Căng thẳng thương mại hạ nhiệt và chính sách tiền tệ nới lỏng sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu từ đầu năm 2020, theo Morgan Stanley.
Các nền kinh tế mới nổi sẽ là động lực cho đà phục hồi của kinh tế toàn cầu, trong bối cảnh Mỹ đã bước vào giai đoạn cuối của chu kỳ tăng trưởng. Các chuyên gia Morgan Stanley nhận định, kinh tế phục hồi ngay đầu năm sau là có khả năng.
“Tăng trưởng toàn cầu sẽ phục hồi từ quý I/2020, đảo ngược xu hướng giảm của 7 quý vừa qua do căng thẳng thương mại, trong khi chính sách tiền tệ lần đầu tiên được nới lỏng kể từ khi xu hướng giảm bắt đầu”, Morgan Stanley phân tích.
Tuy nhiên, vẫn có những rủi ro nhất định, bao gồm khả năng thuế quan tiếp tục tăng, các thách thức trong cuối chu kỳ tăng trưởng của Mỹ. Ngoài ra, nội bộ kinh tế Mỹ còn tồn tại một số vấn đề như rủi ro tín dụng doanh nghiệp và bất ổn xung quanh cuộc bầu cử năm sau.
Các chuyên gia cảnh báo, nếu chính quyền Trump thông qua lệnh áp thuế bổ sung với hàng hóa Trung Quốc vào đợt tháng 12 tới thì tăng trưởng toàn cầu sẽ giảm tốc hơn nữa trong quý này và việc phục hồi sẽ bị trì hoãn cho đến quý III/2020.
Các container tại cảng Waigaoqiao thuộc Khu thương mại tự do Thượng Hải. Ảnh: Xinhua |
Cuối tuần qua, các nhà đàm phán Trung Quốc và Mỹ đã liên lạc lại với nhau, sau khi có dấu hiệu nhượng bộ từ cả hai phía về một số vấn đề nổi bật. Theo đó, Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đã nói chuyện với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và Đại diện Thương mại Robert Lighthizer qua điện thoại vào sáng thứ bảy vừa rồi.
Cuộc nói chuyện được đánh giá là “mang tính xây dựng” khi hai bên cùng bàn bạc về các mối quan tâm cốt lõi trong thỏa thuận giai đoạn đầu. Hai phía đồng ý tiếp tục giữ liên lạc mật thiết trong thời gian tới.
Tuần trước, Trung Quốc đã gỡ bỏ hạn chế nhập khẩu gia cầm từ Mỹ trong khi chính quyền Trump sẵn sàng gia hạn giấy phép cho phép các công ty nước này tiếp tục kinh doanh với Huawei.
Phương Đinh
Theo Bloomberg