Home>Kinh tế>Thiếu tiền, TP.HCM ‘tắc’ cả chống ngập và giao thông
Thiếu tiền, TP.HCM ‘tắc’ cả chống ngập và giao thông
(Vtrend.vn) những khó khăn về vốn, việc triển khai các chương trình chống ngập và giảm tải ùn tắc giao thông trên địa bàn TP.HCM đều đứng trước nguy cơ không hoàn thành kế hoạch.
Chống ngập “chờ” hơn 46.500 tỉ đồng
Trong buổi báo cáo UBND TP sơ kết 2 năm rưỡi thực hiện chương trình giảm ngập nước giai đoạn 2016 – 2020, ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó giám đốc Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP (Trung tâm chống ngập) cho biết trong mục tiêu giảm ngập khu vực vùng trung tâm TP có diện tích 550 km2 và 5 khu vực giáp ranh theo đúng kế hoạch đề ra, phía TP đã đạt được những thành quả nhất định.
Cụ thể, đối với những tuyến đường ngập do mưa, trong năm 2016 và 2017, TP đã giải quyết được 15 tuyến đường trục chính, UBND các quận, huyện đã đầu tư hoàn thành 913 tuyến đường, hẻm do quận, huyện quản lý. Trong năm 2018, Trung tâm chống ngập đang triển khai các dự án để giải quyết thêm 7 tuyến đường trục chính và 445 tuyến đường, hẻm ngập do mưa. “Như vậy, đến giữa nhiệm kỳ, trên địa bàn TP sẽ thực hiện giải quyết được 22/37 tuyến đường chính ngập do mưa, đạt 59,46% và hoàn thành 1.358/179 tuyến đường, hẻm ngập, đạt 758% so với chi tiêu giai đoạn 2016 – 2020”.
Đối với các tuyến đường ngập do triều, chỉ tiêu giai đoạn 2016 – 2018 sẽ giải quyết 9 tuyến đường nhưng đến nay mới chỉ hoàn thành 4/9 tuyến. Ông Dũng cho biết khó khăn lớn nhất do các dự án vướng về vốn, không hoàn thành đúng tiến độ. Đơn cử như dự án kiểm soát triều do ngập (giai đoạn 1) do Tập đoàn Trung Nam là chủ đầu tư dự kiến sẽ hoàn thành vào 30.4.2018 nhưng do chưa được giải ngân nên phải kéo dài tiến độ, dự kiến đến 30.4.2019.
Bên cạnh đó, việc hoàn thành 7 nhà máy xử lý nước thải, các chương trình nạo vét, khơi thông luồng kênh rạch, cải tạo, xây mới hệ thống thoát nước cũng được dự báo không đạt được chỉ tiêu do nguồn lực của TP không đủ đầu tư, việc kêu gọi xã hội hóa còn nhiều khó khăn do vướng mắc nhiều thủ tục hành chính.
“Để hoàn thành toàn bộ chỉ tiêu đề ra trong chương trình chống ngập của TP giai đoạn 2016 – 2018, cần kinh phí 73.379 tỉ đồng nhưng đến nay, tổng tất cả nguồn vốn bao gồm được cấp bằng nguồn ngân sách TP, hỗ trợ từ Trung ương, cổ phần hóa… mới có được 26.852 tỉ, còn cần huy động 46.527 tỉ. Các dự án đều đã sẵn sàng, vấn đề chỉ là kinh phí”, Phó giám đốc Trung tâm chống ngập nói.
Giao thông “đói” vốn, vướng thủ tục
Không chỉ chống ngập, tình trạng “đói” vốn cũng là nút thắt lớn đối với ngành giao thông TP.HCM hiện nay. Sơ kết 2 năm rưỡi thực hiện “Chương trình giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông giai đoạn 2016 – 2020” ông Trần Quang Lâm, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM thông tin: Trong giai đoạn 2016 – 2020, TP có tổng cộng 172 dự án với mức đầu tư 320.000 tỉ đồng. Nhu cầu để thực hiện được các chỉ tiêu, các dự án ưu tiên theo kế hoạch từ nay đến 2020 cần khoảng 284.000 tỉ đồng nhưng các phương án thu hút đầu tư hiện nay thực hiện chưa tốt. Bên cạnh đó, một số giải pháp chưa được triển khai đồng bộ, chưa kịp thời đem lại hiệu quả.
“Nguồn vốn ngân sách TP phân bổ cho giao thông TP còn thấp, chỉ khoảng 35% so với nhu cầu đặt ra trong kế hoạch ban đầu. Các dự án ODA, thu hút đầu tư BOT, BT gặp nhiều khó khăn do hạn chế điều kiện vay, thủ tục…”, ông Lâm nói.
Ngoài việc gặp khó khăn trong huy động nguồn lực đầu tư, chi phí cho công tác giải phóng mặt bằng quá lớn (chiếm tỷ trọng trên 50% tổng mức đầu tư) và mất nhiều thời gian thực hiện các thủ cũng là điểm nghẽn lớn trong quá trình triển khai các dự án.
Với những đánh giá trên, ông Lâm cho rằng nếu không có phương án giải quyết quyết liệt những khó khăn này, rất khó hoàn thành chỉ tiêu giảm tải ách tắc, kéo giảm tai nạn giao thông, đảm bảo nhu cầu đi lại của người dân đến năm 2020 theo đúng kế hoạch.
Trước tình trạng trên, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho rằng cả 2 ngành giao thông và chống ngập cần có tính toán từng nhóm công trình cụ thể, ưu tiên dồn lực cho những công trình cấp bách ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân. “Cân đối nguồn lực để giải quyết từng bước, từng vấn đề, từng dự án. Quan trọng cần có sự phối hợp, triển khai đồng bộ để phát huy tối đa hiệu quả của từng chương trình”, ông Phong yêu cầu.