Đây là quan điểm của PGS.TS Trần Đình Thiên, chuyên gia kinh tế, tại Hội nghị phát động mở lại hoạt động du lịch: Việt Nam – Trải nghiệm trọn vẹn.

Trao đổi với phóng viên, ông Thiên nhận xét Việt Nam mở cửa có phần bị động và thiếu chiến lược dài hạn. Điều này ảnh hưởng đến việc đón khách hiệu quả.

Cần tự tin hơn

Chuyên gia này nhấn mạnh Việt Nam có đủ yếu tố để tự tin mở cửa, đặc biệt khi Việt Nam là một trong những quốc gia “tiêm vaccine giỏi nhất”. Khí thế của các doanh nghiệp trong nước đang hừng hực. Điều còn thiếu là một lời khẳng định đến thế giới rằng Việt Nam là điểm đến an toàn.

“Chúng ta thiếu chủ động trong việc mở cửa. Doanh nghiệp trong nước áp lực chuyện mở cửa, đề xuất lên trên thì bắt đầu làm.

Chúng ta cần tận dụng được thời cơ, khẳng định vị thế Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới. Phải tính đến quan hệ lợi ích và chi phí, phải bỏ chi phí trước để thu về lợi ích sau này”, ông Thiên nói.

du lich viet nam anh 1

Việt Nam có nhiều lợi thế để tự tin mở cửa du lịch nhưng hành động vẫn thiếu quyết đoán, chưa chủ động là nhận xét của PGS.TS Trần Đình Thiên. Ảnh: Quốc Nam.

Chuyên gia này cũng nhắc lại câu chuyện miễn thị thực cho 13 quốc gia và thời hạn lưu trú chỉ 15 ngày. Ông đặt câu hỏi vì sao chỉ có 15 ngày? Đây là quãng thời gian quá ngắn so với lịch trình du lịch của khách nước ngoài, đặc biệt khách hưu trí đến từ châu Âu. Họ có thể đi du lịch cả tháng.

Ông Thiên muốn Việt Nam cần mở cửa mạnh dạn hơn. Vì dù có mở cửa như trước dịch, lượng khách thực tế tới Việt Nam cũng chỉ được 25-30% so với trước. Do đó, việc mở rộng chính sách miễn thị thực với nhiều quốc gia khác sẽ tốt hơn trong việc nâng cao vị thế của Việt Nam.

Hàng không muốn nhiều hơn

Dù đường bay quốc tế đã mở lại, nhiều người trong ngành nhận xét như vậy là chưa đủ. Bà Nguyễn Thị Lê Hương – Phó tổng giám đốc Vietravel – cho biết tần suất các chuyến bay còn ít. Mặt khác, chính sách kiểm dịch vẫn còn có thể thông thoáng hơn nhằm thu hút sự quan tâm từ du khách quốc tế.

“Chính phủ cần xem xét bình thường hoá dịch bệnh. Khách trên các chuyến bay không cần xét nghiệm Covid-19. Làm như vậy sẽ tạo thế cân bằng giữa khách nội địa và khách quốc tế”, bà Hương nói.

du lich viet nam anh 2

Tần suất các chuyến bay và quy định kiểm dịch vẫn cần cải thiện. Ảnh: Hoàng Hà.

Tại cuộc trao đổi, đại diện Vietnam Airlines cũng nêu quan điểm các hãng hàng không cần kết nối nhiều chuyến bay và mở rộng mạng lưới bay đủ dài, rộng cho nhiều năm. Đây chính là tiền đề để phát triển du lịch bền vững khi hàng không chính là cây cầu kết nối du lịch Việt Nam với thế giới.

Đại diện hãng hàng không chia sẻ đang mạnh dạn đầu tư, khôi phục mạng lưới bay nội địa. Họ kỳ vọng tới mùa đông năm nay sẽ khôi phục toàn bộ đường bay quốc tế và mở thêm đường bay kết nối các điểm du lịch với nhau.

Một trong những thị trường tiềm năng mà hãng quan tâm là Ấn Độ – nơi Vietnam Airlines cũng đã mở đường bay đến. Lý do Ấn Độ được quan tâm là xu hướng du lịch tâm linh đang trở nên thịnh hành. Và cũng trong buổi trao đổi, đại diện hãng đề xuất nên thêm Ấn Độ vào danh sách các nước được miễn thị thực vào Việt Nam.

Trước đó, Đại sứ Việt Nam ở Ấn Độ – ông Phạm Sanh Châu – cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của thị trường này. Ở khía cạnh inbound, Ấn Độ sở hữu tập khách tiềm năng cho những wedding tour (tour du lịch đám cưới) với chi phí lớn.

Thách thức và thuận lợi

Khi bàn đến chuyện mở cửa, vấn đề nguồn lực và chuỗi cung ứng ở Việt Nam sau 2 năm dịch cũng được nhiều bên quan tâm.

Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) nhấn mạnh việc mở cửa du lịch sẽ không dễ dàng. Các chuỗi cung ứng bị đứt gãy, nhân sự du lịch bỏ việc và một cơ chế đồng bộ, toàn diện, an toàn là điều những người đứng đầu ngành đang quan tâm.

du lich viet nam anh 3

Việt Nam đứng trước những thách thức trong việc mở lại nhưng cũng có lợi thế khi chính sách đang ngày một tốt hơn, du khách thế giới muốn đi du lịch lại. Ảnh: Phạm Hà.

Tuy nhiên, giữa những khó khăn đó, Việt Nam cũng có nhiều thuận lợi để triển khai mở cửa du lịch, theo bà Nguyễn Minh Hằng – Trợ lý Bộ trưởng, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Bộ Ngoại giao.

“Xu thế dịch bệnh đã thay đổi và việc coi Covid-19 như bệnh đặc hữu có thể sớm được thực hiện vào quý III-IV năm nay. Nhu cầu du lịch của người dân trên thế giới đang tăng. Đà phục hồi kinh tế trong nước được thúc đẩy mạnh và các phương án mở cửa hiện cũng thông thoáng.

Chúng tôi đang tăng cường cung cấp thông tin về xu hướng du lịch, nhu cầu du lịch ở các nước để giúp Việt Nam nhanh nhạy nắm bắt. Ngoài ra, chúng tôi cũng đẩy mạnh cung cấp thông tin mở cửa du lịch ở Việt Nam với người dân các quốc gia trên thế giới”, bà Hằng nói.

Mia

Theo Zing