(Vtrend.vn) Theo GS.TSKH Trần Ngọc Thêm, hàng loạt vụ việc lùm xùm của ngành giáo dục thời gian qua bắt nguồn từ việc xung đột giữa triết lý giáo dục cũ và sự vận động, phát triển của xã hội.

Trong Hội thảo khoa học quốc tế về văn hóa học đường đại học của Việt Nam do ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) tổ chức sáng 27/4, GS.TSKH Trần Ngọc Thêm bày tỏ sự lo lắng đối với những sự việc ồn ào của ngành giáo dục vừa qua.

Nền giáo dục hiếu danh, háo chức

Theo GS Thêm, vì Việt Nam thuộc nền văn hóa âm tính, trọng tĩnh rất điển hình nên sứ mệnh của nền giáo dục truyền thống là cung cấp nguồn nhân lực đảm bảo sự ổn định của xã hội. Để thực hiện sứ mệnh này, văn hóa học đường Việt Nam xây dựng chuẩn đầu ra là đào tạo người vừa có đức, vừa có tài.

Trong đó, cái đức quan trọng mà xã hội ưa ổn định cần là phẩm chất “dễ bảo, vâng lời” hay còn gọi là “ngoan”. Còn cái tài được xã hội hiện nay ghi nhận là điểm số, bằng cấp, dẫn đến “thuộc bài” trở thành tiêu chí đánh giá việc học tập.

GS.TSKH Trần Ngọc Thêm lý giải về nguyên nhân dẫn đến những vụ việc đáng buồn của ngành giáo dục vừa qua. Ảnh: Minh Nhật.

“Đến nay, triết lý, sứ mệnh, giá trị cốt lõi của ngành giáo dục về cơ bản vẫn là ‘con ngoan, trò giỏi’. Chính vì hướng đến ‘ngoan’ theo nghĩa ‘vâng lời’ nên tư duy phản biện không được khuyến khích”, GS Thêm nói.

Vì hướng đến giỏi theo nghĩa “thuộc bài” nên sách giáo khoa từ phổ thông đến đại học luôn được biên soạn ngắn gọn để có thể học thuộc lòng. Mọi đề thi (kể cả tự luận) từ phổ thông đến đại học đều có đáp án đính kèm sẵn. Ở bậc phổ thông còn có tuyển tập những bài văn mẫu và có hẳn một website để học sinh, giáo viên tham khảo.

Ông Thêm đánh giá rằng vì mục tiêu đi học là để đỗ đạt làm quan (ngày xưa) và lấy bằng cấp, thăng quan tiến chức (ngày nay) cho nên bệnh thành tích ngày càng tràn lan; dạy thêm, học thêm trở thành vấn nạn; học trò chịu áp lực lớn đến nỗi học sinh giỏi vẫn nhảy lầu tự tử…

Bệnh giả dối cũng lan tràn cùng với vấn nạn học giả bằng thật. Vụ Đồi Ngô (Bắc Giang) là đỉnh điểm của tệ nạn quay cóp trong thi cử ở bậc phổ thông. Sau phổ thông, người học cứ đua nhau học lên cao để có địa vị, hệ quả là trong đội quân thất nghiệp của Việt Nam, thanh niên và người có trình độ cao chiếm một số lượng lớn, hơn hơn 20.000 cử nhân thất nghiệp năm 2017.

Hệ quả khôn lường

GS.TSKH Trần Ngọc Thêm cho hay hiện nay, phương pháp học lấy người thầy làm trung tâm và học thuộc lòng làm thước đo khiến việc đào tạo đạo học ở nhiều nơi bị xem là phổ thông cấp 4.

Việc quá đề cao vai trò người thầy dẫn đến hệ quả coi nghề giáo là nghề cao quý nhất, trái ngược với thực tế nghề giáo có thu nhập vào loại thấp nhất trong xã hội.

Những người “chuột chạy cùng sào”, 9 điểm 3 môn hay vào học sư phạm vì được miễn học phí… sau 4 năm, họ phải lãnh trách nhiệm trở thành hình mẫu lý tưởng cho học trò về mọi phương diện.

Hàng loạt sự việc đáng buồn của ngành giáo dục thời gian khiến GS Thêm trăn trở về văn giáo dục của Việt Nam. Ảnh: Minh Nhật.

Việc quá đề cao người thầy dẫn đến hệ quả là một bộ phận thầy cô ngộ nhận về quyền lực của mình, dẫn đến những hiện tượng quái đản như cô giáo không nói suốt 3 tháng đứng lớp, cô giáo bắt học sinh uống nước vắt giẻ lau…

Như một phản ứng ngược lại, quan hệ kinh tế thị trường và quá trình dân chủ hóa dẫn đến sự cố học sinh lớp 8 bóp cổ cô giáo, học sinh đâm thủng bụng thầy giáo, phụ huynh xông vào tát cô giáo, phụ huynh bắt cô giáo quỳ xin lỗi…

Theo GS Thêm, sự xung đột giữa triết lý, mục tiêu giáo dục xưa cũ với sự thay đổi, biến động của tình hình kinh tế – xã hội là nguyên nhân chính dẫn đến những sự cố giáo dục đang xảy ra ngày một nhiều trong văn hóa học đường và xã hội hiện nay.

Theo ông, nếu coi giáo dục là một dịch vụ, mỗi thầy cô lên lớp đang thực hiện hợp đồng của mình. Họ được trả lương bằng chính học phí của học trò, mỗi người thực hiện tốt nghĩa vụ và quyền lợi của mình thì đã không có những câu chuyện ồn ào vừa qua.

Theo Zing.vn

Minh Xuân