(Vtrend.vn) Tỷ phú Phạm Nhật Vượng tiết lộ, một trong những cuốn sách mà ông đã từng tặng cho các nhân viên của mình đọc, cũng như đã mang ra giảng nhiều lần cho nhân viên, là cuốn “Từ tốt đến vĩ đại” (Good to Great) của tác giả Jim Collins.

“Tốt là kẻ thù của vĩ đại”. Đây là cách tác giả bắt đầu hành trình hấp dẫn, giải thích những phát hiện cho cuộc chinh phục làm cách nào để khiến một công ty tốt trở nên vĩ đại. Về cơ bản, “Từ tốt đến vĩ đại” rất hiếm xảy ra bởi nó rất khó. Trong nghiên cứu của mình, tác giả Jim Collins đã tìm ra các giai đoạn có hệ thống mà bất kỳ công ty vĩ đại nào cũng phải trải qua:

Tóm tắt những lời vàng ý ngọc trong cuốn sách tỷ phú Phạm Nhật Vượng nói rất tâm đắc, nhiều lần tặng và giảng cho nhân viên - Ảnh 1.

Khung này có 3 thành phần chính:

1. Quá trình: Từ việc thiết lập bản thân theo hướng vĩ đại (‘Xây dựng nền tảng’) để đạt được đến điểm đột phá, đưa bạn đến sự vĩ đại (‘Đột phá’).

2. Giai đoạn: Có 3 giai đoạn khác nhau trong hành trình “Từ tốt đến vĩ đại”:

Con người kỷ luật: Liên quan đến việc có nhân viên có năng lực và người lãnh đạo hiệu quả.

Suy nghĩ kỷ luật: Liên quan đến việc đối mặt với sự thật phũ phàng và tạo ra giá trị cốt lõi.

Hành động kỷ luật: Tạo ra một nền văn hóa mạnh mẽ, nơi những người phù hợp sẽ làm việc trong các giá trị cốt lõi được xác định với sự tự do thích hợp

3. Bánh đà: Đây là một quá trình yên lặng và có chủ ý, tìm ra những điều cần làm để có kết quả tốt nhất trong tương lai và thực hiện từng bước một. Hãy cùng đẩy bánh đà theo hướng nhất quán cho đến khi đạt được điểm đột phá.

Hãy cùng đi sâu vào những thành phần này theo những chi tiết nhỏ hơn.

1. Nhà lãnh đạo cấp độ 5 (Quá trình: Xây dựng nền tảng; Giai đoạn: Con người kỷ luật)

Tóm tắt những lời vàng ý ngọc trong cuốn sách tỷ phú Phạm Nhật Vượng nói rất tâm đắc, nhiều lần tặng và giảng cho nhân viên - Ảnh 2.

Nghiên cứu chỉ ra rằng các nhà lãnh đạo mang đến sự chuyển đổi “Từ Tốt đến Vĩ đại” không phải là những người có sức lôi cuốn hay thể hiện ồn ào, thường họ sẽ thể hiện tính cách khiêm tốn thuyết phục, nhún nhường, dè dặt. Họ là sự kết hợp giữa khiêm tốn cá nhân và nghị lực làm việc. Những tổ chức muốn phấn đấu trở nên vĩ đại rất cần có được một “nhà lãnh đạo cấp độ 5”.

Tác giả đã giải thích sự lãnh đạo theo 5 cấp độ khác nhau và cấp độ 5 là cấp độ cao nhất trong hệ thống phân cấp. Sau đây là những đặc điểm của nhà lãnh đạo cấp độ 5:

– Họ là những người tham vọng, dĩ nhiên, nhưng tham vọng trước hết là vì công ty, chứ không phải vì bản thân họ.

– Họ là những người lãnh đạo dè dặt nhưng thể hiện sự quyết liệt để hoàn thành công việc.

– Họ là người nghĩ về tương lai của công ty khi không có họ và lên kế hoạch cho sự kế thừa.

– Họ là người khiêm tốn và hiếm khi nói về bản thân và thành tích của mình. Họ thích chia sẻ kinh nghiệm của bản thân với những người khác. Trái ngược với lãnh đạo những công ty tốt khác, ám ảnh và tự phụ.

– Họ luôn ghi nhận thành công cho những người khác, còn nếu không có ai để công nhận, họ sẽ nhận định đó là sự “May mắn”.

– Khi mọi việc không như ý muốn, họ sẽ nhận toàn bộ trách nhiệm.

