắt công sức vào thì hãy tiếp tục”, bà Tan nói.
“Nhưng, nếu muốn khởi nghiệp vì nó “ngầu”, nó hay, nó là một trào lưu mới mà thật sự sâu trong tâm ta chúng ta lại không thích thì ngưng ngay đi. Ngay bây giờ”.
Bà nói: “Nếu chúng ta chỉ muốn sống bình thường thôi, có rất nhiều công việc kiếm cơm, kiếm tiền đem về nuôi gia đình chúng ta, đúng không? Sẽ dễ dàng hơn những gì chúng ta đang làm. Nhưng nếu chúng ta muốn làm điều gì đó, quan tâm điều gì đó chúng ta thực sự có tiềm năng, tạo ra sự khác biệt lớn và ý tưởng đó đáng để bỏ tâm thì hãy tiếp tục”.
“Nếu bạn chỉ muốn trả hoá đơn mỗi tháng và mang tiền về cho gia đình, hãy chọn nhiều công việc ngoài kia. Còn nếu bạn thật sự tin tưởng và đam mê một việc gì đó, hãy biến điều không thể thành có thể”, bà Tan kết thúc bài phát biểu của mình.
Nếu có lý do tốt thì hãy điên rồ, nhưng chỉ khởi nghiệp vì nó “ngầu” thì hãy ngưng ngay đi!
Startup Việt là sự kiện bình chọn khởi nghiệp thường niên do VnExpress tổ chức nhằm kết nối, ươm mầm, tìm kiếm các startup nổi bật trong nhiều lĩnh vực tại Việt Nam. Chương trình năm nay là mùa thứ 3 được tổ chức dưới sự chỉ đạo của Bộ Khoa học và Công nghệ, thuộc đề án 844. Năm nay có hơn 400 hồ sơ gửi về, thu hút hơn 10.460 người tham gia, với 61.557 lượt bình chọn.
Lễ vinh danh Startup Việt 2018 diễn ra chiều ngày 15/11 tại Gem Center (TP HCM). Tại sự kiện, 5 startup xuất sắc nhất tham gia pitching trước Hội đồng Chuyên môn và các nhà đầu tư gồm: Datamart Việt Nam với giải pháp PowerSell – bán hàng đa kênh tự động sử dụng công nghệ phân tích big data và AI; Ami – công ty dùng công nghệ để kết nối và số hóa thông tin cư dân; Ella Study Việt Nam – nền tảng trực tuyến kết nối du học sinh; Bot Bán Hàng – sản phẩm công nghệ chatbot bán hàng và Dịch vụ kiểm tra pháp lý Bất động sản sạch – minh bạch hoá thị trường BĐS Việt Nam, bảo vệ người mua BĐS trước các rủi ro trong giao dịch.
Giải quán quân đã thuộc về đội Datamart Việt Nam.
Theo cafef.vn
Minh Xuan.