Sau một tháng “mở cửa”, nhiều dịch vụ được hoạt động, cuộc sống người dân TP HCM dần trở về trạng thái “bình thường mới”, dù dịch được đánh giá còn nguy cơ.

Sau 4 tháng siết chặt giãn xã hội, ngày 1/10 TP HCM thực hiện Chỉ thị 18 tiếp tục kiểm soát, phòng chống Covid-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế, xã hội. Đầu tháng 10, hơn 300 chốt kiểm soát đã tháo dỡ giúp người dân thoải mái hơn khi ra đường, được tập thể dục, thể thao và mua sắm… Các cơ sở ăn uống, siêu thị, chợ truyền thống mở cửa trở lại khiến đường phố nhộn nhịp. Đô thị lớn nhất nước dần lấy lại sức sống.

Hàng quán TP HCM trong ngày đầu bán tại chỗ, 28/10. Ảnh: Quỳnh Trần

Hàng quán TP HCM trong ngày đầu bán tại chỗ, 28/10. Ảnh: Quỳnh Trần

Tuy nhiên, thời gian đầu việc mở cửa của thành phố vẫn còn thận trọng, chỉ cho bán mang đi nên sức mua còn hạn chế. Từ 28/10, hàng quán ăn uống được phục vụ tại chỗ, giúp cuộc sống cơ bản trở lại bình thường. Song, hiện chỉ có một số điểm kinh doanh ăn uống ở quận 7 và TP Thủ Đức được thí điểm bán bia rượu.

Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi lý giải việc thí điểm ở hai địa phương để TP HCM có thêm thực tiễn. Chính quyền hai nơi này có trách nhiệm theo dõi, đánh giá, sơ kết và báo cáo. Nếu các dịch vụ được kiểm soát tốt, thành phố sẽ thực hiện ở các địa bàn có như cầu nhưng phải đảm bảo an toàn.

Đến nay, dù Sở Y tế đề xuất, các dịch vụ được đánh giá có nguy cơ lây nhiễm cao như: karaoke, vũ trường, quán bar, trò chơi điện tử, Internet và một số hoạt động như làm tóc, hàng rong, vé số dạo… vẫn chưa được mở cửa.

Về công tác phòng chống dịch bệnh, thành phố tiếp tục đạt những tín hiệu tích cực. Trong đó, các chỉ số về số ca mắc mới, số bệnh nặng phải nhập viện và tử vong do Covid-19 đều giảm. Trong đó, số ca tử vong ngày càng giảm sâu ở mức 2 con số. Đơn cử như hôm 26/10, số tử vong chỉ còn 27.

Thành phố đã lên kịch bản ứng phó Covid-19 trong giai đoạn mới khi mở cửa với 4 tình huống, gồm: kiểm soát tốt, số ca mắc mới tương ứng mức độ 1; dịch được kiểm soát, số ca mắc mới tương ứng mức độ dịch 2; Covid-19 cơ bản được kiểm soát, số ca mắc mới tương ứng mức độ 3; dịch bùng phát trở lại, số ca mắc mới tương ứng mức độ 4.

Với từng trường hợp, ngành y tế thành phố đưa ra biện pháp ứng phó khác nhau như F0 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ sẽ được điều trị tại nhà, do các trạm y tế phường, xã, thị trấn chăm sóc và quản lý; lập thêm các trạm y tế lưu động, huy động các bệnh viện điều trị, dã chiến cấp thành phố và quận huyện…

Để thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ, hôm 24/10 TP HCM đã công bố cấp độ nguy cơ dịch theo cấp thành phố và 22 quận, huyện trên địa bàn. Việc này để các địa phương chủ động thích ứng cũng như quản lý, kiểm soát dịch, phát triển kinh tế – xã hội phù hợp từng cấp độ.

