(Vtrend.vn) Thông tin hàng loạt dự án hạ tầng giao thông tại khu Nam Tp.HCM được đưa vào lộ trình phê duyệt đầu tư từ nay cho đến năm 2020 đã khiến thị trường BĐS nơi đây biến động. Nhiều khách mua ở thực lẫn nhà đầu tư (NĐT) dồn về khu vực này tìm kiếm đất nền, đón sóng hạ tầng.
Theo Sở Giao thông Vận tải Tp.HCM, nhiều dự án hạ tầng thuộc khu Nam Sài Gòn đã được đưa vào lộ trình phê duyệt đầu tư từ nay đến năm 2020 với tổng vốn đầu tư dự tính hơn 30.000 tỉ đồng theo nhiều hình thức khác nhau.
Cụ thể, các dự án như cầu Thủ Thiêm 3; cầu Thủ Thiêm 4; dự án xây nút giao thông Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ (vốn đầu tư 2.600 tỷ đồng); Ngoài ra, theo kế hoạch, dự án đường trục Bắc – Nam kết nối khu vực trung tâm với các quận 4, 7 và huyện Nhà Bè có tổng kinh phí dự trù hơn 8.500 tỉ đồng sẽ được đầu tư; dự án cầu Rạch Đĩa và cầu Long Kiểng vừa được khởi công và dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2018…
Theo Sở Giao thông Vận tải Tp.HCM, nhiều dự án hạ tầng thuộc khu Nam Sài Gòn đã được đưa vào lộ trình phê duyệt đầu tư từ nay đến năm 2020
Ngoài ra, UBND TP.HCM đã giao công ty Phú Mỹ Hưng nhanh chóng xúc tiến phương án đầu tư dự án hệ thống hầm chui, cầu vượt tại ngã tư Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ, với số vốn gần 4.000 tỉ đồng.
Bên cạnh đấy, khu Nam tập trung phát triển các tuyến đường kết nối thuận tiện với khu trung tâm. Cụ thể, đường Huỳnh Tấn Phát được mở rộng lên 30m kết nối với trục đường chính Nguyễn Văn Linh. Cầu Bình Tiên được xây dựng để mở đường cho việc hình thành tuyến đường Vành đai trong, kết nối toàn bộ khu vực Nam Sài Gòn với các khu vực Tây và Tây Nam thành phố.
Ngoài việc ưu tiên giải quyết các điểm ùn tắc giao thông, trước mắt thành phố cũng lên phương án mở rộng đường Lê Văn Lương – tuyến đường huyết mạch kết nối khu Nam Tp.HCM và tỉnh Long An. Song song đó, tuyến Metro số 4 với tổng vốn đầu tư 97.000 tỉ đồng (đi qua các quận 1, 3, 4, 7, 12, Gò Vấp, Phú Nhuận và huyện Nhà Bè) chạy song song với đường Nguyễn Hữu Thọ, đã quy hoạch và đang được kiến nghị điều chỉnh kéo dài từ đường Nguyễn Văn Linh đến khu đô thị cảng Hiệp Phước.
Khu Nam còn quy hoạch khoảng 800 ha để xây dựng Làng Đại học chức năng hỗn hợp như: khu dân cư, khu thương nghiệp, dịch vụ địa phương và các khu công trình công cộng. Các yếu tố này góp phần ảnh hưởng lớn và làm tiền đề để phát triển các dự án BĐS tại khu vực trong thời gian tới.
Theo ghi nhận, trước đến nay, khi nhắc đến hạ tầng giao thông Tp.HCM thường nhắc nhiều đến khu vực phía Đông. Tuy nhiên, 2 năm tới, theo các chuyên gia, Nam Sài Gòn mới là khu vực “trỗi dậy” vì mạng lưới hạ tầng giao thông được xúc tiến đầu tư mạnh mẽ nhất. Lộ trình đầu tư này nằm trong kế hoạch do Tp.HCM trình Hội đồng nhân dân Tp.HCM ở kỳ họp tháng 12/2018.
Bất động sản được hưởng lợi?
Điểm nhấn hạ tầng khu Nam đã kéo theo hoạt động mua bán, đầu tư BĐS tại khu vực này rục rịch trở lại thời gian gần đây. Đặc biệt, theo ghi nhận, phân khúc đất nền đang được nhiều NĐT “nhòm ngó” vì khả năng sinh lợi tốt trong thời gian tới.
