(Vtrend.vn) Sau các nghi thức tắm tẩy trần và Quán đỉnh, Quốc vương Thái Lan sẽ được rước kiệu đi xung quanh Bangkok với đoàn tháp tùng 1.300 người.

Lễ đăng quang của Quốc vương Thái Lan Maha Vajiralongkorn sẽ được cử hành vào ngày 4-6/5, hơn hai năm sau khi ông nối ngôi vua cha là cố vương Bhumibol Adulyadej. Các nghi thức chủ yếu diễn ra tại Đại Hoàng cung ở Bangkok.

Vào 10h09 ngày 4/5, lễ đăng quang bắt đầu (số 9 được coi là con số đặc biệt tốt lành trong văn hóa Thái). Nghi thức đầu tiên là tắm tẩy trần ở Cung Chakrabat Biman. Nhà vua mặc áo choàng trắng, ngồi trong một cấu trúc giống như một chiếc lầu. Ông nhúng tay vào bát nước nhỏ, xoa tay lên đỉnh đầu và sau đó nước được rưới lên người.

Nước dùng cho nghi thức này được thu thập từ 5 con sông quan trọng trên khắp đất nước và 4 ao cổ ở Suphan Bur.

Cố vương Bhumibol Adulyadej, cha của Vua Maha Vajiralongkorn, thực hiện nghi thức tắm tẩy trần trong lễ đăng quang năm 1950. Ảnh: Wiki.

Cố vương Bhumibol Adulyadej, cha của Vua Maha Vajiralongkorn, thực hiện nghi thức tắm tẩy trần trong lễ đăng quang năm 1950. Ảnh: Wiki.

Tại Điện Baalu Daksin, nghi thức Quán đỉnh (rót nước thiêng lên đầu) diễn ra. Nhà vua mặc vương phục, ngồi hướng mặt về phía đông trên ngai hình bát giác làm từ gỗ sung. Phía trên là chiếc ô 7 tầng màu trắng, tượng trưng cho vị vua chưa đăng cơ.

Ông lần lượt xoay người theo 8 hướng và được dâng 8 bình nước thiêng để nhúng tay và xoa lên mặt. Trong số 8 người dâng nước vào ngày 4/5 có Công chúa Maha Chakri Sirindhorn, em gái của nhà vua và các quan chức cấp cao như Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha, Chủ tịch Quốc hội Pornpetch Wichitcholchai và Chánh án Tòa án Tối cao Cheep Jullamon.

Nhà vua được trao chiếc ô trắng 9 tầng, biểu tượng của vị vua đã đăng cơ. Nước thiêng sử dụng trong nghi thức này được thu thập từ 107 nguồn nước tại 76 tỉnh và trong khuôn viên Đại Hoàng cung. Nước được làm lễ ban phước ở nhiều ngôi chùa lớn ở khắp Thái Lan và sau đó được hòa lẫn với nhau tại Wat Suthat, một trong những ngôi chùa lâu đời nhất Bangkok.

Chiếc ô 9 tầng được sử dụng trong lễ đăng quang của Vua Thái Lan. Ảnh: Bangkok Post.

 Quốc vương sau đó ngồi lên ngai vàng có tên Phatharabit – chiếc ghế mạ vàng nằm giữa hai chiếc bàn cao. Ông được trao Đại vương miện Chiến thắng và ông tự đội nó lên đầu. Vương miện cao 66 cm, nặng 7,3 kg, được trang trí với rất nhiều kim cương và vàng. Trên phần đỉnh của vương miện gắn một viên kim cương lớn từ vùng Kolkata, Ấn Độ, mang tên “Phra Maha Wichian Mani”.

Vương miện tượng trưng cho đỉnh núi Meru, vốn được coi là nơi ở trên trời của thánh Indra trong Hindu giáo và trọng lượng của nó tượng trưng cho những gánh nặng mà Quốc vương phải mang.

