Hai cựu lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cùng nhiều bị can là lãnh đạo sở, ngành Đồng Nai và lãnh đạo các doanh nghiệp sẽ hầu tòa vào ngày mai, trong vụ án Công ty AIC thâu tóm 16 gói thầu tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, gây thiệt hại hơn 150 tỉ đồng.

Dự kiến ngày mai 21.12, TAND TP.Hà Nội sẽ mở phiên sơ thẩm, xét xử các bị can trong vụ án xảy ra tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, Công ty cổ phần Tiến Bộ Quốc Tế (viết tắt là Công ty AIC) và một số đơn vị liên quan.

Những doanh nghiệp ‘lạ mà quen’ trong đại án AIC - ảnh 1

Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, cựu Chủ tịch HĐQT CT AIC

Vụ án này có 36 bị can nhưng có tới 8 người đang bỏ trốn, trong đó có bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty AIC. Bà Nhàn bị truy tố về các tội “đưa hối lộ” và “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.

Ngoài ra, 2 cựu lãnh đạo tỉnh Đồng Nai là ông Trần Đình Thành, cựu Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, và ông Đinh Quốc Thái, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, bị truy tố tội “nhận hối lộ”.

Dựng “quân xanh, quân đỏ” thâu tóm 16 gói thầu

Chiêu trò thiết lập “quân xanh, quân đỏ” để thao túng đấu thầu các dự án, tài sản lớn của nhà nước diễn ra phổ biến và liên tiếp được phát hiện trong thời gian gần đây.

Trong vụ án này, sau khi thiết lập quan hệ, nhờ vả và được lãnh đạo tỉnh Đồng Nai hậu thuẫn, bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã nâng giá thiết bị và đưa nhiều công ty trong hệ sinh thái của mình cùng một số công ty chỉ định vào làm “quân xanh, quân đỏ” để thâu tóm toàn bộ 16 gói thầu cung cấp thiết bị y tế cho dự án.

Theo cáo buộc, biết rõ Công ty AIC không đủ năng lực, bà Nhàn đã chỉ đạo cấp dưới điều chỉnh các thông tin trên báo cáo tài chính, tăng hệ số khả năng thanh toán nợ ngắn hạn, tăng vốn chủ sở hữu so với báo cáo tài chính thực tế đã nộp tại Cục thuế Hà Nội để bà Nhàn ký và đưa vào hồ sơ dự thầu nhằm đảm bảo công ty của mình đủ năng lực tham gia đấu thầu theo quy định.

Những doanh nghiệp ‘lạ mà quen’ trong đại án AIC - ảnh 2

Bà Nhàn cùng các bị can đang bỏ trốn

BỘ CÔNG AN

Ngoài ra, bà Nhàn còn chỉ đạo nhân viên mua hồ sơ mời thầu, lập và nộp hồ sơ dự thầu cho cả công ty “quân chính” được phép trúng thầu và công ty “quân xanh” để đảm bảo đủ số lượng hồ sơ dự thầu theo quy định.

Để đúng theo kế hoạch Công ty AIC cùng các công ty “quân chính” gồm: Công ty TNHH trang thiết bị y tế BMS (viết tắt là Công ty BMS) và Công ty TNHH thương mại và công nghệ kỹ thuật TNT (viết tắt là Công ty TNT) trúng thầu, bà Nhàn đã chỉ đạo bộ phận lập hồ sơ đưa ủy quyền bán hàng, bảo hành vào hồ sơ, còn các công ty “quân xanh” thì nhân viên của bà Nhàn làm hồ sơ dự thầu không đủ điều kiện trúng thầu.

Sau đó, Công ty AIC và 3 công ty chỉ định tham gia đấu 16 gói thầu và trúng toàn bộ. Trong đó Công ty AIC trúng 12 gói thầu với tổng giá trị hơn 477 tỉ đồng. Còn 4 gói thầu, để tránh việc Công ty AIC trúng toàn bộ, bà Nhàn đã chỉ đạo cấp dưới lập hồ sơ cho các “quân chính” trúng, trong đó Công ty BMS trúng 1 gói thầu giá trị hơn 49 tỉ đồng và Công ty TNT trúng 1 gói thầu trị giá 42 tỉ đồng.

Sau khi trúng thầu và được chủ đầu tư thanh toán, các công ty “quân chính” đã chuyển tiền lại cho Công ty AIC và toàn bộ hoạt động giao hàng, quản lý dự án đều do nhân viên của AIC thực hiện.

Cơ quan điều tra cáo buộc hành vi của bà Nhàn và đồng phạm đã thu lợi bất chính hơn 150 tỉ đồng.

Những doanh nghiệp ‘lạ mà quen’ trong đại án AIC - ảnh 3

Bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Nai

LÊ BÌNH

Cùng thủ đoạn này, cơ quan điều tra còn xác định bà Nhàn cùng Công ty cổ phần Mopha (công ty trong hệ sinh thái của bà Nhàn và cùng tham gia làm “quân xanh” trong dự án Bệnh viện đa khoa Đồng Nai) đã nâng giá thiết bị và thâu tóm toàn bộ 6 gói thầu của dự án đầu tư mua sắm trang thiết bị cho Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh với giá trị hơn 230 tỉ đồng, gây thiệt hại cho nhà nước hơn 70 tỉ đồng.

