(Vtrend.vn) Công ty Thiên Sơn khẳng định chưa biết về kết quả hợp đồng sửa chữa hệ thống lọc nước song bệnh viện đã sử dụng.

Chiều 17/1, TAND Hoà Bình xét hỏi về nội dung hợp đồng 315 cung cấp vật tư sửa chữa hệ thống lọc nước RO số 2 giữa Công ty Thiên Sơn và Bệnh viện đa khoa Hoà Bình.

HĐXX truy vấn: “Hợp đồng 315 được ký kết ngày tháng năm nào?”. Luật sư Nguyễn Thị Đinh Hương, đại diện cho Công ty Thiên Sơn, cho hay hợp đồng được ký vào ngày 25/5/2017 có10 mục với ba phần công việc chính như cung cấp vật tư thay thế, vệ sinh màng lọc nước, tiệt trùng hệ thống nước RO số 2 theo tiêu chuẩn AAMI. Hợp đồng nêu rõ phải xét nghiệm nguồn nước sau sửa chữa hệ thống.

Lý giải về nguồn gốc hợp đồng 315, bà Hương nói, tháng 4/2017, Công ty Thiên Sơn nhận được yêu cầu sửa chữa hệ thống lọc nước RO từ Bệnh viện Đa khoa Hoà Bình nên cử Bùi Mạnh Quốc (Giám đốc Công ty Trâm Anh) lên khảo sát và lập báo giá. Quốc đã khảo sát và gửi báo giá về Công ty Thiên Sơn.

Ngày 20/5/2017, trưởng phòng vật tư Trần Văn Thắng gọi điện cho Công ty Thiên Sơn lên ký hợp đồng sửa chữa song 5 ngày sau hai bên mới ký hợp đồng.

Giám đốc Công ty Thiên Sơn và luật sư đại diện. Ảnh: Phạm Dự.

Khi Thiên Sơn cử Quốc lên Bệnh viện Hoà Bình, công ty không thông báo Quốc làm việc với danh nghĩa là người của ai bởi “bệnh viện đã biết và làm việc với Quốc từ lâu”. “Vậy Thiên Sơn quan hệ như thế nào với Quốc mà lại cử anh ta lên bệnh viện khảo sát và báo giá?”, chủ toạ truy vấn. Đại diện Thiên Sơn nói, Quốc trước kia là kỹ sư của một công ty tối tác với Thiên Sơn. Anh ta sau đó tách ra làm công ty riêng và đã nhiều lần hợp tác với Thiên Sơn. Tính đến tháng 5/2017, Thiên Sơn đã ký 5 hợp đồng sửa chữa với Quốc ở nhiều bệnh viện khác nhau.

Thiên Sơn bán thầu sau khi ký hợp đồng?

Theo cáo buộc, sau khi ký hợp đồng 315 với Bệnh viện Hoà Bình, công ty Thiên Sơn lại ký hợp đồng số 05 với Bùi Mạnh Quốc về việc sửa chữa này. Bị cáo Đỗ Anh Tuấn (Giám đốc Thiên Sơn) không thực hiện đầy đủ nhiệm vụ của mình, bỏ mặc Quốc tự mua hàng hoá, sửa chữa. Tuấn cũng không nhắc Quốc về đảm bảo nguồn nước để sau sửa chữa, máy đều đưa vào sử dụng mà chưa có kết quả xét nghiệm nước và bàn giao nghiệm thu.

Từ hành vi thiếu trách nhiệm của ông Tuấn, Quốc tự ý dùng những hoá chất chưa được Bộ Y tế cấp phép để khử khuẩn thiết bị dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

“Nội dung hợp đồng 05 và 315 có điểm gì khác nhau?”, HĐXX hỏi. Đại diện Thiên Sơn nói, hai bản hợp đồng giống nhau về nội dung sửa chữa và chỉ khác về giá vật tư. Ngoài ra, Thiên Sơn cũng không có trách nhiệm phải báo cho bệnh viện biết về bản hợp đồng này.

Viện dẫn hành vi cấm bán thầu theo điều 89 Luật đấu thầu, HĐXX nói Thiên Sơn có tự nhận thấy mình vi phạm không? Bà Hương giải thích, hợp đồng 315 có ba mục và hợp đồng 05 cũng vậy. Thiên Sơn không bán thầu mà chỉ ký hợp đồng với Công ty Trâm Anh để đảm bảo các điều kiện của hợp đồng 315. Việc ký hợp đồng 05 hay  không cũng không làm mất đi bản chất hợp đồng 315.

