(Vtrend.vn) Câu hỏi này được đặt ra trong vụ kiện tranh chấp đòi tiền khi người đứng tên chủ sở hữu đã chết và chứng cứ còn lại rất mơ hồ.

Sự thật 5,5 tỉ đồng trong sổ tiết kiệm của người chết ở đâu? - Ảnh 1.

Tháng 2-2017, chồng chị mất đột ngột vì tai nạn giao thông. Nỗi đau chưa kịp nguôi, cú sốc chưa kịp qua, chị sững sờ nhận được giấy của tòa án thông báo chị là bị đơn trong vụ kiện tranh chấp đòi tài sản. 

Hai con là người có quyền và nghĩa vụ liên quan. Nguyên đơn là công ty chồng – kiện đòi 5,5 tỉ đồng trong 11 cuốn sổ tiết kiệm đứng tên chồng chị và 129 triệu mà công ty cho rằng đã chuyển vào tài khoản cá nhân anh.

Kiện mẹ nhưng gửi cho con

Đơn kiện được gửi đến tay hai con đang ở tuổi vị thành niên. “Khi mở phong bì, hai cháu thấy đơn khởi kiện, người bị kiện là tôi trong vụ tranh chấp tài sản cá nhân do bố cháu đứng tên trước lúc tử nạn. Vừa mất cha, lại chịu áp lực của kỳ thi tuyển sinh lớp 10 nên từ khi đọc lá đơn trên, các con rất sốc và hoảng loạn” – chị kể.

 Chị phải viết thư cảnh cáo đến người đứng đơn khởi kiện: “Là người giám hộ cho các con, tôi là người trực tiếp nhận đơn chứ không phải là các con. Tôi đề nghị ông chấm dứt hành động đe dọa, khủng bố tinh thần làm ảnh hưởng tâm lý, sức khỏe, đời sống của các cháu”. 

Trong thư, chị đề nghị ông không được tung tin vu cáo cho người chồng đã mất khi vụ án đang được tòa thụ lý và chưa có phán quyết cuối cùng.

Theo đơn khởi kiện, công ty giao 6,737 tỉ đồng cho chồng chị – kế toán trưởng – đứng tên trên sổ tiết kiệm. Trong đơn khởi kiện cũng nêu tổng số tiền mà chồng chị chuyển trả cho công ty là 1,108 tỉ đồng. 

Số tiền chồng chị còn giữ là 5,5 tỉ (trong 11 sổ tiết kiệm) và 129 triệu đồng nằm trong tài khoản cá nhân. Công ty yêu cầu tòa công nhận số tiền này là của công ty, buộc chị và những người thừa kế phải trả lại.

Bằng chứng để công ty khởi kiện là tại cuộc họp giao ban ngày 23-1-2017, công ty thống nhất dùng khoản tiền nói trên giao cho chồng chị gửi ngân hàng lấy tiền lãi làm quỹ hoạt động công đoàn. Ngoài chồng chị, ông giám đốc cũng được giao đứng tên 1,5 tỉ đồng.

Chứng cứ mơ hồ

Trong rất nhiều lần hòa giải, nhiều phiên tòa, chị luôn nói rằng nếu nguyên đơn chứng minh được bằng chứng cứ pháp lý số tiền, gia đình chị sẵn sàng trả toàn bộ số tiền đó. Nhưng khi những phiên tòa diễn ra, chứng cứ duy nhất vẫn chỉ là biên bản họp giao ban ngày 23-1-2017.

“Biên bản này không có chữ ký của chồng tôi, chỉ có chữ ký của giám đốc và thư ký, cũng không có bất kỳ một thỏa thuận nào giữa giám đốc và chồng tôi. Đó là văn bản ngụy tạo sau khi chồng tôi mất” – chị trình bày trước tòa. 

Chị còn trình ra biên bản họp hội đồng quản trị cho thấy hồi năm 2014, công ty mượn từ sổ tiết kiệm cá nhân của chồng chị 800 triệu đồng, có chữ ký của tất cả các bên, đồng thời có thêm thỏa thuận giao sổ tiết kiệm và chi phí lãi 1%/tháng. 

Điều này hoàn toàn trái ngược với việc chuyển số tiền lớn, hơn 6 tỉ đồng vào tài khoản chồng chị mà không có chữ ký chồng chị, không thỏa thuận nào cả. 

Để chứng minh, chị trình ra trước tòa hàng loạt bảng sao kê giao dịch tài khoản chồng chị cho công ty mượn tiền, rồi công ty chuyển trả.

“Nói chuyển vào tài khoản chồng tôi số tiền lớn như vậy, công ty có chứng cứ gì không?” – chị hỏi. “Kế toán rút 6,350 tỉ đồng từ BIDV để chuyển vào tài khoản anh G.” – phía công ty đáp. 