2. Con người đến trước- Công việc theo sau (Quá trình: Xây dựng nền tảng; Giai đoạn: Con người kỷ luật).

Ta cũng biết rằng một đội ngũ phù hợp là điều cần thiết để đạt được thành công. Nhưng điều quan trọng hơn là ta cần phải xây dựng được một đội ngũ phù hợp trước khi biết mình sẽ làm gì và đi như thế nào. Đó chính là “Con người đến trước, công việc theo sau”. Quan trọng là phải tập hợp một đội ngũ những người tuyệt vời trước, sau đó mới quyết định chiến lược hoặc tầm nhìn cho công ty để làm cho nó trở nên tuyệt vời. Bởi khi mọi người tham gia cùng bạn vì chiến lược hay định hướng công ty thì cũng chẳng có gì đảm bảo họ sẽ gắn bó và còn động lực khi công ty thay đổi con đường. Còn khi một người tham gia nhóm vì một ai đó, họ sẽ luôn ở lại giúp công ty trở nên vĩ đại dù có bất kể thay đổi gì.

Tác giả dùng cụm từ “mời những người phù hợp lên xe bus và đẩy những người sai xuống xe bus” và việc cho những người phù hợp xuống xe là điều quan trọng không kém. Cách duy nhất để khen thưởng những người đạt thành tích là không khiến họ bị gánh nặng bởi những thành viên yếu kém.

Rất nhiều công ty áp dụng mô hình “thiên tài và hàng nghìn người hỗ trợ”: Nơi có một lãnh đạo thiên tài và có tầm nhìn, người đặt ra chiến lược cho công ty và thuê hàng nghìn người để giúp đạt được tầm nhìn/ chiến lược đó. Tác giả cho rằng mô hình này có tỷ lệ thất bại cao, không phải là mô hình bền vững để một công ty trở nên vĩ đại.

Do vậy, việc tuyển dụng người cũng cần thực hiện nghiêm ngặt, có 3 thực tế là:

– Khi do dự, đừng vội tuyển. Hãy tiếp tục tìm kiếm.

– Khi bạn thấy mình cần phải làm thay đổi một người, hãy hành động ngay.

– Giao cho người giỏi nhất cơ hội tốt nhất. Đừng giao cho họ rắc rối lớn nhất.

3. Đối diện với sự thật phũ phàng (Quá trình: Xây dựng nền tảng; Giai đoạn: Suy nghĩ kỷ luật)

Một trong những công thức tuyệt vời giúp công ty trở nên vĩ đại là: Nếu chúng ta đưa ra quyết định mà không nghiên cứu toàn bộ quá trình với một sự đối mặt trung thực với thực tại thì chắc chắn không thể thành công.

Các công ty cần tạo ra một khu vực nơi sự thật luôn được lắng nghe. Có một sự khác biệt giữa “được nói” và “được lắng nghe”. Chính văn hóa “được lắng nghe” cho phép các công ty đối mặt với thực tế’’ phũ phàng từ chính nhân viên của họ và từ đó đưa ra những quyết định đúng đắn.

Nhiệm vụ này bao gồm những hành động cơ bản:

– Lãnh đạo bằng câu hỏi, không phải bằng câu trả lời. Liên tục thăm dò cho đến khi bạn có một hình ảnh rõ ràng.

– Tham gia vào các cuộc đối thoại và tranh luận, đừng ép buộc. Điều quan trọng là tham gia vào các cuộc thảo luận căng thẳng bởi vì chúng có khả năng phát triển thành một kết luận thành công thay vì im lặng duy trì mối quan hệ thân thiện.

– Thực hiện các cuộc phân tích, không đổ lỗi.

– Thiết lập chế độ cờ đỏ để đưa thông tin lên thành thông tin không thể bỏ qua.

4. Khái niệm con nhím (Quá trình: Xây dựng nền tảng; Giai đoạn: Suy nghĩ kỷ luật).

Tóm tắt những lời vàng ý ngọc trong cuốn sách tỷ phú Phạm Nhật Vượng nói rất tâm đắc, nhiều lần tặng và giảng cho nhân viên - Ảnh 3.

“Khái niệm con nhím” là chiến lược khác biệt cơ bản giữa các công ty Tốt và Vĩ đại. Các công ty vĩ đại đòi hỏi phải có sự thấu hiểu sâu sắc ba vòng tròn giao nhau, được diễn dịch thành một khái niệm rõ ràng và đơn giản (Khái niệm con nhím). Khái niệm này truyền đạt mọi khía cạnh của việc ra quyết định.

