(Vtrend.vn) Hơn 2 tuần qua, thị trường tài chính tiền tệ nước nhà ghi nhận sự quan tâm ở mức rất cao đối với cặp tỷ giá VND/USD.

 Đồng USD trên thế giới liên tục tăng bởi động thái tăng lãi suất từ Fed cùng tín hiệu tiếp tục tăng thêm nữa khoảng đôi lần từ nay đến hết năm. Trong khi đó cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất là Mỹ và Trung Quốc đã khiến nhiều nước phải hạ giá đồng bản tệ của họ để hỗ trợ cho xuất khẩu. Trung Quốc, quốc gia bị Mỹ bổ sung gói thuế hàng hoá trị giá 34 tỷ USD kể từ ngày 6/7, đã phải hạ giá đồng Nhân dân tệ 2 tuần liên tiếp. 

Đồng Nhân dân tệ là 1 trong 8 đồng tiền tham chiếu cho tỷ giá trung tâm của Việt Nam.

Ở trong nước, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng phải hạ giá tiền đồng bằng việc điều chỉnh tăng liên tục tỷ giá trung tâm, đưa tổng cộng mức tăng từ đầu năm tới nay lên 0,95% (từ 22.425 đồng lên 22.638 đồng). Các ngân hàng thương mại trong khi đó đẩy giá USD lên mức tăng 1,4% và đồng loạt vượt qua mốc 23.000 đồng, thậm chí có lúc tới 23.120 đồng – con số cao kỷ lục. Cho dù vẫn còn khoảng cách khá xa so với mức trần 23.317 đồng đổi một USD theo quy định, nhưng những cú nhảy của tỷ giá cho thấy không thể không lưu ý.

Giữa lúc tỷ giá tăng nóng, người đứng đầu ngành ngân hàng là Thống đốc Lê Minh Hưng vào chiều 2/7 đã thông tin nguồn dự trữ ngoại hối đang ở mức khổng lồ là 63,5 tỷ USD, đủ sức để can thiệp thị trường khi cần thiết. Sau đó, thêm đại diện là NHNN Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ Phạm Thanh Hà nói sẵn sàng bán USD với giá thấp hơn để bình ổn thị trường.

Và chiều 3/7, NHNN đã chính thức can thiệp bằng việc hạ giá đồng USD bán ra tham chiếu, mức giảm là 1%. Theo đó, các thành viên tham gia thị trường khi đủ điều kiện sẽ được mua USD từ NHNN với giá rẻ hơn so với USD bán ở ngân hàng thương mại, chỉ 23.050 đồng.

Một ngày sau, giá USD ở các ngân hàng đã hạ nhiệt, nhưng mức giảm chưa lớn. Tỷ giá vẫn được neo trên 23.000 đồng ở cả hai chiều mua bán, trong đó giá bán ra phổ biến là 23.065 – 23.080 đồng. Ở ngoài thị trường tự do, USD không giảm, thậm chí phiên cuối tuần này còn tăng, trong đó ở thị trường Hà Nội là 23.120 – 23.150 đồng, còn ở khu vực TP. Hồ Chí Minh thì cao hơn.

Lý do được đưa ra cho đợt tăng tỷ giá lần này, ngoài tác động tất yếu từ thị trường quốc tế là Fed nâng lãi suất và chiến tranh thương mại Mỹ  -Trung, còn xuất phát phát từ yếu tố tâm lý khi mốc 23.000 đồng bị vượt qua đã làm cho nhiều người e ngại tỷ giá tăng tiếp. Hơn nữa, thị trường chứng khoán bị bán ròng liên tục có thể cũng làm cho dòng ngoại tệ bị chuyển đi ít nhiều. 

Song có một điểm đáng lưu ý là sau khi NHNN hạ giá bán USD thì không ngân hàng thương mại nào đặt mua. Đây là điều khác biệt so với những đợt tỷ giá căng trước đây, rằng sau khi có nguồn cung giá rẻ sẽ được thị trường hấp thụ ngay lập tức. Và điều đó cũng cho thấy thị trường về cơ bản vẫn đang tự cân đối và điều tiết được cung cầu ngoại tệ.

Đối diện đợt sóng, nhiều chuyên gia trong và ngoài nước đều đã có những nhận định, trong đó hầu hết đều cho rằng trong bối cảnh lạm phát tăng cao (CPI tháng 6/2018 ở mức cao nhất 6 năm) thì tỷ giá tăng sẽ không có lợi cho nền kinh tế. Vì khi tỷ giá tăng sẽ kéo theo một loạt các chi phí khác như xăng dầu, vận chuyển, giá vốn…tăng theo. Một số tổ chức mạnh dạn dự báo tỷ giá sẽ biến động tăng khoảng 2% cho đến 3% trong năm nay.

Trong khi đó vàng – vốn vẫn biến động rất mạnh trước các làn sóng gia tăng của tỷ giá trước đây –lại…được bỏ quên. Với mức tăng giảm chỉ 10 nghìn đồng cho tới 60 nghìn đồng mỗi lượng trong các phiên, vàng vẫn cứ trụ vững quanh vùng 36,8 triệu đồng/lượng, mặc cho thị trường thế giới biến động mạnh và chạm đáy 6 tháng.

Có ý kiến cho rằng, nói vàng bị lãng quên là chưa đúng, khi chính sự dửng dưng với biến động giảm mạnh của thị trường quốc tế và giá USD tăng cao đã vô hình trung kéo rộng khoảng cách chênh lệch với vàng thế giới, từ mức gần như ngang bằng hoặc chỉ vài trăm nghìn đồng/lượng, lên tới 2 triệu đồng/lượng ở thời điểm này. Và rằng, chính sự vô tình với mọi biến động của vàng lại trở thành “vũ khí” cho nhà đầu tư.

Nhưng nếu nhìn một cách khách quan và toàn diện hơn, rõ ràng sự dửng dưng của giá vàng trong nước là kết quả của một quá trình nỗ lực. Với quyết tâm chống vàng hoá của Nhà nước, vàng đang dần đánh mất vai trò đầu tư hữu hiệu của nó và nhiều người không còn lưu tâm đến tài sản này như là các kênh đầu tư hữu hiệu. Và không chỉ có đợt này vàng giữ vững trước các biến động xung quanh, mà nhiều lần trước đó vàng cũng có thái độ tương tự, đồng thời khoảng cách chênh lệch giữa vàng trong nước với thế giới biến động lớn cũng không phải chuyện lạ hay hiện tượng gì cần phải lưu tâm như đối với tỷ giá hoặc vàng của cách đây 5-6 năm.

TK
Theo cafef.vn