TTO – Cần xem xét sửa đổi các quy định pháp luật liên quan để vừa chặt chẽ quản lý, răn đe giáo dục không để người xấu lợi dụng nhưng cũng tạo điều kiện an tâm cho cán bộ thực hiện nhiệm vụ.

 

Viện trưởng Lê Minh Trí: Vô ý làm trái, thiệt hại từ 100 triệu phải ở tù là rất nặng - Ảnh 1.

 Ông Lê Minh Trí nêu quan điểm về quy định trách nhiệm của cán bộ trong quản lý tài sản và kiểm soát tài sản – Ảnh: Quochoi.vn

Tiếp tục phiên thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước ngày 2-6 tại Quốc hội, đại biểu TP.HCM Lê Minh Trí – viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao – nêu quan điểm về việc xem xét sửa đổi các quy định liên quan đến trách nhiệm quản lý tài sản nhà nước và bảo vệ cán bộ.

Theo ông Trí, thời gian qua cùng với việc tăng cường kỷ luật kỷ cương trong Đảng, hệ thống chính trị, xử lý nghiêm những người cố tình làm sai, gây hậu quả thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, các tổ chức và cá nhân, thì cũng cần phải kịp thời ban hành, sửa đổi các quy định pháp luật, đảm bảo bịt những lỗ hổng để tạo điều kiện cho sự phát triển và sự phục vụ tốt hơn cho nhân dân, tạo hành lang pháp lý để người thực hiện nhiệm vụ được an tâm.

Dẫn chứng các vụ việc ngành y tế, ông Trí chỉ ra thực trạng là hiện nay hoạt động đấu thầu đấu giá mua sắm thuốc men, sinh phẩm và trang thiết bị y tế bị đình trệ. Việc thực hiện hợp tác kinh doanh đầu tư các trang thiết bị y tế thế hệ mới từ nguồn lực xã hội bị dừng lại.

Nguyên nhân là do “cách làm có sơ hở, có sai”, nhưng theo ông “sai thì sửa” và cần phải tiếp tục làm, bởi nếu cứ để kéo dài sẽ ảnh hưởng chất lượng khám chữa bệnh nhân dân. Thực tế, ông đánh giá đội ngũ bác sĩ của chúng ta có tay nghề, trình độ không thua kém các nước, nhưng nếu không có trang thiết bị máy móc tiên tiến, hiện đại thì sẽ tụt hậu và người dân sẽ phải mất chi phí cao hơn trong khám chữa bệnh ở nước ngoài, mất đi nguồn thu dịch vụ này, còn nếu chờ ngân sách đầu tư chậm.

Theo đó, viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Quốc hội, Chính phủ có chỉ đạo các cơ quan liên quan, ban hành nhanh văn bản tháo gỡ ngay các vướng mắc, dẫn chứng từ quy định tại Bộ luật hình sự 2015 và sửa đổi năm 2017, điều 219 về tội vi phạm về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí quy định: “Người nào được giao quản lý, sử dụng tài sản nhà nước mà vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản, gây thất thoát, lãng phí từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 đến 5 năm”.

Ông Trí cho rằng “điều khoản này rất nghiêm khắc”, vừa tạo áp lực và có thể tạo rủi ro cao trong thực hiện của cán bộ trong quản lý tài sản nhà nước. Đồng tình với quan điểm cần phải có biện pháp xử lý nghiêm để giữ gìn và quản lý tài sản cho tốt, nhưng nếu so với điều 165 của Bộ luật hình sự cũ thì tội cố ý làm trái và gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên mới xử lý hình sự.

Trong khi đó, theo quy định ở điều 219, chỉ cần vô ý, hoặc do bên dưới đề xuất mà kiểm soát không được, dẫn tới thiệt hại từ 100 triệu tới dưới 300 triệu đồng thì đã có thể ở tù 1-5 năm. Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho rằng có thể xem xét “mở”, tức là sau khi phát hiện sai phạm gây thất thoát, trong trường hợp khắc phục được thì “có xử lý hình sự hay không?”, hoặc thiệt hại có thể quy mô trên 100 triệu đồng.

“Với quy mô quản lý tài sản hiện nay mà 100 triệu đồng đã phải ở tù là rất nặng, trong khi vừa qua Bộ Chính trị và Đảng đã có kết luận về bảo vệ cán bộ năng động sáng tạo dám nghĩ dám làm, đang có hướng mở ra bảo vệ cán bộ, nhưng một bên là một điều khoản luật đang có hiệu lực thi hành rất nghiêm khắc, thì cần rà soát nghiên cứu để làm sao vừa chặt chẽ quản lý, răn đe giáo dục, không để người xấu lợi dụng nhưng cũng tạo điều kiện an tâm cho cán bộ thực hiện nhiệm vụ”, ông Trí nói.

Đinh Phương

Theo Tuổi Trẻ