(Vtrend.vn) Quan điểm “tiền hậu bất nhất” của cơ quan thi hành án tỉnh Long An

Ngày 29-11-2018, Cục Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh Long An đã gỡ bỏ ngăn chặn đối với 13 giấy chứng nhận quyền sử dụng (“sổ đỏ”) với 232,66 héc-ta đất của Công ty cổ phần Địa ốc Hồng Phát (gọi tắt là Công ty Hồng Phát). Chưa tới 3 tuần sau, cơ quan này tái lập ngăn chặn bằng văn bản của một chấp hành viên (CHV).
QUYỀN NGĂN CHẶN CỦA CHẤP HÀNH VIÊN

Trong đơn kêu cứu và trao đổi với phóng viên, Phó tổng giám đốc Công ty Hồng Phát là bà Thái Thị Hồng Hậu cho biết rất bất ngờ khi nhận Quyết định (QĐ) số 07/QĐ-CTHADS của Cục THADS tỉnh Long An do CHV Đặng Hoàng Yên ký ngày 18-12-2018. Trong đó có nội dung: “Tạm dừng đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản đối với 13 sổ đỏ đứng tên Công ty Hồng Phát cho đến khi các bên thi hành xong Phán quyết trọng tài số 29/12”. Tuy nhiên, CHV Yên không đưa ra lý do cụ thể để ngăn chặn, mà chỉ nêu “xét thấy cần ngăn chặn” (?).

Theo bà Hậu, dự án khu dân cư cao cấp và trường đua ngựa tại huyện Đức Hòa (Long An) do Công ty Hồng Phát làm chủ đầu tư, triển khai từ năm 2007, chưa tính số tiền hợp tác 15,6 triệu USD của China Policy Limited (gọi tắt CPL), công ty bà đã đầu tư vào dự án hơn 1.000 tỷ đồng. Nay vì công văn trên mà toàn bộ dự án bị “đóng băng”. QĐ này đi ngược lại chỉ đạo của Tổng cục THADS Bộ Tư pháp, Cục THADS tỉnh Long An cũng như ý kiến của các cơ quan chức năng.

Hồ sơ thể hiện Công ty Hồng Phát được UBND tỉnh Long An giao đất để triển khai dự án giai đoạn 1 là 273 héc-ta. Tháng 6-2007, đại diện Công ty Hồng Phát và CPL ký thỏa thuận khung, nội dung là hai bên dự định ký kết một hợp đồng thành lập công ty liên doanh với vốn điều lệ 21,4 triệu USD, trong đó Công ty Hồng Phát góp 30% bằng giá trị quyền sử dụng đất, CPL góp 70% bằng tiền mặt.

Phối cảnh dự án Khu dân cư Hồng Phát

Sau đó, CPL tạm ứng 15,6 triệu USD để triển khai dự án. Quá trình hợp tác thì phát sinh nhiều vấn đề. Do có nhiều bất đồng, Công ty Hồng Phát không tiếp tục hợp tác, đồng thời cam kết hoàn lại tiền cho CPL. CPL gửi đơn tố cáo Công ty Hồng Phát chiếm đoạt 15,6 triệu USD. Ngày 1-4-2010, Cơ quan CSĐT Bộ Công an kết luận, Công ty Hồng Phát không chiếm đoạt, còn tranh chấp giữa hai công ty là tranh chấp kinh tế – dân sự.

Tố cáo bất thành, CPL kiện Công ty Hồng Phát ra Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC). Ngày 25-4-2013, VIAC ra Phán quyết trọng tài số 29/12, buộc Công ty Hồng Phát tiếp tục thực hiện thỏa thuận khung. Cả hai bên cùng đóng phí trọng tài là 114.207,16 USD. Trong đó, CPL chịu 20%, Công ty Hồng Phát 80%. Do CPL đã đóng tạm ứng toàn bộ khoản phí cho VIAC, nên Công ty Hồng Phát phải trả lại cho CPL 91.365,73 USD.

SÁNG NGĂN, CHIỀU GỠ, HÔM SAU… TẠM DỪNG!

Ngày 29-10-2013, Cục THADS TPHCM ra QĐ thi hành Phán quyết trọng tài số 29/12, sau đó ra văn bản ngăn chặn mọi giao dịch liên quan đến 232,66 héc-ta của Công ty Hồng Phát. Đến ngày 18-8-2014, Cục THADS TPHCM ủy thác cho Cục THADS tỉnh Long An thi hành phán quyết trọng tài này.