Theo đó, nguy cơ dịch ở cấp thành phố là cấp 2 (màu vàng, nguy cơ trung bình). Ở cấp địa phương, có 9 quận, huyện đạt cấp 1 (màu xanh, bình thường mới) là: Thủ Đức, Gò Vấp, Tân Bình, 1, 7, 8, 10, Cần Giờ, Củ Chi; 12 đơn vị cấp 2 là: 3, 4, 5, 6, 11, 12, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Tân Phú, Hóc Môn, Nhà Bè, Bình Chánh; Bình Tân là quận duy nhất còn ở cấp độ 3.

Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi cho hay các phường xã, quận huyện đang tổng kết để rút ra bài học, củng cố nguồn lực nhằm kiểm soát dịch, mở dần các hoạt động và kịp ứng phó những tình huống phát sinh. “Sẽ có hoạt động trước, có dịch vụ mở cửa sau chứ không đồng bộ cùng lúc”, ông Mãi khẳng định.

Đường phố TP HCM ngày đầu thực hiện bình thường mới, 1/10. Ảnh: Quỳnh Trần

Đường phố TP HCM ngày đầu thực hiện “bình thường mới”, 1/10. Ảnh: Quỳnh Trần

Đánh giá một tháng “mở cửa” của TP HCM, PGS. TS Đỗ Văn Dũng (Đại học Y Dược TP HCM) cho rằng thành phố cho hàng quán hoạt động lại là phù hợp vì đó là nhu cầu của người dân. Việc này không tạo ra nhiều nguy cơ trong bối cảnh hầu hết người dân đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine.

“Các nước Pháp, Canada, Anh… cũng theo lộ trình này. Tức là sau khi đạt yêu cầu về tỷ lệ tiêm vaccine, họ cũng áp dụng thẻ xanh Covid, yêu cầu người dân đeo khẩu trang khi mở cửa trở lại và không xảy ra sự đột biến về số ca mắc mới”, ông Dũng nói.

Tuy nhiên, ông Dũng nói thành phố thí điểm cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống ở TP Thủ Đức và quận 7 bán bia rượu là chưa hợp lý. Bởi khi người dân có nhiều nhu cầu mà chỉ cho mở ở một số khu vực, người từ nhiều nơi khác tới hai địa bàn này sẽ rất khó đảm bảo tuân thủ 5K, dẫn tới nguy cơ lây lan dịch.

“Mức độ giao thoa giữa các địa bàn tại thành phố rất cao, nên nếu cần thiết thí điểm để đảm bảo an toàn, có thể áp dụng theo quy mô cơ sở, hạn chế công suất phục vụ chứ không nên chọn thí điểm theo địa phương”, ông Dũng nói.

Về đề xuất cho các dịch vụ karaoke, vũ trường, bar, massage… ở vùng xanh được hoạt động, ông Dũng cho rằng đây không phải là nhu cầu thiết yếu và có nguy cơ lây lan cao, thành phố cần bước đi thận trọng. Song, về góc độ quản lý, doanh nghiệp nào cũng đóng thuế như nhau nên cần sự công bằng, thành phố phải có lộ trình phục hồi những ngành dịch vụ này và việc thí điểm là cần thiết.

Tương tự như việc bán bia rượu, ông Dũng cho hay thành phố không nên áp dụng các dịch vụ trên theo khu vực “vùng xanh, vùng đỏ” mà thí điểm theo quy mô người tham gia. Thành phố đang ở nguy cơ dịch cấp 2, có thể thực hiện các biện pháp ở cấp 3 với các dịch vụ nguy cơ cao như chỉ cho hoạt động 25-50% công suất. Thay vì cho hoạt động theo địa bàn, thành phố nên mở theo các điều kiện về quy mô, công suất và tập trung khâu hậu kiểm.

