Cảnh báo con người có thể mắc Covid-19 và cúm cùng một lúc. Tiêm phòng là cách tốt nhất để tránh khỏi thảm họa y tế kép trong khi mở cửa vào mùa đông tới.
Chia sẻ với Zing, giáo sư Martin Michaelis, nhà virus học tại Đại học Kent (Anh), cho biết Việt Nam có thể tham khảo chiến lược tiêm chủng từ Anh để sẵn sàng đối phó trước nguy cơ về “đại dịch kép” trong mùa đông sắp tới.
Miền Bắc Việt Nam đang bước sang mùa đông với khí hậu lạnh ẩm, nhiệt độ thay đổi thất thường, tạo điều kiện thuận lợi cho các loại virus dễ dàng phát triển và lan truyền.
Theo ông Michaelis, giai đoạn này có thể đặc biệt khó khăn vì đây là lần đầu tiên thế giới trải qua tác động kép của cả đại dịch Covid-19 và bệnh cúm.
“Việc mắc đồng thời Covid-19 và bệnh cúm được dự đoán là đặc biệt nghiêm trọng”, ông Michaelis nói.
Tiêm chủng cùng một lúc
Ngay cả trước đại dịch, hệ thống y tế nhiều nước đã quen với việc chịu áp lực đáng kể vào mỗi mùa đông, khi virus có điều kiện lý tưởng để hoạt động. Và khi Covid-19 bùng phát, mùa đông năm nay có thể còn tồi tệ hơn nhiều so với bình thường.
“Mùa đông năm ngoái, phong tỏa và các biện pháp hạn chế khác, ban đầu nhằm mục đích kiểm soát Covid-19, cũng giúp chặn đứng hầu như hoàn toàn sự lây lan của virus cúm”, giáo sư Michaelis cho biết.
Tuy nhiên, tình hình có thể khác khi các nước nới lỏng các lệnh hạn chế và cho phép người dân quay trở lại cuộc sống bình thường. “Giờ đây, các hạn chế đã được nới lỏng, virus cúm sẽ quay trở lại và lây lan”, ông nhấn mạnh.
Hiện tại, biện pháp bảo vệ tốt nhất chống lại bệnh cúm và Covid-19 là chương trình tiêm chủng. Chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam, giáo sư Michaelis cho biết tại Anh, tiêm vaccine Covid-19 và cúm đang được thực hiện cùng một lúc.
“Kế hoạch hiện nay ở Anh là tăng cường tỷ lệ tiêm vaccine Covid-19, đồng thời tiêm phòng cúm”, ông nói. “Những người dưới 16 tuổi và trên 50 tuổi đều có quyền tiêm vaccine cúm miễn phí. Hơn nữa, các nhóm dễ bị tổn thương và người già trên 50 tuổi đã tiêm mũi thứ hai vaccine Covid-19 cách đây hơn sáu tháng sẽ được tiêm thêm mũi tăng cường”.
Tuy nhiên, mọi thứ vẫn có thể còn đáng quan ngại vì một năm không phải đối mặt với bệnh cúm ảnh hưởng đến hiệu quả vaccine, ông Martin Michaelis cho biết.
Virus cúm luôn biến đổi theo thời gian, nên vaccine ngừa cúm cũng cần được xem xét và đôi khi cập nhật các phiên bản mới mỗi năm. Thành phần trong vaccine cúm mới sẽ được quyết định dựa trên việc theo dõi các biến chủng lây lan ở người, bởi hiệu quả của vaccine phụ thuộc vào mức độ phù hợp với virus.
“Tuy nhiên, nếu chúng ta có mức độ lây lan virus cúm rất thấp, việc theo dõi và dự đoán như vậy sẽ trở nên khó khăn, dễ sai sót hơn nhiều”, ông cho hay. “Do đó, nguy cơ cao là vaccine cúm năm nay có thể không hiệu quả như những năm khác. Và nếu vaccine không hiệu quả, sẽ có nhiều trường hợp cúm nặng hơn”.
