(Vtrend.vn) Chỉ còn một thời gian ngắn nữa là đến mốc 2020 – thời điểm tất cả các ngân hàng phải áp dụng Basel II. Tuy nhiên câu chuyện tăng vốn vẫn còn rất gian nan đối với các ngân hàng, đặc biệt là những nhà băng lớn.

Câu chuyện tăng vốn của các ngân hàng để đáp ứng yêu cầu của Basel II vào năm 2020 đã được dư luận đề cập rất nhiều lần trong suốt 2-3 năm trở lại đây. Nếu như các ngân hàng cổ phần tư nhân đã nỗ lực và ghi nhận nhiều thành công thời gian qua, với những điển hình như VPBank, Techcombank, MB…hay 2 ngân hàng nhỏ hơn đã đi trước một bước bằng việc chạm tới Basel II sớm hơn thời hạn tới 1 năm là VIB và OCB, thì các ngân hàng lớn, ngoại trừ Vietcombank, vẫn đang “trầy trật” để tăng vốn.

Sở dĩ khó là bởi các ngân hàng lớn nhất đều có cổ phần chi phối thuộc về Nhà nước. Mà đã là ngân hàng có vốn nhà nước thì lại phải tuân thủ nhiều hơn các quy định quản lý so với các ngân hàng tư nhân. Điển hình trong số các quy định đó là liên quan đến việc phân bổ lợi nhuận. Nếu như ngân hàng tư nhân có thể dễ dàng được cổ đông đồng thuận chia cổ tức bằng cổ phiếu thì các ngân hàng có vốn nhà nước lại không. 3 năm qua, cả BIDV, Vietcombank và VietinBank đều phải chi nhiều nghìn tỷ mỗi năm để trả cổ tức bằng tiền mặt cho Nhà nước dù rằng vấn đề tăng vốn đã vô cùng cấp bách. Hơn nữa, giới hạn về sở hữu Nhà nước tại các ngân hàng (tối thiểu là 65%), chẳng hạn như VietinBank, cũng gây khó khăn trong việc gọi vốn. Ngoài ra, quy định không được bán vốn dưới giá trị thị trường cũng làm đau đầu các nhà quản lý của những nhà băng đang chiếm thị phần lớn nhất trong hệ thống tài chính ngân hàng Việt, ví dụ như Vietcombank.

Những rào cản trên đã khiến các ngân hàng khó khăn trong việc gia tăng nguồn vốn cấp 1 để đáp ứng quy định về hệ số an toàn vốn (CAR) – vốn đang ở mức thấp nhất trong hệ thống (chỉ 9,39%) dù rằng mới chỉ mới tính theo quy định tại Thông tư 36 (tối thiểu 9%). Tới đây, khi thời hạn áp dụng Basel II cận kề, nếu việc tăng vốn vẫn không thực hiện được thì CAR còn xuống sâu hơn nữa bởi theo tính toán của giới phân tích thì chênh lệch CAR giữa cách tính của Thông tư 36 và Basell II vào khoảng 1,5%.

Hạn chế về vốn khiến các ngân hàng không chỉ không đáp ứng được quy định về CAR mà còn cản trở hoạt động kinh doanh do phải đáp ứng hàng loạt các quy định khác nữa. Chính bởi vậy, trong nhiều cuộc họp, lãnh đạo các ngân hàng nói trên và cả lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đều có mong muốn, khao khát được tạo điều kiện để tăng vốn thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu và giảm tỷ lệ sở hữu ở Nhà nước xuống thấp hơn mức hiện hành.

Ngay cả lãnh đạo của ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam cũng nhìn thấy vấn đề rất cấp bách. Trong dịp chia sẻ với báo chí mới đây, ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc ngân hàng HSBC Việt Nam cho biết, trong ngành tài chính ngân hàng, khả năng sinh lời và chất lượng tài sản đã được cải thiện rất nhiều trong thời gian qua, tuy nhiên an toàn vốn vẫn là một vấn đề quan ngại. 

Ông phân tích, tỷ lệ nợ xấu giảm qua hàng năm kể từ đỉnh năm 2012. Một phần lớn sự suy giảm này là do việc chuyển nợ qua công ty quản lý tài sản Việt Nam VAMC, quá trình này được hỗ trợ thông qua những cải cách mà Chính phủ thi hành bao gồm những biện pháp tạo thuận lợi cho cả ngân hàng và VAMC để thu giữ tài sản thế chấp khi người đi vay phá sản. Điều này làm gia tăng khả năng thu hồi tài sản từ nợ xấu. 