Ba yếu tố chính (hoặc ba vòng tròn) cho phép các công ty lớn hiểu sâu sắc về bản thân họ là:

– Điều bạn có thể làm giỏi nhất thế giới?

– Điều chi phối cỗ máy kinh tế của bạn?

– Điều bạn đam mê nhất?

Điều quan trọng là các tổ chức không chỉ biết điều họ làm tốt, mà còn cả những điều họ làm không tốt nữa. Bạn cần phải là người giỏi nhất trong ngành kinh doanh chủ đạo của mình. Hãy tìm ra những năng lực bạn thực sự giỏi rồi sau đó loại bỏ tất cả những năng lực khác (ngay cả khi hiện nay nó là năng lực cốt lõi). Hãy bỏ qua những cái cũ, nếu bạn không giỏi nhất về nó, dù cho nó đã từng là cốt lõi của doanh nghiệp và bạn đã quen với nó. Do vậy, hãy tập trung vào những điều bạn có thể rèn luyện trở thành người “tốt nhất” để biến chúng thành khái niệm con nhím.

Để hiểu rõ động lực thúc đẩy cỗ máy kinh tế của bạn, hãy tìm một mẫu số chung (lợi nhuận trên mỗi x) có ảnh hưởng lớn nhất.

Phần cuối của ba vòng tròn là sự hiểu biết sâu sắc về những gì chị đam mê. Chỉ khi công ty làm những thứ họ thực sự đam mê, họ mới có thể tạo ra kết quả vượt sức mong đợi .

5. Văn hóa kỷ luật (Quá trình: Đột phá; Giai đoạn: Hành động kỷ luật)

Giờ đây bạn đang là nhà lãnh đạo cấp độ 5, bạn có những người phù hợp trên xe bus, bạn đã biết đối mặt với thực tế phũ phàng, bạn cũng đã hiểu khái niệm con nhím của mình. Đây sẽ là lúc bạn tạo ra một nền văn hóa kỷ luật, hành động trong khuôn khổ mong muốn của con nhím. Văn hóa kỷ luật đòi hỏi mọi người phải tuân thủ chặt chẽ những khái niệm con nhím được xác định. Nhưng cũng đồng thời cung cấp sự tự do cần thiết để thực hiện các hành động kỷ luật trong khuôn khổ đó.

Một điều khác liên quan đến văn hóa kỷ luật là nói KHÔNG với tất cả các cơ hội không phù hợp với khái niệm con nhím. Sự tuân thủ khắt khe với khái niệm con nhím đòi hỏi các công ty chỉ tập trung vào những thứ họ xác định có thể giỏi nhất.

6. Bàn đạp công nghệ (Quá trình: Đột phá; Giai đoạn: Hành động kỷ luật)

Chắc chắn công nghệ rất quan trọng trong sự phát triển của doanh nghiệp trong tương lai. Nhưng điều quan trọng là không nên mù quáng theo công nghệ mới, mà cần phải biết công nghệ nào có thể đẩy nhanh đà phát triển hiện tại. Khái niệm con nhím sẽ quyết định về việc áp dụng công nghệ, chứ không phải ngược lại. Không theo đuổi mù quáng các công nghệ mới, các công ty vì đại sẽ tìm tòi việc áp dụng công nghệ phù hợp để đưa họ đến tầm cao mới.

Sự chuyển đổi từ “tốt thành vĩ đại” không xảy ra với công nghệ tiên phong, mà đó là việc nhận định công nghệ phù hợp và trở thành người tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ đó. Các công ty chuyển mình từ tốt đến vĩ đại được thúc đẩy từ nội tại vì lợi ích của chính nó. Họ không sợ bị “bỏ rơi” trong cuộc cách mạng công nghệ, bởi họ tin rằng: Khi suy nghĩ kỹ càng và tuân thủ các khái niệm cốt lõi, họ sẽ đạt được thành công cuối cùng trong chuyển đổi công nghệ.

Cuối cùng thì nghiên cứu chỉ ra rằng tất cả các chuyển đổi “Từ tốt thành vĩ đại” xảy ra với việc áp dụng một cách nhất quán tất cả các giai đoạn được đề cập. Điều này cho ta thấy rằng các công ty vĩ đại không xuất hiện nhờ một sự kiện kịch tính hay mang tính cách mạng nào. Thành quả đó là do nhiều năm, thậm chí là nhiều thập kỷ tuân thủ nguyên tắc cốt lõi, xây dựng quá trình và đạt được đến điểm Đột phá.