(Vtrend.vn )Lầu Năm Góc mới đây đã phê duyệt quyết định đầy cứng rắn đối với 2 nhà sản xuất smartphone đến từ Trung Quốc do lo ngại chính phủ Trung Quốc có thể truy cập vào điện thoại, sửa đổi và đánh cắp thông tin của họ.
Hiểm họa từ điện thoại TQ
“Các thiết bị của Huawei và ZTE có thể gây ra rủi ro khôn lường cho nhân viên, thông tin và nhiệm vụ quân sự” – phát ngôn viên của Lầu Năm Góc, Thiếu tá Dave Eastburn cho biết.
Lệnh cấm này được đặt ra dựa trên mối đe dọa an ninh tiềm ẩn mà Lầu Năm Góc tin rằng các điện thoại này sản xuất tại các công ty có trụ sở tại Trung Quốc. Họ lo ngại chính phủ Trung Quốc có thể truy cập vào điện thoại, sửa đổi và đánh cắp thông tin của họ.
Đại diện Lầu Năm Góc cũng cho biết, hệ thống với hơn 3.000 cửa hàng của Huawei và ZTE tại các căn cứ quân sự Mỹ trong và ngoài nước đã bắt đầu tiến hành chuyển hết số điện thoại này đi nơi khác.
Không chỉ có điện thoại, ngay cả moderm để kết nối Internet do 2 công ty này cung cấp cũng bị chính phủ Mỹ “cấm tiệt” do nghi ngờ có thể là mối nguy hiểm an ninh không thể chấp nhận đối với các khi được sử dụng tại các cơ sở quân sự.
Từ nhiều năm nay, Mỹ coi ZTE và Huawei là mối đe dọa an ninh quốc gia. Các nhà mạng lớn của Mỹ đều hạn chế tối đa việc sử dụng thiết bị viễn thông của các công ty này.
Vào tháng 2, người đứng đầu CIA, FBI và NSA cảnh báo rằng công dân Mỹ không nên sử dụng các sản phẩm và dịch vụ của các công ty công nghệ lớn của Trung Quốc như Huawei và ZTE.
Bộ Thương mại Mỹ đã ban hành một lệnh “từ chối đặc quyền xuất khẩu” đối với ZTE, theo đó cấm các công ty Mỹ bán các linh kiện và phần mềm cho thương hiệu này trong vòng 7 năm.
Huawei hiện cũng đang bị Bộ Tư pháp Mỹ điều tra về việc liệu có vi phạm các biện pháp trừng phạt của Mỹ liên quan đến Iran hay không. Tuy nhiên, Huawei trả lời rằng họ tuân thủ tất cả các luật và quy định hiện hành, bao gồm luật và quy định về kiểm soát xuất khẩu và quy định của Liên Hợp Quốc, Hoa Kỳ và EU.
Cách đây hơn 6 năm, Ủy ban Tình báo Quốc hội (CIC) của Mỹ lần đầu tiên đưa ra tuyên bố công khai rằng thiết bị đến của Huawei và ZTE có thể gây ra rủi ro an ninh quốc gia, qua đó cáo buộc 2 công ty này đã không hợp tác trong cuộc điều tra của ủy ban và từ chối làm rõ mối quan hệ của họ với chính phủ Trung Quốc.
Án tử hình trên đất Mỹ
Jeff Fieldhack, giám đốc nghiên cứu của Bắc Mỹ tại Counterpoint Research, cho hay, các biện pháp trừng phạt này là “bản án tử hình” cho hoạt động kinh doanh điện thoại thông minh của ZTE.
Cả Huawei và ZTE đã nhiều lần nhấn mạnh rằng, các thiết bị của họ không gây ra mối đe dọa an ninh cho Mỹ. ZTE lo ngại kinh doanh sẽ bị “ảnh hưởng nghiêm trọng” bởi lệnh cấm vận và cổ phiếu của họ đã tạm dừng giao dịch trên sàn giao dịch Hồng Kông ngày 16/4.
Theo đó, ZTE đã tuyên bố ngừng “các hoạt động chính”. Một số sản phẩm của công ty, bao gồm điện thoại thông minh và thiết bị viễn thông, dường như không còn được bán trực tuyến. ZTE cho rằng, lệnh cấm cũng sẽ gây thiệt hại cho tất cả các đối tác của ZTE bao gồm một số lượng lớn các công ty Mỹ.
ZTE có khoảng 75.000 nhân viên, hoạt động kinh doanh tại hơn 160 quốc gia. Họ là nhà bán lẻ smartphone lớn thứ 4 tại Mỹ. Các thiết bị viễn thông của họ được xem là xương sống tại nhiều quốc gia đang phát triển.
Với việc nhà máy của ZTE tại Thâm Quyến ngừng hoạt động, công nhân của nhà máy được kêu gọi tham gia các khóa huấn luyện một lần/ngày. Phần còn lại trong giờ làm việc, họ loanh quanh trong các ký túc xá gần đó.
Các nhà phân tích cho biết trong trường hợp xấu nhất, Huawei sẽ phải chịu số phận tương tự như ZTE Corp. Nếu các chuyên viên điều tra đi đến kết luận công ty cố ý vi phạm luật xuất khẩu của Mỹ, Huawei có thể sẽ phải đối mặt với các hình phạt hình sự, bị buộc phải chịu sự giám sát và những cá nhân có tham gia vào bất kỳ hoạt động phi pháp nào cũng sẽ bị truy tố, chưa kể nhiều hậu quả tiềm tàng khác.
Năm 2017, Huawei dẫn đầu thị trường thiết bị viễn thông toàn cầu với 27% thị phần, ZTE đứng thứ tư với 10% thị phần. Theo báo cáo mới đây từ hãng nghiên cứu thị trường Counterpoint, Huawei đã vượt mặt Apple để trở thành nhà sản xuất smartphone số 2 thế giới. Huawei đã đặt mục tiêu cạnh tranh với Apple và Samsung để thu hút sự chú ý của giới nhiều tiền ở châu Âu và cả ở Mỹ.
Huawei từng tiết lộ kế hoạch đầy tham vọng của mình tại thị trường Mỹ. Cụ thể nhà sản xuất này sẽ bán phiên bản Mate 10 – smartphone cao cấp đầu tiên của mình tại Mỹ từ đầu năm 2018 thông qua các nhà mạng.
Theo vietnamnet.vn
Minh Xuân