(Vtrend.vn) Vừa muốn lưu giữ những ấn tượng, vừa muốn giới thiệu với bạn bè thế giới về những điểm đến hấp dẫn tại TP.HCM, nhóm sinh viên (SV) chuyên ngành thiết kế đồ họa Trường ĐH Văn Lang đã chọn thể loại sách Pop-up để tăng sự độc đáo và bắt mắt cho người xem.
VIDEO
Thể loại sách Pop-up tuy đã xuất hiện nhiều trên thế giới nhưng ở VN thì chưa được phổ biến. Với thể loại sách này thì hình khối sẽ nổi trực tiếp lên mặt giấy. Giúp cho người xem có cảm giác như một Sài Gòn thực đang hiện ra trên từng trang sách.
Nhóm của Phát có 4 thành viên, để hoàn thiện được cuốn sách, mỗi thành viên chịu trách nhiệm một khâu. Khâu đầu tiên là biên tập nội dung và kỹ thuật dựng Pop-up, kế đến là nghiên cứu các công trình, vẽ minh họa, khi đã có các bản vẽ thì tiến hành dựng Pop-up, ráp sách hoàn chỉnh và khâu cuối cùng là kỹ thuật dàn trang, in ấn.
Mỗi khâu lại có một khó khăn riêng. Đặc biệt khâu gấp đòi hỏi kỹ thuật rất cao. “Để làm được những công trình kiến trúc nổi hình khối như vậy phải thử đi thử lại rất nhiều cách gấp khác nhau. Khi gấp phải đảm bảo sự đồng nhất về các hình khối, chính xác đến từng mi li mét”, Thảo chia sẻ.
“Khâu gấp và vẽ phải thật sự ăn ý với nhau. Người vẽ và người gấp phải chọn được điểm nhấn của công trình kiến trúc để cho nổi lên. Phải đảm bảo được kích thước của điểm nhấn sao cho khi mở cuốn sách thì điểm nhấn đó sẽ dựng lên ấn tượng và khi gấp sách lại vẫn nằm gọn trong trang sách”, Lương Thị Thanh Trúc, thành viên chịu trách nhiệm vẽ minh họa cho biết.
Mỗi trang sách lại có kỹ thuật gấp riêng, không trang nào giống trang nào. Mỗi trang sẽ chứa đựng một phối cảnh, khi mở trang sách, phối cảnh đó từ từ dựng lên.
Trong một số phối cảnh như: nhà thờ Đức Bà, cầu Mống, chợ Bến Thành… còn có một số biểu tượng như xe buýt, xe con, ca nô… Tất cả đều có thể di chuyển được ngay trên trang giấy tạo nên sự sinh động và lạ mắt hơn rất nhiều.
Đi kèm với hình ảnh là phần chữ viết tóm lược về lịch sử từng công trình kiến trúc. Cuốn sách sử dụng song ngữ Việt – Anh nên rất thuận lợi khi quảng bá với du khách nước ngoài.
Bên cạnh đó, việc chọn giấy cũng gian nan không kém. Để đảm bảo quyển sách này dù lật qua lật lại nhiều lần vẫn không bị hư, bị rách thì đòi hỏi giấy gấp phải đủ độ bền và độ cứng mà vẫn không quá thô.
Nhìn lại sản phẩm của nhóm, Vũ thổ lộ: “Để hoàn thiện được một quyển sách mà đa phần các khâu đều làm thủ công như thế này, đòi hỏi sự tỉ mỉ và kiên trì rất cao. Nhóm mình đã tốn không ít thời gian và công sức cho những lần thử đi thử lại để cho ra sản phẩm hoàn chỉnh cuối cùng”.
“Nhóm mình mong muốn cuốn sách này như bản đồ du lịch cho những ai chưa từng đặt chân đến TP.HCM. Nhóm đã đắn đo rất nhiều về cách thể hiện, nếu chỉ bằng một kiểu vẽ bình thường thì gây nhàm chán và hiệu quả truyền tải không cao. Thay vào đó, tụi mình chọn thể loại Pop-up thì nội dung và hình ảnh truyền tải sẽ sinh động và cuốn hút hơn”, Phạm Thị Bích Thảo, thành viên nhóm chia sẻ.
Cầm cuốn sách có tựa là Sài Gòn Phố trên tay, Nguyễn Vũ Tuấn Phát khoe: “Đây là hồ Con Rùa, cái này nhóm chọn góc ảnh từ trên cao xuống nên nhìn lạ mắt nhưng góc này sẽ tái hiện được toàn cảnh khuôn viên hồ. Còn đây là nhà thờ Đức Bà, Bưu điện Thành phố, chợ Bến Thành…”.
Sản phẩm sách Pop-up của nhóm cũng đã được Sở Du lịch TP.HCM chọn là một trong 8 sản phẩm lưu niệm đặc trưng của TP.HCM để giới thiệu đến bạn bè thế giới.
PV
(Doanh nghiệp viết)