(Vtrend.vn) Việc làm ngơ khi thấy người gặp nạn mà không cứu giúp là có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, mặc dù không phải hoàn toàn tất cả đều vô cảm mà thực chất cũng có nhiều rủi ro với người cứu giúp.
Vậy phaỉ ứng xử làm sao trong những tình huống gặp người bị nạn, để vừa an toàn và vừa không vi phạm pháp luật.
Như Tuổi Trẻ Online đã thông tin, rạng sáng 25-6, đôi nam nữ đi xe máy trên đường Tân Hương, đến đoạn giao với đường Võ Công Tôn thuộc phường Tân Quý, quận Tân Phú, TP.HCM thì va chạm với xe taxi chạy cùng chiều đang rẽ trái.
Camera ở hiện trường ghi lại hình ảnh tài xế taxi Hãng Vinasun xuống đứng nhìn nạn nhân rồi rời đi. Khoảng thời gian sau đó, có 17 xe máy và một ôtô 4 chỗ đi qua khu vực xảy ra tai nạn, thấy cảnh nam thanh niên vùng vẫy kêu cứu, còn cô gái nằm bất động trên vỉa hè, nhưng chỉ có một người đi xe máy dừng lại.
Hai nạn nhân sau đó được xác định là chị N.T.M.T. (25 tuổi, quê Bến Tre), đã tử vong và anh N.H.L., bị thương nặng phải đi cấp cứu.
Vụ việc khiến dư luận phẫn nộ về sự vô cảm giữa người với người.
Không những vậy, theo quy định của pháp luật, người thấy người khác gặp nạn mà không cứu giúp còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Có thể bị xử lý hình sự
Theo luật sư Lê Trung Phát (Đoàn luật sư TP.HCM), đối với vụ tai nạn rạng sáng 25-6, cơ quan chức năng cần làm rõ có hay không có va chạm giữa xe máy và xe taxi, để từ đó xác định trách nhiệm của tài xế taxi trong vụ việc này.
Nếu cơ quan chức năng xác định vụ tai nạn có lỗi của tài xế taxi thì người này sẽ bị khởi tố theo Điều 260 Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ với tình tiết định khung được quy định tại Khoản 2 Điều 260 “gây ra tai nạn…cố ý không cứu giúp nạn nhân”, khung hình phạt sẽ từ 3-10 năm tù.
Trường hợp người tài xế taxi không có lỗi trong vụ tai nạn thì người này vẫn có thể bị khởi tố tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng theo Điều 132 BLHS, với khung hình phạt lên đến 2 năm tù.
Bởi trong trường hợp này, tài xế taxi đã dừng xe để quan sát, biết rõ nạn nhân vừa bị tai nạn, anh ta có xe taxi để có thể chở nạn nhân đến bệnh viện, có bộ đàm trên xe để thông báo cho tổng đài nhờ trợ giúp để cứu nạn nhân, nhưng anh ta đã không cứu giúp nạn nhân.
Không chỉ có tài xế taxi mà đối với những người đi đường đã dừng lại quan sát tình trạng của nạn nhân, nhưng sau đó không cứu giúp nạn nhân mà bỏ đi, nếu cơ quan chức năng xác định được danh tính của họ, lúc đó họ vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 132 BLHS như nêu trên.
Đồng quan điểm, luật sư Hoàng Thị Thu (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng sau khi xem đoạn trích video có thể thấy taxi đang quẹo trái, đôi nam nữ đi xe máy tốc độ rất nhanh, va chạm mạnh vào đuôi xe taxi dẫn đến tai nạn.
Trường hợp sau quá trình điều tra chứng minh và xác định được người tài xế taxi là người vô ý gây ra tai nạn mà bỏ đi, không cứu giúp người bị tai nạn thì có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm a, Khoản 2, Điều 132 nêu trên.
Nếu một ngày chúng ta gặp nạn…
Cứu giúp người bị nạn không chỉ là tình người mà còn là nghĩa vụ. Tuy nhiên, không ít người cho rằng việc giúp người gặp nạn có thể đem đến không ít phiền phức cho bản thân như: bị cơ quan công an mời lên làm việc nhiều lần, bị người nhà nạn nhân hiểu lầm hành hung… từ đó dẫn đến tâm lý e ngại, không nhiệt tình trong việc cứu giúp những người gặp nạn.
Theo luật sư Phát, một số người dân sợ liên lụy đến mình nên không nhiệt tình cứu giúp người gặp nạn. Đây chưa phải là một suy nghĩ đúng đắn, bởi giữa việc cứu giúp tính mạng của một con người quan trọng hơn nhiều so với những tổn thất về thời gian hay sự phiền toái mà họ nghĩ họ có thể phải đối mặt.
Nếu chỉ biết nghĩ cho mình thì vô tình có thể phải đối mặt với trách nhiệm hình sự do hành vi không cứu giúp nạn nhân. Hơn thế nữa, tai nạn có thể xảy ra với bất cứ ai, đứng trước những tình huống này, mọi người nên đặt mình vào hoàn cảnh của bị nạn để thấy được sự mong mỏi được giúp đỡ của người khác là to lớn như thế nào.
“Hãy thử hình dung, chẳng may chúng ta gặp nạn nhưng những người xung quanh chỉ khoanh tay đứng nhìn vì sợ vạ lây thì chúng ta sẽ cảm thấy ra sao, nhất là những tình huống nguy hiểm đến tính mạng” – luật sư Phát nói.
Giúp người bị nạn thế nào để không bị phiền phức?
Luật sư Hoàng Thị Thu cho rằng khi gặp người đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, việc đầu tiên nên làm là gọi cấp cứu 115 (có thể hỏi họ về cách sơ cứu cho người đang gặp nạn) và gọi cảnh sát 113 để báo về sự việc.
Sau đó, dùng điện thoại chụp hoặc quay phim lại hiện trường lúc đó. Tiếp đó, nên hô hào nhiều người cùng giúp và/hoặc nhờ họ quay phim lại toàn bộ quá trình cứu giúp người. Nếu người gặp nạn còn tỉnh táo thì hỏi họ cách liên hệ để báo tin cho người thân của họ.
Như vậy, ngay khi cảnh sát đến thì có thể bàn giao hình chụp hoặc phim vừa quay được để hỗ trợ quá trình điều tra sự việc nhanh chóng, tránh khỏi việc bị cơ quan điều tra mời đến tường trình sự việc nhiều lần và cũng như sẽ không bị người thân của người bị nạn hiểu lầm.
Luật sư Lê Trung Phát cũng khuyến cáo khi phát hiện sự việc, nên dùng điện thoại quay lại clip hiện trường, gọi điện cho lực lượng cảnh sát 113 để thông báo sự việc hoặc gọi điện cho người thân ở gần hiện trường đến cùng hỗ trợ.
Theo luật sư Phát, đối với những người được xác định tham gia cứu giúp người bị nạn, cơ quan công an có thể tiến hành lấy lời khai tại nhà của họ, tại nơi họ làm việc, hoặc theo lịch hẹn của họ. Bởi pháp luật cho phép việc lấy lời khai ngoài trụ sở của cơ quan công an nếu xét thấy cần thiết.
Cơ quan công an không nên cứng nhắc phải triệu tập họ đến trụ sở, như vậy sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của họ. Khi nào thật sự rõ ràng về việc họ có liên quan đến tai nạn, thì lúc đó hãy triệu tập họ đến trụ sở để làm việc.
“Nếu làm được hai việc này, tôi tin rằng, chúng ta sẽ ít phải chứng kiến những cảnh tượng như trong vụ việc này” – luật sư Phát nói.