Từ hôm qua (ngày 12-7) đến nay, mở mạng lên là tràn ngập ‘chuyện cái lu’. Từ fb đến báo chí, tràn ngập. Phần lớn, ai cũng lên tiếng cho rằng ý kiến dùng cái lu để chống ngập của PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân là không có tính khả thi.

Về chuyện “cái lu chống ngập”, đại biểu HĐND TPHCM Phan Thị Hồng Xuân giải thích đó chỉ là cách dùng từ dân gian. Còn đề xuất này được rút ra từ nghiên cứu của tổ chức JICA (Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản). Mô hình này cũng được áp dụng thành công tại Tokyo. 

Sáng 13/7, đại biểu Phan Thị Hồng Xuân chia sẻ với báo chí bên hành lang HĐND TPHCM kỳ họp 15 khóa IX về chuyện “cái lu chống ngập” mà bà phát biểu trên nghị trường chiều 12/7 khiến cộng đồng mạng phản ứng.

TPHCM: “Cái lu chống ngập” nhận phản ứng, bà “nghị” Xuân thanh minh - 1

Nhấn để phóng to ảnh

Đại biểu Phan Thị Hồng Xuân (ảnh: Phạm Nguyễn)

“Tôi rất buồn khi mạng xã hội có những phản ứng rất tiêu cực trước phát biểu của tôi trên nghị trường. Nhưng tôi sẽ không giải thích lại hay phản ứng lại với cộng đồng mạng. Chuyện cái lu là tôi dùng từ dân gian cho dễ hiểu. Cũng vì thời gian tranh luận ngắn, tôi khó mà trình bày hết ý của mình”, bà Xuân nói.

Bà Xuân giải thích: “Dùng từ cái lu là tôi nói theo từ dân gian, bản địa. Ở Việt Nam, trong văn hoá bản địa, nhà nào cũng có cái lu để chứa nước. Còn phát biểu của tôi rút ra từ việc tổ chức JICA (Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản) đã nghiên cứu và tư vấn trong một cuộc họp mà tôi được dự. Mô hình này cũng được áp dụng thành công tại Tokyo”.

Theo đó, JICA cho rằng, nếu TPHCM vận động mỗi người dân xây dựng một bể chứa nước 1m3 thì vừa có thể góp phần chống ngập, vừa giúp tiết kiệm nước sạch.

Bà Xuân cho biết đã từng tới Philipines và thấy người dân nơi đây đều có một cái xe ba bánh và đặt trên đó một cái thùng nước. Khi nhà ngập nước nội bộ, người ta cắm vòi hút nước chứa tạm vào thùng nước đó. Khi hết mưa, hết ngập người dân lại dùng chính thùng nước đó để dội rửa sân nhà, tưới cây vườn… Theo bà Xuân, do trên nghị trường không có thời gian nên bà chưa nói hết ý. Báo chí cũng đưa tin theo đó, cư dân mạng chưa hiểu hết nên phản ứng.

“Tuy nhiên, buồn nào rồi cũng qua, mình nói với cái tâm, dùng từ dân gian cho dễ hiểu chứ thực tế ý nếu có thời gian diễn giải, vấn đề sẽ ở một tầm khác”, đại biểu Xuân chia sẻ.

Theo bà Xuân, việc bà dùng từ “cái lu” là từ dân gian cho dễ chứ thực ra ý của bà là chống ngập tạm thời thì mỗi nhà có một bể chứa nước tuỳ theo diện tích nhà.

“Nếu mình dùng từ này thì sẽ không gây bão mạng như hôm qua và hôm nay”, bà Xuân nói.

Nữ đại biểu HĐND thành phố tâm tư: “Tôi không chỉ buồn mà rất buồn khi dư luận không chỉ phản ứng mà còn giễu cợt ý phát biểu của tôi. Nhưng buồn thì buồn, tôi không có ý định phản bác, công kích lại, khi bản thân đã phát biểu bằng nhân tâm”.

“Trên mạng cũng có những ý kiến thấu hiểu và ủng hộ. Các học trò của tôi tại trường (Trường Đại học KH-XH&NV) cũng động viên. Còn mình, sẽ không phản ứng lại trên mạng hay ai đó giễu cợt mình. Vì sẽ có người hiểu, sẽ có người không hiểu, càng giải thích thì câu chuyện có thể sẽ càng căng thẳng, đôi khi chẳng hay ho gì”, bà Xuân trải lòng.

Trước đó, trong phiên thảo luận chiều 12/7 của HĐND TPHCM, đại biểu Phan Thị Hồng Xuân có phát biểu và chia sẻ về kinh nghiệm dân gian trong việc chống ngập bằng lu chứa nước. Sau khi báo chí đưa tin, cộng đồng mạng đã có những phản ứng về phát biểu này.

Quốc Anh

Theo Dân Trí