Chị tiếp tục hỏi thêm chứng cứ thì chủ tọa cắt ngang: “Câu hỏi được nguyên đơn trả lời rồi. Đề nghị đặt câu hỏi khác”.

“Tôi xin hỏi tiếp, theo nội dung cuộc họp giao ban, yêu cầu chuyển 6,737 tỉ vào tài khoản chồng tôi. Số tiền này chuyển có chữ ký của kế toán trưởng hay không?”. Chủ tọa: “Đặt rồi, không hỏi nữa, hỏi câu hỏi khác!”.

Chị lại hỏi: “Ngày 22-9-2017, công ty không đề nghị đòi 11 sổ tiết kiệm của chồng tôi, vì không chứng minh được đó là số tiền của công ty nhưng tại sao lại yêu cầu tòa áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với số tiền này?”. 

Chủ tọa nói nhanh: “Câu trả lời này bị đơn không cần trả lời”. Liên tục những câu hỏi của chị bị chủ tọa cắt ngang.

“Biên bản mở niêm phong phòng làm việc của chồng có chị chứng kiến, trong ngăn kéo bàn làm việc, ngoài 11 sổ tiết kiệm đứng tên chồng chị thì chị còn nhớ có văn bản nào hay không?” – chủ tọa hỏi. 

Chị rưng rưng trả lời: “Ngoài sổ tiết kiệm của chồng, còn có 3 sổ tiết kiệm đứng tên ông giám đốc?”. Chủ tọa hỏi tiếp: “Tại sao sổ ông giám đốc lại ở trong phòng chồng chị?”. Chị “đứng” người: “Sao tôi biết được”.

“Làm ăn kiểu này không được”

Ngồi lắng nghe, vị hội thẩm nhân dân lắc đầu, lên tiếng: “Nếu quả thật có việc chuyển tiền như vậy thì vấn đề tài chính công ty quá luộm thuộm. Vay mượn không có hóa đơn, chứng từ. Một công ty lớn mà làm ăn kiểu này thì không được. Quy trình tài chính quá sơ sài”. 

Chủ tọa nói: “Chồng chị mất rất đột ngột, không ai nghĩ có sự việc này. Đây là khoản tiền rất lớn, chồng chị có từng trao đổi gì với chị hay không?”. Chị trả lời, chị và người thân đều biết anh có số tiền như vậy. 

Ngày 23-1-2017, ông giám đốc và chồng chị thỏa thuận mua cổ phiếu, chuyển tiền hơn 6 tỉ để công ty trả tiền cổ phiếu, không phải để mở sổ tiết kiệm.

Chủ tọa tiếp tục: “Tòa đang kêu gọi sự thật. Nguyên tắc ở cơ quan làm việc, không ai để số tiền lớn như thế ở nơi làm việc”. 

“Tiền để ở đâu là quyền của gia đình tôi. Tôi không trả lời câu hỏi này” – chị nói. Vị chủ tọa vừa lật tập hồ sơ trên bàn, vừa nói: “Đây là một điểm rất lạ của vụ án. Sự thật chỉ có một, một nửa sự thật không là sự thật. Chồng chị mất rồi, chuyện chỉ có anh ấy biết rõ nhất”.

Ngồi dự khán suốt những phiên tòa cứ mở rồi lại hoãn, tôi tự hỏi sự thật ở đâu khi một bên mất quá đột ngột, không chứng cứ gì để lại, còn một bên thì trình bày theo hướng có lợi cho mình. 

Sự thật ở đâu trong xấp hồ sơ lạnh lẽo chị cầm trên tay. Sự thật ở đâu khi mà cả ý kiến của đại diện viện kiểm sát và hội đồng xét xử cũng khác nhau.

Quan điểm tòa và viện khác nhau

Đại diện viện kiểm sát cho rằng thủ tục chuyển trả số tiền lớn 6,737 tỉ đồng không thể hiện rõ nội dung công ty chuyển tiền nên đề nghị HĐXX bác yêu cầu khởi kiện, chấp nhận yêu cầu phản tố bị đơn.

HĐXX cho rằng năm 2014, việc chuyển tiền 800 triệu đồng của kế toán trưởng (chồng bị đơn) cho công ty vay làm thủ tục chặt chẽ, bởi kế toán trưởng là chủ nợ nên yêu cầu thủ tục chặt chẽ.

Còn việc chuyển số tiền lớn hơn 6 tỉ vào tài khoản của kế toán trưởng thì anh là người thụ hưởng nên không cần làm thủ tục chặt chẽ như trước.

Cho nên việc chuyển tiền để kế toán trưởng lập sổ tiết kiệm lấy quỹ chi cho công đoàn công ty là đúng theo tinh thần cuộc họp giao ban, có cơ sở chấp nhận yêu cầu khởi kiện, buộc bị đơn trả lại số tiền này.

Theo Tuổi Trẻ

MIA