(Vtrend.vn) Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: “ASEAN cần tiếp tục đẩy mạnh các nỗ lực thúc đẩy hợp tác, đối thoại và xây dựng lòng tin trên cơ sở lập trường và nguyên tắc đã có về vấn đề Biển Đông, nỗ lực xây dựng Bộ quy tắc COC hiệu quả, ràng buộc pháp lý nhằm thúc đẩy hòa bình, ổn định và hợp tác tại Biển Đông”.

Chuyến thăm chính thức Singapore của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã thành công tốt đẹp trên nhiều phương diện, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng đã có cuộc trao đổi về kết quả đạt được và những vấn đề liên quan.

– Phóng viên: Xin Thứ trưởng cho biết những kết quả nổi bật trong chuyến thăm chính thức Singapore của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc?

– Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng: Thủ tướng Lý Hiển Long và các lãnh đạo Singapore dành cho Thủ tướng ta và đoàn sự đón tiếp trọng thị, chu đáo và thân tình. Một số kết quả nổi bật đạt được trong chuyên thăm như sau:

Thứ nhất, qua chuyến thăm, mức độ tin cậy cao trong quan hệ hai nước sau 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 5 năm quan hệ đối tác chiến lược càng được củng cố và tăng cường. Sự tin cậy, gắn bó và chia sẻ tầm nhìn chung về mục tiêu phát triển, các vấn đề an ninh chiến lược là cơ sở quan trọng cho sự phát triển mạnh mẽ trên tất cả các kênh và các lĩnh vực, đóng góp tích cực cho sự phát triển của mỗi nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long

Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác an ninh – quốc phòng, nhất là an ninh mạng; xây dựng ASEAN đoàn kết, tự cường, sáng tạo, duy trì vai trò trung tâm trong các cấu trúc khu vực. Hai bên chia sẻ lập trường chung của ASEAN về Biển Đông là duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông, giải quyết hòa bình các tranh chấp, tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển 1982 (UNCLOS), ủng hộ thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả và ràng buộc.

Thứ hai, chuyến thăm đã tạo khuôn khổ liên kết mới trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam và Singapore đang chuyển sang giai đoạn phát triển mới, mức độ hội nhập sâu rộng với kinh tế khu vực cũng như quốc tế nhất là đã cùng các nước thành viên ký kết Hiệp định CPTPP và đang tích cực đàm phán nhiều hiệp định/thỏa thuận hợp tác khu vực khác như RCEP, các FTAs.

Các cam kết của Singapore về ưu tiên tăng cường hợp tác trong lĩnh vực năng lượng sạch, giải pháp đô thị, nông nghiệp, khuyến khích các dự án chung giữa doanh nghiệp hai nước để tận dụng công nghệ tiên tiến và lợi thế chuyên môn về thương mại nông sản của Singapore sẽ là đòn bẩy mạnh mẽ cho doanh nghiệp ta tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, mang lại lợi ích lâu dài, bền vững cho người dân. Hai Thủ tướng cũng đạt nhất trí cao trong tiếp tục tăng cường hợp tác giáo dục đào tạo (tiếng Anh và dạy nghề), tài chính, dịch vụ dầu khí, khoa học – công nghệ…

Thứ ba, sự tái khẳng định mạnh mẽ của Chính phủ về chính sách đối với cộng đồng người Việt tại nước ngoài, đặc biệt là sự trân trọng, khuyến khích các trí thức, chuyên gia Việt Nam tại nước ngoài đóng góp xây dựng chính sách phát triển đất nước và các biện pháp hỗ trợ du học sinh trở về khởi nghiệp. Thủ tướng đã có tọa đàm với gần 30 trí thức lớn tại Singapore, trong đó có nhiều giáo sư, tiến sĩ gốc Việt để lắng nghe các ý kiến đóng góp cho sự nghiệp phát triển đất nước, xây dựng Chính phủ kiến tạo trong thời đại công nghiệp mới.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh vấn đề Biển Đông trong chuyến thăm Singapore và Hội nghị ASEAN 32

Cuối cùng, thông qua việc nghiên cứu, chia sẻ kinh nghiệm về cách mạng công nghiệp lần thứ tư và logistics, hai bên đã nhất trí các định hướng hợp tác lớn về xây dựng chương trình, kế hoạch tổng thể nghiên cứu về cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cơ hội, thách thức đặt ra với Chính phủ cũng như với doanh nghiệp.