Ngày 1-10-2014, Cục trưởng Cục THADS tỉnh Long An Nguyễn Văn Gấu ký QĐ thi hành phán quyết trọng tài, phân công CHV Đỗ Văn Minh thực hiện. Ngày 10-12-2014, CHV ký công văn ngăn chặn giao dịch liên quan đến thửa đất số 04 có diện tích 219.226m2 (nằm trong 232,66 héc-ta). Sau khi Công ty Hồng Phát nộp đủ phí trọng tài, lệnh ngăn chặn được gỡ bỏ vào năm 2016. Việc thi hành phán quyết trọng tài được chuyển cho CHV Võ Văn Xuân thực hiện.

Ngày 18-9-2017, CHV Xuân ký Công văn số 525/CTHA ngăn chặn toàn bộ 13 “sổ đỏ” của Công ty Hồng Phát, dẫn đến khiếu nại của công ty này. Ngày 28-11-2017, Văn phòng Chính phủ (VPCP) có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Long An xem xét, xử lý các nội dung khiếu nại.

Ngày 4-6-2018, Bộ trưởng Bộ Tư pháp có Văn bản số 123/BC-BTP, báo cáo hướng giải quyết như sau: Đối với trường hợp các bên không thỏa thuận được việc thành lập công ty liên doanh hoặc đến thời hạn trước ngày 5-6-2018 theo yêu cầu của UBND tỉnh Long An mà việc thỏa thuận không có kết quả, Bộ Tư pháp sẽ chỉ đạo Tổng cục THADS yêu cầu Cục THADS tỉnh Long An giải quyết việc thi hành án theo đúng pháp luật, vì không có cơ sở để áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản theo Điều 71 Luật THADS.

Ngày 31-8-2018, VPCP có Văn bản số 8248/VPCP-V.I truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Trương Hòa Bình: “Đồng ý về nguyên tắc hướng giải quyết của Bộ Tư pháp tại Văn bản 123/BC-BTP… Nếu có tranh chấp về góp vốn và bồi thường thiệt hại trong việc thực hiện thỏa thuận khung giữa 2 công ty, Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Viện KSND tối cao, UBND tỉnh Long An hướng dẫn công ty khởi kiện tại tòa án nhân dân để giải quyết…”.

Theo ông Hưng, đến nay, Cục THADS tỉnh không có căn cứ để cưỡng chế kê biên tài sản đối với 13 “sổ đỏ”, cũng như không có cơ sở để tiếp tục duy trì Công văn số 525. Ông Hưng nhấn mạnh: “Cục THADS chỉ có thể áp dụng biện pháp cưỡng chế khi các bên đã thành lập được công ty liên doanh, mà Công ty Hồng Phát không đưa 13 “sổ đỏ” góp vốn vào công ty liên doanh này”.

Ngày 26-11-2018, Phó tổng cục trưởng Tổng cục THADS Nguyễn Văn Sơn ký Văn bản 4341, thể hiện quan điểm đồng nhất với Cục THADS tỉnh Long An. Tổng cục THADS yêu cầu Cục THADS tỉnh Long An ban hành văn bản chấm dứt thi hành Công văn 525.

Bà Hậu phản ứng: “Sau 14 tháng ròng rã khiếu nại, kiến nghị, tưởng vụ việc kết thúc có hậu, không ngờ lại phát sinh việc ngăn chặn mới. Rõ ràng QĐ số 07/QĐ-CTHADS thể hiện quan điểm “tiền hậu bất nhất” của cơ quan thi hành án tỉnh Long An”.

Sáng 4-1-2019, phóng viên đến Cục THADS tỉnh Long An gặp Cục phó Đặng Văn Thiết. Ông Thiết cho biết, Cục trưởng là người phát ngôn, nhưng đã đi công tác nên giao cho 2 CHV Nguyễn Văn Tài và Lê Văn Chuộng (Trưởng phòng Kiểm tra và giải quyết khiếu nại tố cáo) tiếp phóng viên. Phóng viên đã cung cấp một số câu hỏi liên quan đến vụ việc này. Ông Chuộng cho biết, sẽ chuyển những câu hỏi trên đến Cục trưởng Bùi Phú Hưng xem xét, phản hồi.

Theo doanhnhanviet.online
Minh Xuan.