(Vtrend.vn) Hàng trăm ha mía tại Long An bị bỏ chết khô do giá rẻ, nhiều nông dân phải nhận đường của nhà máy để trừ nợ.

Những tháng qua, người dân trồng mía ở miền Tây khốn đốn khi giá mía giảm sâu. Nhiều cánh đồng mía bị bỏ chết khô. Ngoài ra, nhà máy chậm trả tiền khiến nông dân không thể tái sản xuất, nhiều người phải nhận đường để trừ nợ.

Cử người canh nhà máy như ‘canh trộm’

Đứng chờ công nhân đưa hơn 30 tấn đường vào kho vừa mới thuê, anh Trần Minh Trí, một thương lái tại xã Lương Hòa (Bến Lức, Long An) lắc đầu bảo, số đường này anh lấy để trừ nợ, do nhà máy đường Nivl đã mất khả năng chi trả.

“Mua mía đã 20 năm, những năm trước họ có thiếu tiền gối đầu của người dân nhưng vẫn trả dần bằng tiền mặt. Năm nay, họ bảo hết tiền nên chúng tôi phải lấy đường trừ nợ với giá quy đổi 12.000-13.000 đồng một kg”, anh Trí nói và cho biết, hiện nhà máy còn nợ anh khoảng 8 tỷ đồng, nếu quy ra đường, anh phải nhận hàng trăm tấn.

Ông Nguyễn Huệ, người trồng hơn 10 ha mía cũng cho biết, vụ này, sau khi bán, nhà máy giao lại cho ông hơn 300 tấn đường để trừ nợ. Do lượng đường lớn, không thể nhận một lần, nên ông và các nông dân khác phải thuê kho, người giữ và cả người “canh” nhà máy, để họ không tẩu tán đường ra ngoài, tốn thêm hàng chục triệu đồng mỗi tháng.

Nông dân Long An lấy đường từ nhà máy để trừ nợ. Ảnh: Hoàng Nam

Nông dân Long An lấy đường từ nhà máy để trừ nợ. Ảnh: Hoàng Nam.

Với lượng đường khổng lồ nhận được, họ phải đem bán lẻ cho quán ăn, tiệm tạp hóa với giá bèo bọt, 9.000-10.000 đồng một kg vì không có hóa đơn, do nhà máy còn nợ tiền thuế.

Ông Cao Văn Tạo – Cục trưởng Cục thuế tỉnh Long An thông tin, nhà máy đường Nivl nhiều năm nợ tiền thuế, đến nay đã hơn 110 tỷ đồng. “Do họ không có khả năng chi trả nên chúng tôi phải yêu cầu ngừng cung cấp hóa đơn biên lai, ngừng hoạt động”, ông Tạo nói.

Tại Sóc Trăng, nhiều hộ dân trồng mía ở huyện Cù Lao Dung cũng đang trong cảnh khốn đốn, vì hơn 3 tháng qua họ bị Nhà máy Đường Sóc Trăng nợ hàng trăm triệu đồng tiền thu mua mía nguyên liệu.

Hiện giá mía thu mua tại ruộng chỉ còn khoảng 400 đồng một kg, giảm khoảng 200 đồng so với bình thường. Riêng các nơi khó vận chuyển, giá còn được thương lái hạ xuống thấp hơn. Với mức giá này, sau khi trừ đi tất cả chi phí, người trồng mía thua lỗ, trong khi còn bị nợ tiền nên không có vốn tái đầu tư vụ tới.

Ông Tô Thanh Xuân, Phó chánh văn phòng UBND Cù Lao Dung cho biết, vừa qua, hơn 100 người dân kéo đến huyện nhờ can thiệp, giúp đòi nợ Nhà máy Đường Sóc Trăng. Tại cuộc đối thoại, đại diện công ty thừa nhận đang nợ tiền của người dân và các đại lý, thương lái khoảng 100 tỷ đồng, cam kết sẽ trả dứt điểm trong tháng 7 tới.

Khó “giải cứu” đường

Cánh đồng mía 2 ha của ông Huỳnh Văn Hiền (Lương Hòa, Bến Lức) thời điểm này đã hết vụ, nhưng chủ ruộng không thu hoạch, mà bỏ chết khô. “Nhà máy mua 650.000 đồng một tấn, nhưng chi phí nhân công và vận chuyển đã mất phân nửa. Mấy tháng nay, do nhà máy nợ dai dẳng, nông dân không có tiền trả nhân công nên đành bỏ ruộng, vì thu hoạch thì cầm chắc lỗ”, ông Hiền nói.

Theo nhiều nông dân, chi phí cho một ha mía tơ khoảng 40 triệu đồng. Năm nay, năng suất mía bình quân khoảng 70 tấn mỗi ha. Ước tính, mỗi ha mía họ lỗ khoảng 30 triệu đồng.

Anh Huỳnh Văn Hiền thất thần bên ruộng mía bỏ chết khô vì thu hoạch lỗ công. Ảnh: Hoàng Nam.

Ông Huỳnh Văn Hiền bên ruộng mía bỏ chết khô vì thu hoạch lỗ công. Ảnh: Hoàng Nam.

Bà Đinh Thị Phương Khanh – Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Long An cho hay, năm nay, toàn tỉnh có hơn 8.000 ha mía, tập trung chủ yếu tại huyện Bến Lức. Hiện, nhà máy đường Nivl đã nợ nông dân trên 100 tỷ đồng.

“Ngành nông nghiệp đang đề xuất tỉnh quy hoạch lại vùng nguyên liệu mía, chuyển đổi một số diện tích mía sang các loại cây trồng khác như chanh, thanh long, mãng cầu, ổi, khóm”, bà Khanh nói.

Ông Phạm Văn Cảnh, Phó chủ tịch UBND Long An cho biết, hiện giám đốc Công ty Cổ phần Nivl người Ấn Độ không còn ở Việt Nam. Từ đầu vụ đến nay, tỉnh cũng đã tính đến phương án hỗ trợ người dân bán đường. Tuy nhiên, do giao dịch giữa người dân hiện nay không có giấy tờ rõ ràng, dễ xảy ra tranh chấp, nên phương án này rất khó khả thi.

“Về lâu dài, ngành nông nghiệp và người dân nên ngồi lại tìm phương án như chuyển đổi cây trồng, chứ không thể cứ làm ra sản phẩm rồi trông chờ giải cứu mãi”, ông Cảnh nhìn nhận.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng), trước tình hình nhà máy nợ tiền, trong số hơn 5.400 ha quy hoạch trồng mía, hiện người dân mới chỉ trồng khoảng 3.000 ha. Số diện tích còn lại bị bỏ hoang hoặc chuyển qua trồng cây ăn trái.

Theo vn.express

Minh Xuân