(Vtrend.vn) Bên cạnh vấn đề nhân sự ứng cử vào HĐQT nhiệm kỳ 2015 – 2020 được cổ đông quan tâm thì những “lùm xùm” về 2 vụ mất tiền gửi khách hàng với số tiền 295 tỷ đồng làm “nóng” đại hội của Eximbank.

Sáng 27/4, Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên 2018 của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) diễn ra tại TPHCM. Tại đại hội, bên cạnh vấn đề nhân sự ứng cử vào HĐQT nhiệm kỳ 2015 – 2020 được cổ đông quan tâm thì những “lùm xùm” về 2 vụ mất tiền gửi khách hàng với số tiền gần 300 tỷ đồng làm “nóng” đại hội.

“Tổng Giám đốc Lê Văn Quyết có từ chức không?”

Sau những vụ mất tiền hàng trăm tỷ đồng của khách hàng, hoạt động của ngân hàng chưa được mong muốn, ông Lê Văn Quyết, Tổng Giám đốc Eximbank cho biết, ông đã chính thức đề đạt với HĐQT tìm kiếm một “thuyền trưởng” khác phù hợp với giai đoạn mới.

Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên 2018 của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) diễn ra tại TPHCM đang bước vào giai đoạn thảo luận. Có đến 93,68% tổng số phiếu đồng thuận bầu bổ sung thành viên HĐQT Eximbank nhiệm kỳ 2015 – 2020. Theo đó, bà Lương Thị Cẩm Tú, nguyên là CEO của Nam A Bank đã nhận được sự chào đón gần như tuyệt đối của cổ đông để chính thức trở thành thành viên trong HĐQT Eximbank.

Bà Tú có trình độ cử nhân chuyên ngành quản lý kinh doanh, thạc sĩ quản trị kinh doanh Đại học Griggs (Mỹ). Bà Tú cũng là Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Khánh Hòa, từng được nhận giải thưởng Doanh nhân ASEAN tiêu biểu năm 2015. Bà Tú chính là tổng giám đốc trẻ tuổi nhất của ngành ngân hàng khi tiếp quản vị trí “thuyền trưởng” của Nam A Bank.

Với việc bà Lương Thị Cẩm Tú, một nữ tướng được giới tài chính đánh giá là “có tâm, có tầm” tham gia vào HĐQT, nhiều cổ đông kỳ vọng đây sẽ là “luồng gió mới” để vực dậy sự trì trệ, lấy lại uy tín cũng như đưa Eximbank phát triển trong giai đoạn mới.

Nếu phần biểu quyết chọn nhân sự mới vào HĐQT diễn ra khá nhẹ nhàng, đồng thuận thì đến phần thảo luận hoạt động của Eximbank, cổ đông khá gay gắt. Nhiều cổ đông cho rằng Eximbank giai đoạn hiện nay hoạt động yếu kém, không chia cổ tức nhiều năm và liên tiếp xảy ra mất tiền gửi tiết kiệm của khách hàng nên giảm uy tín khá rõ rệt.

Một cổ đông hỏi thẳng: “Làm gì để Eximbank trở lại top 10 ngân hàng mạnh của Việt Nam?”. Ông Lê Văn Quyết, Tổng Giám đốc Eximbank cho biết, ngân hàng này từng ở Top 5 và rớt xuống vị trí thứ 15 – 16. Hiện nay, Eximbank đã “ngoi” lên vị trí thứ 13.

“Câu hỏi này khó trả lời và cần chiến lược dài hơi. Cần có kế hoạch tái cấu trúc Eximbank đến năm 2020. Trong đó, chúng tôi tập trung xử lý các tồn đọng, đưa về chuẩn của một ngân hàng bình thường, chặn đà suy giảm và từng bước cải tổ quản trị nội bộ, minh bạch hoá hoạt động, cấu trúc khoản nợ. Từ đây đến năm 2020 mục tiêu này là khó nhưng có khả năng đạt được”, ông Quyết nói.

Cổ đông cũng yêu cầu HĐQT Eximbank giải trình rõ 2 khoản tiền 245 tỷ đồng của bà Chu Thị Bình (TPHCM) và 50 tỷ đồng của 6 khách hàng ở Đô Lương (Nghệ An) bị “bốc hơi”. Cần làm rõ trách nhiệm của Ban điều hành, quản trị về vụ việc này. Đáng chú ý, cổ đông Mạc Phúc Thành đặt thẳng vấn đề: “Eximbank hết sức mất uy tín qua 2 vụ mất tiền của khách hàng. Cổ phiếu giảm mạnh. Tổng Giám đốc Lê Văn Quyết có từ chức không?”.