Thực tế tại tuyến đường Nguyễn Văn Tạo, Nguyễn Hữu Thọ nối dài, Huỳnh Tấn Phát (Nhà Bè); Lê Văn Lương, Nguyễn Văn Linh (Q.7), Phạm Hùng, QL 50, Trung Sơn (Bình Chánh)… hoạt động khách mua tìm kiếm đất nền đã “tăng nhiệt” rõ nét so với thời điểm giữa năm 2018. Đáng nói, nhiều NĐT lẻ tìm kiếm các nền đất pháp lý đã rõ ràng, sở hữu một lúc nhiều nền, chờ thời điểm chốt lời. Hoặc hoạt động tìm mua những mảnh đất lớn, làm pháp lý rồi phân lô, tách nền bán lại cũng đang được các NĐT ráo riết thực hiện ở giai đoạn này. Ngoài ra, ở các dự án có mức giá từ 20-23 triệu đồng/m2 đang được người mua ở thực tìm kiếm
Anh Nguyễn Quốc Anh, một NĐT lâu năm sống tại Q.7 cho hay, mặc dù nhu cầu sở hữu đất nền tại khu Nam còn rất lớn nhưng quỹ đất để làm dự án lại không còn nhiều. Hầu như ngày nào cũng có NĐT đổ về đây gom đất làm dự án phân lô nhưng khó có hàng. Theo anh Quốc Anh, ở giai đoạn này tại khu vực Nhà Bè, Bình Chánh có một số dự án đất nền đang hoàn thiện pháp lý để chào thị trường vào giai đoạn giáp Tết nên có rất nhiều NĐT và người mua ở thực “canh me”. Đặc biệt, các NĐT lẻ tìm kiếm các sản phẩm đất nền để chốt lời vào thời điểm hạ tầng khu Nam đang triển khai xây dựng hoặc hoàn thiện. Mức tăng giá sẽ ghi nhận mạnh nhất.
Thời điểm cuối năm, đất nền khu Nam nhận được sự quan tâm của nhiều NĐT lẫn người mua ở thực
Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam nhận định, khu Nam sẽ tiếp tục là điểm nóng của thị trường địa ốc trong nửa cuối năm 2018. Theo bà Dung, ở khu “lõi” phía Nam, quỹ đất đã dần khan hiếm nên các dự án có xu hướng lan rộng ra khu vực lân cận, mặt bằng giá cũng vì vậy mà “mềm” hơn. Một tín hiệu khả quan ở khu vực này nữa là dù dự án chào bán không nhiều như nhưng tỷ lệ bán được và số người đang chờ đợi để mua dự án sau đều rất cao.
Ông Huỳnh Ngọc Châu, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư kinh doanh Địa ốc Á Châu cho rằng, so với đầu năm 2018, đất nền dự án khu Nam tăng giá khoảng 10-15%. So với các khu vực khác, giá BĐS khu Nam không tăng đột biến mà luôn giữ mức tăng ổn định, tăng đều ở các giai đoạn. Do đó, dòng tiền của NĐT ít bị biến động. Theo ông Châu, vào năm 2019, giá đất nền khu Nam sẽ tăng mạnh khi các dự án kết nối hạ tầng giao thông được triển khai.
“Về cuối năm, sức mua đất nền tại khu Nam tăng mạnh ở nhu cầu thực với các dự án giá mềm. Riêng lượng khách đầu tư sẽ là tâm điểm của thị trường vào năm 2019. So với khu vực khác, lợi thế của khu Nam là giá còn khá tốt, chưa tăng đạt đỉnh nên biên độ tăng giá và nhu cầu sở hữu còn cao, song song là hạ tầng được đầu tư mạnh mẽ đang là đòn bẩy cho thị trường BĐS khu vực này”, ông Châu khẳng định.
Tuy vậy, theo ông Châu, mức độ tăng giá BĐS khu Nam sẽ giữ mức trên dưới 30 triệu đồng/m2 là ổn nhất.
Theo ghi nhận, hiện nguồn cung dự án mới tại thị trường khu Nam Sài Gòn rất khan hiếm, gần như không có dự án mới quy mô chào thi trường. Do đó, đây được xem là lợi thế cho các dự án quy mô nhỏ và vừa bung sản phẩm thời điểm cuối năm, đón sức mua của thị trường.
Phạm Nguyễn
Theo cafef.vn