(Vtrend.vn) Tài xế Uber trong ngày cuối cùng của hãng có nhiều hành xử khác nhau. Người tiếc nuối, tranh thủ cày; người có tâm lý ‘không còn gì để mất, không sợ bị chấm ít điểm’ sẵn sàng hủy các cuốc đi ngắn.

Ngày cuối, cày hết sức

Trước sự “ra đi” của Uber, nhiều tài xế lẫn khách hàng cảm thấy nuối tiết, đặc biệt những tài xế đã gắn bó với Uber và từng xem công việc chạy xe công nghệ là “cần câu cơm” của gia đình.

Trong ngày 7 và 8-4, một số hoạt động của hội nhóm tài xế Uber tạo ra mang tính chất kỷ niệm như mặc đồng phục chạy thành nhóm trên một số tuyến đường tại TP.HCM hoặc bán combo áo mũ Uber với giá rẻ.

Nhiều tài xế UberMoto và UberX tại Đà Nẵng và TP.HCM cho biết vẫn mở ứng dụng Uber để chạy dù khách đặt không nhiều so với Grab.

Không chỉ Grab, nhiều tài xế còn có nhiều lựa chon như Mai Linh, Phương Trang để chạy xe trong thời gian tới – Ảnh: Q.AN

Ông Hải – tài xế UberMoto, cho biết mấy ngày nay nhiều anh ngồi thành nhóm để nói chuyện với nhau bởi vài ngày nữa sẽ không còn màu áo xanh nước biển của Uber trên thị trường nữa.

Ông nói đầy tiếc nuối khi trước đây vi phạm một số quy định của Grab bị khoá tài khoản nên sang đầu quân cho Uber từ tháng 5-2017. Khi chuyển sang Uber, mỗi ngày ông ráng cày, trừ tiền chiết khấu, hao mòn… vẫn bỏ túi được 300.000 – 500.000 đồng.

“Với số tiền nay, tôi lo cho hai đứa con đang học cấp 2, coi như đó là công việc chính. Bây giờ, Uber đã ra đi khỏi Việt Nam, tôi chưa biết làm gì sau này nữa”, ông Hải thở dài nói.

Trong khi đó, nhiều tài xế còn để chuông điện thoại là chuông thông báo của Uber. Tranh thủ ngày cuối cùng, không ít tài xế có tâm lý “cày” hết sức mình.

Hủy cuốc cự li ngắn

Người tiêu dùng cũng cho biết với sự ra đi của Uber coi như sự lựa chọn của mình bị cắt đi một nữa. Song, nhiều khách hàng cũng kêu ca khi vài ngày gần đây tài xế Uber vì có thái độ không cần khách, huỷ chuyến hay chỉ nhận tiền mặt.

Anh N.C.T tại đường Hải Phòng, TP. Đà Nẵng cho biết, sáng 8-4 vẫn thấy nhiều xe hoạt động được hiển thị trên app nhưng khi đặt xe tài xế nhận rồi tự động huỷ chuyến.

“Tôi cứ ngỡ do mạng yếu nên đặt lại nhiều lần, tài xế nhận huỷ chuyến nên tôi đành đặt GrabCar với số tiền 58.000 đồng cho quãng đường chỉ vài kilomet”, anh T nói và cho biết giá đặt xe của UberX chỉ 46.000 đồng cho chuyến đi này.

Lý giải cho sự thờ ơ này, một số lái xe cho biết trước sau gì công ty cũng giải tán nên hầu như không ai còn mặn mà với công việc, dù có bị khách hàng chấm điểm 1 sao cũng không quan trọng.

Với cự ly ngắn, tài xế mất công nhận cuốc xe nhưng số tiền nhận lại không được bao nhiêu nên huỷ chuyến.

Trong khi đó, những ngày gần đây, nhiều tài xế Uber đã đến trụ sở của Grab để thực hiện thủ tục “chuyển nhà”.

Nhiều tài xế Uber đã chuyển sang đầu quân cho Grab, nhưng cũng có nhiều người đã qua Mai Linh và Phương Trang để đăng ký làm đối tác cho thời gian tới.

Ông Trần Thanh Nam, Giám đốc điều hành ứng dụng VATO, cho biết đã có khoảng 5.000 tài xế đăng ký trong khoảng 2 tuần qua. Theo ông Nam, trong số 5.000 lái xe có khoảng 50% là tài xế xe ôm công nghệ, 50% còn lại là tài xế ôtô.

Số lượng này cũng chia đều 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM. Tính chung trên cả nước, hiện tại VATO có khoảng 6.000 tài xế.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đại diện Tập đoàn Mai Linh cho biết sau thương vụ Grab mua lại Uber, nhiều tài xế đã chuyển sang đăng ký cho Mai Linh, đặc biệt với loại hình Mai Linh Bike thu hút đông tài xế.

Vị này cho biết, trong thời gian tới Mai Linh Bike sẽ phối hợp với Trung ương Đoàn triển khai đồng loạt tại các trường Đại học trên toàn quốc với chương trình thu hút đối tác từ sinh viên, góp phần tạo thêm thu nhập cho sinh viên vừa có nguồn khách hàng lớn tình các sinh viên…

Theo TTO