Ông Lê Văn Quyết cho biết, vụ mất tiền khách hàng tại Đô Lương xảy ra từ năm 2013 đến đầu 2016. Vụ mất tiền tại TPHCM thực sự có thể bắt đầu từ năm 2010 và đến đầu năm 2016 mới bộc lộ. Đây là vụ việc phức tạp, kéo dài nhiều năm. Vụ việc được phát giác trong giai đoạn nhiệm kỳ HĐQT hiện nay. Đây là trách nhiệm của HĐQT. “Về câu hỏi Tổng Giám đốc Eximbank có từ chức không? Tôi xin nói thẳng, tôi sang đây (Eximbank) được 2 năm. Thực hiện đúng theo hợp đồng đã ký với HĐQT. Tôi đã thực hiện đúng cam kết đưa Eximbank ổn định. Tôi cũng chính thức nói với HĐQT nên tìm kiếm một Tổng Giám đốc phù hợp với giai đoạn mới”, ông Quyết nói.

Đại hội “nóng” 2 vụ mất 295 tỷ đồng

9h sáng 27/4, đại hội mới chính thức bắt đầu. Tham dự đại hội có 197 cổ đông, đại diện cho 82% vốn Eximbank. Trong tài liệu gửi tới cổ đông trước đó thì đại hội lần này sẽ bầu bổ sung hai thành viên vào Hội đồng Quản trị (HĐQT) nhiệm kỳ hiện tại 2015 – 2020. Tuy nhiên có tới 4 ứng viên nộp hồ sơ.

Tại đại hội, bên cạnh vấn đề nhân sự ứng cử vào HĐQT nhiệm kỳ 2015 – 2020 được cổ đông quan tâm thì những “lùm xùm” về 2 vụ mất tiền gửi khách hàng với số tiền gần 300 tỷ đồng làm “nóng” đại hội.

Ngày 20/3/2018, HĐQT Eximbank đã ban hành Nghị quyết số 125/2018/EIB/NQ-HĐQT về việc thông qua 4 nhân sự dự kiến bầu bổ sung vào HĐQT. Tuy nhiên, ngày 26/4, chỉ 1 ngày trước khi đại hội chính thức diễn ra thì Eximbank nhận được 3 đơn đề nghị của 3 ứng cử viên xin không tiếp tục tham gia ứng cử thành viên HĐQT vì lý do cá nhân.

Căn cứ ý kiến chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước về nhân sự dự kiến bầu bổ sung làm thành viên HĐQT, HĐQT Eximbank giới thiệu với cổ đông bà Lương Thị Cẩm Tú làm thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2015 – 2020. Khi còn là Tổng giám đốc của Nam A Bank, bà Tú chính là vị tổng giám đốc trẻ tuổi nhất của ngành ngân hàng.

Bà Lương Thị Cẩm Tú được giới thiệu làm thành viên HĐQT Eximbank nhiệm kỳ 2015 – 2020

Đại diện Ban kiểm soát thừa nhận trước đại hội rằng, vụ việc này là “bài học xương máu” cho Eximbank. Báo cáo hoạt động của HĐQT và Ban điều hành gửi tới cổ đông cho thấy, năm 2017 Eximbank có tổng tài sản đến cuối năm 2017 là hơn 149,3 nghìn tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2016; huy động vốn đạt hơn 117,5 nghìn tỷ đồng, tăng 14,8%; dư nợ cho vay đạt hơn 101,3 nghìn tỷ, tăng 16,6%; tỷ lệ nợ xấu 2,27% và lợi nhuận trước thuế 1.018 tỷ đồng, tăng 160%. Tỷ lệ an toàn vốn là 15,98%.

Năm 2018, Eximbank đặt mục tiêu tổng tài sản tăng 19% lên mức 178.000 tỷ đồng; huy động vốn 148,000 tỷ đồng, tăng 26%; dự nợ cấp tín dụng ở mức 113.560 tỷ đồng, tăng 12%. Tỷ lệ nợ xấu dưới 3% và lợi nhuận trước thuế là 1.600 tỷ đồng, tăng 57% so năm 2017. Kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm 2018 là 12%, trong điều kiện thuận lợi thì Eximbank sẽ xin phép điều chỉnh tăng lên. Eximbank cho biết sẽ tìm kiếm đối tác chiến lược để triển khai dự án số 7 Lê Thị Hồng Gấm, quận 1, TPHCM.

Tại đại hội, Eximbank cũng trình bày tình hình khắc phục chỉnh sửa các kết luận Thanh tra đến 31/3/2018. Cụ thể, các khoản phải thu hồi liên quan đến Eximland. Khoản thu nhập do bán tài sản cố định không đúng quy định đã được điều chỉnh hồi tố tại ngày 31.12.2014, dẫn đến khoản lỗ lũy kế 834,56 tỷ đồng. Khoản lỗ này được bù đắp bằng lợi nhuận còn lại sau khi trích lập các quỹ qua các năm từ 2015 đến 2017. Đến nay Eximbank đã xử lý hết lỗ lũy kế.

Ngoài ra, Eximbank đã thu hồi một phần từ các quỹ đã trích với tổng số tiền 101,55 tỷ đồng; trong đó: Quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, quỹ dự phòng tài chính là 91,55 tỷ đồng; Quỹ khen thưởng phúc lợi 10 tỷ đồng.

Theo Dân Trí

Minh Xuân