(Vtrend.vn) Nếu nói du lịch địa chất Việt Nam, người ta có thể nghĩ ngay đến các địa điểm như: động, hang, cao nguyên đá…ít ai nghĩ đến núi lửa. Khám phá địa chất những “nón núi lửa” ở Việt Nam là một khái niệm nghe có vẻ như còn khá xa lạ. Ngay cả trong các sách giáo khoa về đại lý, khái niệm núi lửa ở Việt Nam hầu như rất ít, nếu không muốn nói là chưa có. Trong chuyến khám phá du lịch Tân Phú – Đồng Nai, Pv Dân trí đã có dịp trò chuyện cùng chuyên gia địa chất Trương Hoàng Phương, người vẽ nên “bản đồ du lịch” Việt Nam.

Ông Phương góp ý cho du lịch Đồng Nai

Theo ông Phương, hàng trăm triệu năm trước, khu vực Đồng Nai là nơi hình thành nên những ngọn núi lửa. Đến hôm nay, tại đây vẫn còn những “nón núi lửa” mà lần phun trào gần đây nhất khoảng 750.000 năm. Theo nhà nghiên cứu địa chất, vùng Tân Phú-Đồng Nai hiện nay là vùng đất bazan trẻ. Sở dĩ gọi là vùng bazan trẻ là do khu vực này vẫn còn lồi lõm, nhiều đồi núi. Với địa hình trên chứng tỏ vùng Tân Phú chưa bị thiên nhiên sang bằng. Ông Phương chia sẻ: “Hiện nay, tại rừng Cát Tiên, có một dòng chảy bazan mà chúng ta không biết, đó chính là điểm tham quan Bến Cự. Nơi đây giống như ghềnh Đá Dĩa của Phú Yên…”

Hiện nay, tại khu vực Tân Phú, Định Quán… có một số suối nước nóng, đường ngầm chằng chịt, các vùng đất cao hình chóp…chính là dấu tích của một vùng hình thành núi lửa. Các chuyên gia địa chất gọi những đường ngầm này là hang núi lửa, các vùng đất cao hình chóp là “nón” núi lửa. Đoạn cây số 125, quốc lộ 20 rất nhiều di tích địa chất như thế này. Địa hình này chính là kết quả của quá trình tân kiến tạo cách đây 25 triệu năm.

Nhưng hiện nay, những lợi thế từ di tích này vẫn chưa được tìm hiểm và đánh giá đúng giá trị. Việc đưa vào khai thác du lịch, lên kế hoạch cho những tour khám phá vẫn chưa được xúc tiến do một vài vướng mắc từ chính quyền địa phương và sự bị động của các công ty du lịch.Việc cấm đi vào các hang núi lửa đã vô tình làm cho các chuyến khám phá trở thành những chuyến “du lịch chui”. Về phía các công ty lữ hành, để những đơn vị này có đầy đủ thông tin thì cần phải có sự hỗ trợ từ nhà quản lý và nhà khoa học.

 “ Nón núi lửa là một kỳ quan hiếm gặp của Việt Nam và cũng dễ khai thác du lịch vì nó gần đường quốc lộ 20. Đoạn qua huyện Định Quán có thắng cảnh đá Ba Chồng cũng rất thu hút. Nhưng hiện nay, di tích này đang bị tranh chấp giữa một đơn vị nhà nước và một ngôi chùa. Chính sự tranh chấp là nguyên nhân lớn phá đi vẽ đẹp của danh thắng này…” Ông Phương chỉ rõ sự bất cập vào một trường hợp cụ thể.

Đồng Nai là vùng đất có nhiều tiềm năng trong lĩnh vực du lịch, nhưng để những lợi thế này phát triển thì cần có sự quan tâm đúng mức và định huớng rõ ràng từ những những người có trách nhiệm. Tại huyện Tân Phú, vẫn còn một số địa điểm tiềm năng du lịch rất lớn gần như du khách chưa được biết đến như: hồ Đa Tôn, khu du lịch Suối Mơ, thác Hòa Bình…

Ông Phương nói thẳng: “ Tiềm năng du lịch Đồng Nai thì rất nhiều, nhưng trở thành một sản phẩm du lịch thật sự thì chưa. Ví dụ nói làng cá bè La Ngà, hình ảnh thì rất nhiều, nhưng đi thăm thì thăm như thế nào, bến bãi ở đâu thì…không biết. Còn hang núi lửa khách du lịch cũng phải lén tìm đến, thậm chí còn bị bắt bớ. Cần phải nghiên cứu thật kỹ trước khi quảng bá, nếu không khéo chúng ta sẽ phá nó. Mà phá rồi thì sửa lại rất khó !”.

Đường lên Thác Hòa Bình.

Khu du lịch Suối Mơ.
Ông Trương Hoàng Phương- chuyên gia địa chất hiện, ông là người vẽ nên “bản đồ du lịch” Việt Nam.

Nhan Thục Đài

(Doanh nghiệp viết)