Nhà vua được trao bảng vàng khắc tước hiệu chính thức, ấn tín và các báu vật gồm Gươm Chiến thắng, Quyền trượng Hoàng gia, Quạt và Chổi Hoàng gia, Đôi hài Hoàng gia. Các báu vật này lần lượt tượng trưng cho sức mạnh bảo vệ đất nước, tính chính thống của nhà vua, nhiệm vụ xua đuổi những rắc rối mà người dân hứng chịu và mặt đất núi Meru.

Ngoài ra, 4 Vật dụng Hoàng gia (đồ vật bằng vàng tượng trưng cho địa vị, sự giàu có như cơi trầu, bình nước) và 8 Vũ khí Tối cao (các vũ khí như thương, kiếm, đinh ba tượng trưng cho vũ khí của thần Shiva và Vishnu) cũng được dâng lên.

Sau nghi thức đăng cơ, Nhà vua sẽ ra chiếu chỉ đầu tiên. Trong lễ đăng quang năm 1950, cố vương Bhumibol Adulyadej tuyên bố sẽ trị vì với sự công bằng, vì lợi ích và cuộc sống hạnh phúc của người dân.

Cố vương Bhumibol Adulyadej nhận các báu vật trong lễ đăng quang năm 1950. Ảnh: Wiki.

Cố vương Bhumibol Adulyadej nhận các báu vật trong lễ đăng quang năm 1950. Ảnh: Wiki.

Vào 13h19, nghi thức tiếp quản cung điện diễn ra tại Cung Chakrabat Biman. Một đoàn nữ thành viên hoàng gia tháp tùng ông vào phòng ngủ, mang theo các Vật dụng Hoàng gia và những vật tốt lành bao gồm một con mèo, đá mài, và 4 chiếc khay đựng quả bầu, gạo, đậu, vừng.

Khi Quốc vương ngồi trên giường, ông được trao bó hoa cau làm bằng vàng và một chiếc chìa khóa vàng, biểu thị quyền sở hữu của ông đối với Hoàng cung. Nhà vua nằm xuống giường, lắng nghe lời chúc phúc từ các nữ thành viên hoàng gia và các quan chức khác.

Vào 14h, các thành viên hoàng gia, Hội đồng cơ mật và các quan chức yết kiến Nhà vua và gửi đến ông các lời chúc tốt đẹp tại Điện Amarindra Vinicchaya.

16h, ông di chuyển bằng kiệu đến chùa Phật Ngọc nằm bên trong khuôn viên của Đại Hoàng cung để tuyên bố mình là người bảo trợ hoàng gia cho Phật giáo Thái Lan.

Đoàn rước kiệu cố vương Bhumibol Adulyadej tại Bangkok năm 1950. Ảnh: Wiki.

Đoàn rước kiệu cố vương Bhumibol Adulyadej tại Bangkok năm 1950. Ảnh: Wiki.

Các phần tiếp theo ít quan trọng hơn của lễ đăng quang sẽ diễn ra trong hai ngày tiếp theo. Ngày 5/5, Quốc vương phong tước vị cho các thành viên hoàng gia, sau đó ngồi lên kiệu và đoàn rước khởi hành từ Đại hoàng cung, diễu hành xung quanh thành phố để người dân chiêm ngưỡng tân vương và bày tỏ lòng tôn kính. 21 phát đại bác được bắn khi đoàn rước khởi hành.

Chiếc kiệu được khiêng bởi 16 người, cứ 500 m lại đổi người một lần. Tổng cộng đoàn rước có 1.300 người, trong đó có Thủ tướng và các thành viên nội các.

Trên quãng đường diễu hành 7 km, đoàn rước sẽ dừng ở ba ngôi chùa để Quốc vương bày tỏ lòng thành kính trước các tượng Phật trước khi trở lại Đại hoàng cung.

Ngày 6/5, Quốc vương đứng trên ban công Điện Suddhaisavarya Prasad vào 16h30 để nhận được những lời chúc tốt đẹp từ người dân. Một tiếng sau, ông tiếp kiến các phái đoàn ngoại giao quốc tế tại Điện Chakri Maha Prasad.

Phương Vũ (Theo Bangkok Post/Thaiger)