Singapore cam kết hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực nhằm tận dụng được công nghệ mới. Việc nâng cao năng lực cần chú trọng cả năng lực cứng là xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật và năng lực mềm là năng lực quản trị, điều hành, song song với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua hợp tác đào tạo.

– Tại Hội nghị lần này, các nhà Lãnh đạo ASEAN có quan điểm như thế nào tình hình Biển Đông và xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông, thưa Thứ trưởng?

– Tình hình Biển Đông tiếp tục là chủ đề được các nước quan tâm, trao đổi. Các nhà lãnh đạo ASEAN tiếp tục khẳng định việc duy trì hòa bình, an ninh, và ổn định ở Biển Đông là lợi ích và trách nhiệm chung của các quốc gia ở khu vực.

Nhận định tình hình Biển Đông trên thực tế vẫn còn phức tạp, các nhà Lãnh đạo nhấn mạnh ASEAN cần đoàn kết, vững vàng, tiếp tục đề cao lập trường và các nguyên tắc chung đã nhất trí về Biển Đông như: Bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông; giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, không sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực, kiềm chế, không quân sự hoá, thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Các lãnh đạo hoan nghênh tiến triển tích cực ban đầu của tiến trình đàm phán xây dựng COC, thể hiện qua kết quả của cuộc họp cấp làm việc giữa ASEAN và Trung Quốc tổ chức tại Nha Trang tháng 3 vừa qua; nhấn mạnh cần xây dựng COC thực chất, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế và có khả năng điều chỉnh hành vi ứng xử của các bên liên quan, đóng góp xây dựng 1 trật tự khu vực dựa trên luật lệ, vì khu vực Biển Đông hòa bình, ổn định.

– Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có những đóng góp cụ thể như thế nào tại Hội nghị lần này, thưa Thứ trưởng?

– Đoàn Việt Nam đã tích cực, chủ động tham gia các phiên thảo luận và đóng góp xây dựng văn kiện của Hội nghị. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ ủng hộ cao chủ đề của ASEAN 2018.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các nước ASEAN

Thủ tướng nhấn mạnh ASEAN cần nâng cao năng lực tự cường trên cả 3 trụ cột, trong đó, để có được sức mạnh tự cường tập thể, đoàn kết và thống nhất là then chốt. Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng cho rằng tự cường kinh tế, tài chính và xây dựng một cộng đồng ASEAN tự cường trước các thách thức ảnh hưởng đến cuộc sống người dân như thiên tai, biến đổi khí hậu, dịch bệnh… đóng vai trò quan trọng. Thủ tướng nhất trí ASEAN cần thúc đẩy phát triển sáng tạo và tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng 4.0, ủng hộ triển khai sáng kiến Mạng lưới các thành phố ASEAN thông minh.

Về tình hình khu vực và quốc tế, Thủ tướng cùng nhà Lãnh đạo ASEAN hoan nghênh kết quả tích cực của cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều ngày 27/4; cho rằng ASEAN cần tiếp tục đẩy mạnh các nỗ lực thúc đẩy hợp tác, đối thoại và xây dựng lòng tin trên cơ sở lập trường và nguyên tắc đã có về vấn đề Biển Đông, nỗ lực xây dựng Bộ quy tắc COC hiệu quả, ràng buộc pháp lý, nhằm thúc đẩy hòa bình, ổn định và hợp tác tại Biển Đông.

Liên quan đến Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, Thủ tướng cho rằng các sáng kiến hợp tác mới được đề xuất ở khu vực cần đóng góp cho hòa bình, ổn định và phát triển, tôn trọng vai trò trung tâm và các nguyên tắc, giá trị cơ bản của ASEAN.

– Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Theo Zing.vn

Minh Xuân