Theo ông Dũng, thành phố đã trải qua đợt dịch lịch sử, cùng với độ phủ vaccine cao nên đã có miễn dịch cộng đồng. Vì vậy, chính quyền có thể mạnh dạn mở cửa để sớm phục hồi kinh tế. Thành phố nên cho phép doanh nghiệp tự chủ triển khai các hoạt động phòng chống dịch; chấp nhận ca mắc Covid-19 gia tăng miễn là tình hình dịch bệnh vẫn trong tầm kiểm soát…

Trong khi đó, TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Nghiên cứu phát triển TP HCM nói rằng, thành phố đã “có những quyết định đột phá và dám làm, dám chịu trách nhiệm”. Ngay từ thời điểm 16/9 chưa có hướng dẫn thích ứng an toàn với Covid-19 nhưng khi dịch cơ bản kiểm soát và thấy được hiệu quả cũng như độ phủ vaccine tương đối an toàn, thành phố mạnh dạn mở một số dịch vụ ở quận 7, Cần Giờ và Củ Chi. Sau 2 tuần thí điểm, đến 30/9 thành phố ban hành Chỉ thị 18 cho phép các hoạt động kinh tế, xã hội trở lại.

Công nhân dệt của nhà máy Thành Công quay sản xuất, ngày 4/10. Ảnh: An Phương

Công nhân dệt của nhà máy Thành Công quay sản xuất, ngày 4/10. Ảnh: An Phương

Theo ông Ngân, cùng với tinh thần người dân phấn chấn, đường phố nhộn nhịp, nhiều doanh nghiệp đã nhanh chóng tiếp cận thị trường nên kinh tế thành phố phần nào phục hồi. Tuy nhiên, do đứt gãy nguồn cung lao động nên hoạt động của một số doanh nghiệp chỉ ở mức 50-70%. Song đây là mức cần thiết trong tình hình hiện nay bởi khi mới mở cửa, thành phố cần thận trọng chứ không thể trở lại 100% như trước ngay do khó đảm bảo an toàn.

“Những kết quả của mở cửa đến lúc này cho thấy thành phố thực hiện đúng chiến lược, với nguyên tắc an toàn đến đâu mở đến đó”, ông Ngân nói.

Theo ông Ngân, kịch bản được thành phố xây dựng giữa tháng 9, đến cuối tháng 11 nguy cơ dịch của thành phố mới có thể đạt cấp 2 và phải đến 15/1/2022 thành phố mới chuyển sang giai đoạn “bình thường mới”. Song với hiệu quả của vaccine, sự chung sức của người dân trong thực hiện 5K và đầu tư cho hệ thống y tế, thời gian qua thành phố đã hạ cấp độ nguy cơ dịch rất nhanh từ cấp 4, xuống cấp 3 và giờ đang cấp 2. Khả năng có thể giữa tháng 11, thành phố sẽ chuyển sang cấp 1, sớm hơn dự kiến.

“Việc mở cửa đòi hỏi phải trong lộ trình chung, chờ cho các học sinh tiêm xong vaccine mới an toàn được. Khi xây dựng kịch bản phục hồi kinh tế, thành phố kỳ vọng trở về ‘bình thường mới’ trước Tết Dương lịch, nhưng với những gì đạt được, lộ trình đã sáng hơn”, ông Ngân nói và cho rằng việc mở cửa không nên quá nôn nóng bởi người đã tiêm vaccine vẫn có thể nhiễm, lây cho người khác.

Theo Viện trưởng Nghiên cứu phát triển thành phố, dự báo kinh tế TP HCM năm 2021 sẽ bị suy giảm -5%, tức là so với mục tiêu tăng trưởng GRDP năm nay là 6% sẽ bị mất đi 11%. Với quy mô GRDP 65 tỷ USD, thành phố mất 11%, tức khoảng 7 tỷ USD.

“Với đà phục hồi như hiện nay, hy vọng tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố cải thiện hơn ở mức -4% hoặc -3%. Tuy nhiên, nếu đạt được cũng chỉ ở mức giảm thiệt hại, còn để phục hồi lại như trước cần phải hết quý 2 năm 2022, với điều kiện dịch được kiểm soát tốt”, ông Ngân nói.

Đinh Phương

Theo Vnexpress