Chất lượng tài sản đã được cải thiện trong những năm gần đây, đặc biệt khi chính phủ và NHNN đã ban hành các biện pháp đảm bảo về vĩ mô để giảm cho vay trong những lĩnh vực ít năng suất hay có tính chất đầu cơ như bất động sản. Ngoài ra, thị trường bất động sản ấm lên trong vài năm gần đây cũng giúp các ngân hàng xử lý các tài sản thế chấp bằng bất động sản. 

Mặt khác, CEO của HSBC Việt Nam lưu ý, khả năng sinh lời cao hơn không nhất thiết dẫn tới khả năng bảo toàn vốn tốt hơn, đối với nhiều ngân hàng. Tỷ lệ an toàn vốn trung bình trong ngành ngân hàng đã giảm dần trong các năm qua khi tài sản ngân hàng gia tăng nhanh không đi cùng với khả năng ngân hàng tăng vốn cấp 1. Vấn đề này thậm chí còn lớn hơn  ở những ngân hàng quốc doanh lớn nhất vốn nắm khoảng 50% tổng dư nợ của nền kinh tế và là nơi CAR có thể giảm xuống dưới mức tối thiểu 8% khi Basel II được áp dụng vào năm 2020.

Và ông Hải nhận định, vốn hóa các ngân hàng quốc doanh là một ưu tiên và có thể trở thành một rủi ro hiện hữu khi chúng ta tiến gần tới mốc 2020 này. Nếu các ngân hàng không thể nâng đủ vốn vào thời điểm đó, Chính phủ có thể phải bơm vốn, và theo tính toán của IMF, việc gia tăng vốn này có thể làm giảm 1-1,5% GDP. 

Vị chuyên gia của HSBC thậm chí cho rằng, thiếu vốn là một rủi ro gia tăng của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh chiến lược tăng trưởng của chính phủ do tín dụng dẫn dắt. Thu hút thêm đầu tư vốn, đặc biệt là từ những nhà đầu tư chiến lược nước ngoài do đó có vai trò quan trọng trong việc gia tăng vốn cho các ngân hàng quốc doanh. Tuy nhiên, điều này sẽ đặt ra yêu cầu cấp thiết về cải cách, như cải thiện chất lượng và sự minh bạch của sổ sách cũng như những biện pháp đảm bảo vĩ mô để tiếp tục giảm nợ xấu và giải tỏa các tài sản thế chấp.

Quay trở lại với vấn đề tăng vốn ở các ngân hàng lớn nhất, hiện nay Vietcombank đã được NHNN công nhận áp dụng Basell II thành công, là 1 trong 2 ngân hàng đầu tiên của hệ thống và duy nhất trong nhóm có vốn Nhà nước làm được điều đó. Thế nhưng như vậy không có nghĩa là yêu cầu về vốn không còn đặt ra với nhà băng này. Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt, các ngân hàng nhỏ hơn như Techcombank và VPBank đang bám đuổi sát nút và đã tăng được nguồn vốn cực dồi dào trong 2 năm qua để có nguồn cho hoạt động trong vài năm tới thì việc bán vốn cho đối tác ngoại của Vietcombank vẫn chưa hoàn tất dù đã rậm rịch từ rất lâu.

Tại BIDV, ngân hàng này cũng tính bán vốn cho đối tác nước ngoài từ khi mới lên sàn vào năm 2014 nhưng đến thời điểm này vẫn chưa hoàn tất. Mới đây, ngân hàng mới xin cổ đông thông qua việc bán 15% vốn điều lệ sau phát hành cho đối tác là ngân hàng Hana của Hàn Quốc.

Song như Vietcombank và BIDV còn “sáng” hơn nhiều so với “cửa” của VietinBank khi sớm muộn cả hai nhà băng trên cũng sẽ tăng được vốn trong năm 2019. Còn VietinBank lúc này đã hết room bán cho đối tác ngoài, trong khi chuyện sáp nhập PGBank từng được xem là công cụ tốt để tăng thêm vốn 3.000 tỷ cũng bất thành, giờ chỉ còn trông chờ vào những thay đổi từ chính sách qua việc chia cổ tức và giảm sở hữu vốn Nhà nước.

Theo cafef.vn
Minh Xuan.