Trong vụ án xảy ra tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, bà Lê Thị Bích Thủy, Giám đốc Công ty TNT; bà Nguyễn Thị Tích, Tổng giám đốc Công ty Mopha, và nhiều lãnh đạo công ty “quân xanh” khác của bà Nhàn cùng bị truy tố về tội “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”. Riêng Công ty BMS không có nhân viên hay lãnh đạo nào bị truy tố.

Doanh nghiệp “lạ mà quen”

Công ty BMS được thành lập ngày 15.1.2001 với vốn điều lệ 500 triệu đồng, người đại diện theo pháp luật tại thời điểm xảy ra vụ án là bà Phạm Thị Thanh Thủy. Đến năm 2020, công ty này đã nâng vốn điều lệ lên 70 tỉ đồng, thay đổi người đại diện pháp luật là bà Lê Nguyễn Tường Vi.

Trong vụ án, Công ty BMS tham gia đấu thầu hộ AIC 10 gói thầu và trúng 1 gói thầu. Khai với cơ quan điều tra, bà Thủy cho biết được bị can Hoàng Thị Thúy Nga, Phó tổng giám đốc Công ty AIC, liên hệ nhờ hợp tác tham gia đấu thầu tại dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện đa khoa Đồng Nai.

Sau đó, Công ty BMS tham gia đấu 10 gói và trúng 1 gói. Công ty BMS sau đó ký 2 hợp đồng kinh tế bán cho công ty khác các thiết bị cung cấp cho Bệnh viện đa khoa Đồng Nai.

Các lãnh đạo, nhân viên của Công ty BMS cũng khai phù hợp với lời khai của bà Phạm Thị Thanh Thủy.

Những doanh nghiệp ‘lạ mà quen’ trong đại án AIC - ảnh 4
Ông Đinh Quốc Thái (trái) và ông Trần Đình Thành bị truy tố tội nhận hối lộ

TTXVN

Đáng chú ý, Công ty BMS nằm trong hệ sinh thái cùng Công ty Cổ phần công nghệ y tế BMS (viết tắt là Công ty y tế BMS).

Liên quan đến Công ty y tế BMS, năm 2020, Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam ông Phạm Đức Tuấn, cựu Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty này để làm rõ tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” trong vụ án xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai. Sau khi ông Tuấn bị bắt, Công ty y tế BMS đã có quyết định bổ nhiệm bà Thủy (chị ruột ông Tuấn) giữ chức giám đốc kiêm người đại diện pháp luật.

Ngày 5.1, TAND TP.Hà Nội tuyên án sơ thẩm ông Phạm Đức Tuấn 3 năm tù, cho hưởng án treo; bà Ngô Thị Thu Huyền, cựu Phó giám đốc Công ty y tế BMS nhận án 2 năm 6 tháng tù, cho hưởng án treo cùng về tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Theo bản án, xuất phát từ việc biết Bệnh viện Bạch Mai có chủ trương phát triển ngoại khoa, khoảng tháng 5.2016, ông Phạm Đức Tuấn đã đến gặp lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai để chào bán robot Rosa hỗ trợ phẫu thuật với giá 39 tỉ đồng và robot Mako giá 44 tỉ đồng nhưng không được đồng ý vì thủ tục phức tạp. Sau đó hai bên thống nhất, Công ty y tế BMS sẽ liên doanh với Bệnh viện Bạch Mai để lắp đặt robot hỗ trợ phẫu thuật với giá do ông Tuấn tự đưa ra.

Những doanh nghiệp ‘lạ mà quen’ trong đại án AIC - ảnh 5

Các bị cáo trong vụ án xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai và Công ty y tế BMS nhận án

TRẦN CƯỜNG

Để hợp thức hóa giá robot đưa vào liên doanh, ông Phạm Đức Tuấn đã liên hệ với đơn vị thẩm định giá thỏa thuận việc cấp chứng thư thẩm định giá robot Rosa 39 tỉ đồng, robot Mako 44 tỉ đồng cho Bệnh viện Bạch Mai.

Tuy nhiên, qua xác minh, Công ty BMS nhập khẩu robot Rosa từ Pháp về sân bay Nội Bài, hàng mới 100% và nguyên giá là hơn 7,4 tỉ đồng. Bệnh viện Bạch Mai đã sử dụng robot này thực hiện phẫu thuật sọ não cho 637 ca bệnh, làm tăng chi phí và gây thiệt hại cho người bệnh hơn 10 tỉ đồng.

Ngoài vụ án này, Công ty y tế BMS còn liên quan đến vụ “thổi giá” giá robot phẫu thuật sọ não tại Bệnh viện Thanh Nhàn vì được xác định là đơn vị cung cấp robot Maizor, một trong những thiết bị đắt tiền nhất trong dự án.