(Vtrend.vn) Việt Nam hiện có tỉ lệ tăng trưởng Internet nhanh nhất trong khu vực. Đến 6-2017, 64 triệu người (67,1% dân số) Việt sử dụng Internet, có 64 triệu tài khoản Facebook trong đó phần lớn là trẻ em và thanh niên.

Trẻ em dễ tổn thương nhất nhưng đang đi đầu trong dùng Internet - Ảnh 1.

Hội thảo xây dựng mạng lưới bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng có cả sự tham gia của các học sinh – Ảnh: NGỌC DIỆP

Chưa ai dạy trẻ em tự bảo vệ bản thân trên mạng

Sáng 12-7, Cục trẻ em, phối hợp với Child Fund Vietnam và Microsoft tổ chức Hội thảo xây dựng mạng lưới bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng tại Trung tâm Hội nghị quốc gia tại Hà Nội.

Một thông tin được đưa ra tại hội thảo là người Việt Nam đang sử dụng Internet một cách khá… hồn nhiên. Vụ Facebook làm lộ thông tin cá nhân của người dùng vừa qua cho thấy người Việt Nam có thói quen tiết lộ quá nhiều thông tin cá nhân trên mạng xã hội.

Hầu hết người dùng Internet ở Việt Nam đang sử dụng Internet mà không hiểu rõ về công cụ này cũng như nguy cơ mà nó đem lại. Thanh thiếu niên là những người dễ bị tổn thương nhất lại là lực lượng đi đầu trong việc sử dụng Internet.

Hội thảo đã cung cấp khảo sát Những trải nghiệm không mong muốn khi sử dụng internet do Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số cùng Bộ Lao động, thương binh và xã hội thực hiện năm 2014 cho thấy:
36,4% trẻ em có trải nghiệm không mong muốn liên quan đến bạo lực
13,2% trẻ em buộc phải tiếp xúc không mong muốn với tài liệu khiêu dâm
15,7% trẻ em gặp hành vi dụ dỗ tình dục qua mạng
2% trẻ em nhận được yêu cầu tiết lộ thông tin cá nhân/hình ảnh không mong muốn

Còn theo một nghiên cứu của Bộ Lao động, thương binh và xã hội và UNICEF công bố năm 2014, trên mạng Internet ở Việt Nam đang tồn tại văn hóa phẩm khiêu dâm trẻ em mang tính thương mại.

Sự bùng nổ của công nghệ số cũng gia tăng nạn xâm hại tình dục, bóc lột tình dục thương mại trẻ em. Trẻ em bị dụ dỗ, ép buộc tham gia phô bày cơ thể và biểu diễn tình dục qua mạng. Hình ảnh xâm hại tình dục trẻ em được bán cho bên thứ ba.

Trong khi đó hiểu biết về môi trường mạng của người dân nói chung vẫn còn hạn chế. Trường học chỉ dạy kĩ năng sử dụng công nghệ thông tin, không dạy các em kiến thức tự bảo vệ bản thân trong môi trường mạng.

Trẻ em phần lớn tự học hoặc học hỏi bạn bè cách sử dụng mạng. Cha mẹ Việt Nam, nhiều người không am hiểu công nghệ thông tin, gần như bất lực trước tình trạng con cái sử dụng mạng Internet.

Ngăn chặn hay cung cấp “vắc-xin” cho trẻ?

Tại hội thảo, các đại biểu chhia sẻ nhận định rằng vì mạng Internet không ngừng biến đổi, giải pháp “tường lửa” không là tối ưu.

Ông Michael L.Gray – giám đốc Chương trình The SecDev Foundation – nhấn mạnh việc trao quyền cho trẻ em để nâng cao khả năng kháng lại những nguy hại.

Ông Đặng Hoa Nam – cục trưởng Cục Trẻ em – cũng cho rằng: “Dùng biện pháp ‘tường lửa’ quá nhiều là thất bại. Phải trang bị cho các em ‘vắc-xin’ là cách sử dụng mạng Internet và cách sống trong môi trường mạng.

Tuy nhiên, vai trò của cha mẹ và giáo viên ở đây rất quan trọng. Nếu cha mẹ không rành về internet thì vẫn có thể chia sẻ kinh nghiệm sống cho con nhằm tránh xa những cái xấu. Trong mọi biện pháp thì việc trao đổi, kết nối giữa cha mẹ và con cái là rất quan trọng”.

Trẻ em dễ tổn thương nhất nhưng đang đi đầu trong dùng Internet - Ảnh 3.

Cục trẻ em và Child Fund Vietnam, Microsoft đã ký thỏa thuận hợp tác chung trong công tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng – Ảnh: NGỌC DIỆP

Các chuyên gia cũng cho rằng công nghệ tạo ra nhiều rủi ro nhưng mặt khác cũng tạo ra nhiều giải pháp. Sự tham gia của các doanh nghiệp công nghệ vào công tác này đóng vai trò quan trọng.

“Rất cần có sự chung tay của các doanh nghiệp về công nghệ vì họ là người có khả năng nắm bắt được những đổi thay của công nghệ và tiên đoán được những rủi ro có thể xảy đến với trẻ em, từ đó họ có khả năng đề ra giải pháp”, ông Toàn Thịnh – giám đốc T-Plus – chia sẻ.

Cục trưởng Đặng Hoa Nam thì cho rằng: “Scandal của Facebook, Youtube đã để lại bài học lớn cho các doanh nghiệp toàn cầu. Họ bắt buộc phải đề ra các giải pháp bảo vệ người dùng. Các doanh nghiệp cũng cần thấy rằng bảo vệ người dùng không làm giảm thị phần của họ, mà trái lại còn làm gia tăng khách hàng tiềm năng”.

“Thế hệ khách hàng mới cần phải biết sử dụng công nghệ một cách lành mạnh chứ không nên tham gia và sử dụng mạng bằng mọi giá”, ông Đặng Hoa Nam nói.

Mục đích của mạng lưới bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng là kết nối các cơ quan chức năng, các tổ chức đại diện cho trẻ em, các doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế và các tổ chức phi chính phủ Việt Nam ở quy mô quốc gia, nhằm bảo vệ trẻ em cả ba cấp độ: can thiệp, hỗ trợ và phòng ngừa.

Cuối hội thảo, Cục trẻ em và Child Fund Vietnam, Microsoft đã ký thỏa thuận hợp tác chung trong công tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam cho biết các cơ quan đang xúc tiến để có thể sớm công bố Mạng lưới bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Theo tuoitre.vn
Minh Xuan.