Thiên Sơn cũng không cho Quốc biết nội dung hợp đồng 315. Anh ta chỉ cần thực hiện hợp đồng 05 với Thiên Sơn là đầy đủ nội dung sửa chữa. “Sao Quốc biết nội dung hợp đồng 315 mà thực hiện?”, chủ toạ tiếp tục truy vấn. “Quốc chỉ cần thực hiện theo hợp đồng 05 và theo báo giá của hai bên là hoàn thành”, luật sư Hương đáp.

Trước đó khi trả lời toà, Quốc cũng khai không biết về hợp đồng giữa Thiên Sơn và Bệnh viện tỉnh Hòa Bình mà chỉ thực hiện theo báo giá giữa công ty mình với doanh nghiệp Thiên Sơn

Trong lần sửa chữa ngày 28/5/2017, Quốc khẳng định mình làm thông thạo như 12 năm kinh nghiệm vốn có. Với quy trình như vậy, ngay chiều 27/5/2017 Quốc đã sửa chữa tại bệnh viện ở Hà Nam mà không gặp sự cố gì.

Công ty Thiên Sơn đổ lỗi cho đối tác

Theo luật sư Hương, khi Quốc thực hiện hợp đồng, Thiên Sơn cũng không có nghĩa vụ phải cử người giám sát. Công ty chỉ kiểm tra Quốc bằng kết quả công việc sau khi hoàn thành. Ngày 28/5/2017, Quốc đến bệnh viện làm việc, không thông báo về tiến độ và chỉ đến trưa 29/5/2017 mới gọi điện nói có sự cố.

Thông thường Quốc chỉ thông báo cho Thiên Sơn khi đã hoàn thiện đầy đủ nội dung trong hợp đồng. Anh ta không có trách nhiệm bàn giao thiết bị sau sửa chữa cho bệnh viện. Thiên Sơn mới có trách nhiệm bàn giao.

“Chúng tôi đã giao cho Quốc toàn bộ quyền và chỉ nghiệm thu kết quả sửa chữa từ anh ta khi các điều khoản trong hợp đồng đã hoàn thành. Bởi vậy, Quốc phải chịu trách nhiệm với Thiên Sơn”, đại diện Công ty Thiên Sơn cho hay.”Ngày 28/5, khi Quốc đi sửa chữa hệ thống lọc nước RO số 2, lãnh đạo Thiên Sơn yêu cầu anh ta phải làm những gì?”, HĐXX hỏi. Bà Hương nói, Quốc có đầy đủ năng lực và kinh nghiệm để thực hiện các điều khoản của hợp đồng này. Thiên Sơn cũng không yêu cầu Quốc sử dụng loại hoá chất gì để sục rửa màng lọc.

Nói thêm về sự cố, đại diện công ty Thiên Sơn cho hay, Bệnh viện Hoà Bình có hai hệ thống nước có thể đáp ứng được nhu cầu 19 máy chạy thận. Nếu bệnh viện không thể dừng một hệ thống thì họ phải có trách nhiệm di dời bệnh nhân đi chỗ khác. “Trách nhiệm thuộc về bệnh viện và những người thực hiện. Nếu cứ làm như vậy sẽ tiếp tục xảy ra nhiều thảm hoạ khác chứ không chỉ một lần như sự cố ngày 29/5”, bà Hương nói và cho rằng Thiên Sơn chỉ ký hợp đồng thuê mua máy chứ không có thẩm quyền can thiệp.

Bị cáo Trương Quý Dương, cựu giám đốc bệnh viện, cũng khai rằng việc quyết định chạy thận cho bệnh nhân như thế nào là trách nhiệm của bệnh viện, Thiên Sơn không có quyền can thiệp. Thiên Sơn chỉ cử người giám sát ca chạy thận để đảm bảo quyền lợi của họ chứ không có trách nhiệm giám sát quy trình chạy thận.

Tuy nhiên đại diện Sở Y tế Hoà Bình trước đó cho rằng không cần xét nghiệm nước sau khi sửa máy lọc nước chạy thận. Bà nói, đây là tiêu chuẩn của Mỹ. Việc xét nghiệm này cần 10 đến 14 ngày nên không bệnh viện nào có thể chờ được.

Ngày mai, phiên toà tiếp tục làm việc.

Phương Đinh

Theo vnexpress.net