Ông Michaelis cũng chia sẻ thêm mối lo ngại đặc biệt hiện nay là virus cúm A H3N2. Trong những thập kỷ gần đây, dịch cúm thường do virus cúm A là H3N2, H1N1 và virus cúm B gây ra.
Trong số đó, virus H3N2 gây bệnh nặng nhất. Vì vậy, một sự biến đổi đột ngột ở chủng này cũng sẽ có tác động nghiêm trọng.
Kế hoạch B
Dữ liệu ban đầu từ các bệnh nhân trong thử nghiệm lâm sàng và thí nghiệm trên động vật cho thấy một người có thể đồng thời mắc bệnh cúm và Covid-19. Nhiễm cả hai loại virus sẽ làm tăng nguy cơ ảnh hưởng lâu dài hơn đối với các cơ quan, hệ thống trong cơ thể.
“Hai loại virus có thể gây ra bệnh tật cũng như tỷ lệ tử vong cao hơn so với nhiễm mỗi loại virus”, ông Michaelis nhận định.
Và với nguồn lực y tế có hạn, tình hình có thể nghiêm trọng hơn nếu bệnh viện phải tiếp nhận thêm một lượng bệnh nhân cúm hoặc mắc cả cúm và Covid-19 vào mùa đông này.
Vì vậy, các biện pháp bổ sung có thể được áp dụng để tránh khỏi thảm họa y tế kép. Bên cạnh chiến lược chính là tiêm chủng, tại Anh, hệ thống xét nghiệm, truy vết và cách ly vẫn được duy trì.
Đặc biệt, xét nghiệm được xem là ưu tiên hàng đầu vì đây là cách đáng tin duy nhất để phân biệt Covid-19, cúm và cảm lạnh thông thường, theo giáo sư Michaelis.
Các căn bệnh này xuất phát từ các loại virus khác nhau nhưng thường có những triệu chứng “chồng chéo” tương tự nhau như ớn lạnh, sốt, ho, đau nhức cơ thể và nhức đầu.
“Trên thực tế, những triệu chứng này là do phản ứng miễn dịch gây ra chứ không phải do chính virus gây ra. Biến chủng Delta dường như còn có triệu chứng giống với bệnh cảm lạnh thông thường hơn hẳn các chủng khác, nhất là ở trẻ em và thanh niên”, ông nhấn mạnh. “Vì vậy, những người có biểu hiện về bệnh đường hô hấp nên làm xét nghiệm Covid-19 để tránh vô tình lây lan”.
Điều này có thể khiến đại dịch tiếp tục lan rộng khi những người đã tiêm chủng vẫn có thể mắc Covid-19, gọi là trường hợp “lây nhiễm đột phá”, và lây lan trong cộng đồng mà không hề hay biết.
Giáo sư Michaelis chia sẻ chính phủ và người dân cần cảnh giác bởi đây là mùa đông đầu tiên con người chịu tác động từ cả dịch cúm và Covid-19, vì vậy vẫn chưa rõ các biện pháp trên đã đủ để ngăn chặn làn sóng dịch mới chưa.
Và nếu điều này là không đủ, hệ thống y tế vẫn có nguy cơ bị quá tải nghiêm trọng, nước Anh sẽ tính đến “Kế hoạch B”. Các hạn chế sẽ quay lại như cảnh báo nguy cơ gia tăng, bắt buộc đeo khẩu trang ở những nơi có rủi ro lây nhiễm cao, làm việc tại nhà và yêu cầu giấy chứng nhận vaccine ở nhiều địa điểm như hộp đêm.
“Tôi nghĩ sẽ an toàn hơn nhiều nếu đảm bảo giữ khoảng cách ở một mức độ nào đó, đeo khẩu trang và tránh tới những không gian đông đúc, thông gió kém”, ông Michaelis cho biết. “Tôi cho rằng tất cả cá nhân nên đóng vai trò trong việc chống lại Covid-19, bệnh cúm và các bệnh hô hấp khác bằng cách hành động có trách nhiệm”.
Lan Phương
Theo Zing