(Vtrend.vn) Với việc chuyển đổi Vuivui.com sang Bachhoaxanh.com, nhiều quan điểm cho rằng MWG đang tái cơ cấu lại bộ máy để tối ưu hóa chi phí, và Vuivui.com được “tận dụng” cho chiến lược phát triển Bách Hoá Xanh
Mới đây, kênh thương mại điện tử VuiVui.com của Thế Giới Di Động (MWG) phát đi thông báo: “Từ 18:00 ngày 27/11/2018, Vuivui.com sẽ chuyển thành Bachhoaxanh.com”. Đồng thời, Vuivui.com cũng tự động chuyển sang trang Bachhoaxanh.com. Như vậy, có thể MWG đã chính thức dừng hoạt động thương hiệu Vuivui.com của mình, một dự án mới chỉ có 2 năm tuổi đời và thậm chí còn chưa nhân rộng ra cả nước.
Trên thực tế, kết thúc này không quá bất ngờ với dư luận khi thông tin Vuivui.com dự kiến đóng cửa do tình trạng thua lỗ kéo dài đã có vài tháng trở lại đây. Ghi nhận từ giới quan sát, Vuivui.com trước đó đã ngưng hợp đồng với các đối tác liên quan và “rò rỉ” thông tin sẽ đóng cửa vào cuối tháng 10/2018, nguyên nhân được cho là thua lỗ kéo dài, thậm chí mức thua lỗ đến nay đã lên hàng trăm tỷ đồng.
Lúc bấy giờ, Vuivui.com vẫn còn phản hồi người tiêu dùng, và khẳng định chỉ chuyển đổi danh mục sản phẩm, tập trung đẩy mạnh mặt hàng FMCG. Song, đến nay việc Vuivui.com được thay thế hoàn toàn bằng Bachhoaxanh.com có lẽ là kết thúc thực sự cho thương hiệu này.
Thông báo từ MWG.
Từng là một bước đi có tính toán và đầy rẫy “tham vọng”
Xuất hiện vào khoảng cuối năm 2016, ngay thời điểm của cơn sốt thương mại điện tử (TMĐT) lên cao, Vuivui.com mang tham vọng của người cầm trịch xâm chiếm vào thị trường tỷ đô với danh mục 50.000 sản phẩm khác nhau.
Như vậy, Vuivui.com là một quyết định đầu tư có tính toán khi nhiều dự đoán cho thấy mảng B2C (Business to customer) nước ta thậm chí tăng lên hàng chục tỷ đô sau vài năm tới. Hiện, quy mô thị trường TMĐT Việt Nam đang vào khoảng 5 tỷ USD, trong 4 năm tới con số này được dự đoán có thể đạt 10 tỷ USD, giới chuyên gia cho hay.
Bộ Công Thương cũng nhận định đến năm 2020 quy mô thị trường bán lẻ trực tuyến sẽ đạt 10 tỷ USD, chiếm khoảng 5% thị trường bán lẻ Việt Nam. Hiện thị phần TMĐT chủ yếu tập trung tại Hà Nội và Tp.HCM với 75%, 61 tỉnh, thành còn lại chỉ chiếm 25%. Trong vòng 3-5 năm tới, nếu thị trường tại những tỉnh, thành lân cận phát triển thì quy mô TMĐT Việt Nam có thể tăng 5 lần, mở ra cơ hội cho hàng loạt nhà bán lẻ cạnh tranh mở rộng thị phần.
Không phủ nhận, trong buổi chia sẻ đầu tư cuối năm 2017, ông Tài khẳng định mạnh mẽ: “Theo ước tính, quy mô thị trường bán lẻ online đang chiếm khoảng 5% trong tổng ngành bán lẻ, kỳ vọng vài năm tới sẽ lên đến 20% và Thế Giới Di Động không muốn nằm ngoài cuộc chơi này. Website thương mại điện tử Vuivui.com ra đời nhằm thực hiện mục tiêu đó và với tham vọng trở thành trung tâm TMĐT online số 1 Việt Nam”.
Có thể thấy, Vuivui.com là một bước đi theo xu thế, thời buổi đầu chủ yếu bán những mặt hàng hiện có của Tập đoàn bao gồm điện tử, điện máy… và phần còn lại là các mặt hàng quy mô nhỏ sẽ được ký kết riêng với các doanh nghiệp. Theo giới quan sát, Vuivui.com lúc bấy giờ là chiến lược để MWG gom khách hàng online của mình, song song với offline.
Sang năm 2018 Vuivui.com mở rộng ra sản phẩm thời gian và mỹ phẩm, mục tiêu “đưa dịch vụ khách hàng của Vuivui.com lên vị trí số một trong lĩnh vực TMĐT”. Chủ tịch MWG thậm chí từng kỳ vọng mảng này sẽ vượt doanh thu Thế Giới Di Động trong vòng 5 năm tới. Tuy nhiên, đến nay kết cục Vuivui.com có lẽ nằm ngoài dự kiến ban lãnh đạo.
Những kết thúc chóng vánh
Và trong sân chơi ấy, không ít trang TMĐT tại Việt Nam đã đóng cửa sau một thời gian hoạt động. Ghi nhận năm 2015, hàng loạt tên tuổi như Beyeu.vn, Deca.vn, Cucre.vn… chia tay thị trường vì không thể chịu nổi áp lực cạnh tranh. Tháng 8/2016, Website Lingo.vn đình đám một thời cũng dừng cuộc chơi với khoản lỗ 150 tỷ đồng, chưa kể đến những doanh nghiệp nhỏ đến đi lặng lẽ không ai hay biết.
Không chỉ doanh nghiệp nội, thậm chí thương hiệu TMĐT nước ngoài cũng phải nhượng lại do thua lỗ, đơn cử có Rocket Internet – chủ sở hữu Zalora Việt Nam đã bán lại sàn này cho Central Group (Thái Lan) vào tháng 4/2016, Lazada tại Đông Nam Á cũng chịu chung số phận khi phải bán lại phần lớn cổ phần cho hãng Alibaba của Trung Quốc với giá 1 tỷ USD…
Mỗi câu chuyện có một nguyên nhân, song nhìn chung thì phần lớn thất bại so cạnh tranh về giá, dịch vụ, tính đa dạng danh mục sản phẩm, thậm chí là chất lượng cuối cùng đến tay người tiêu dùng… và mọi thứ này dẫn đến một yếu tố lớn chính là nguồn vốn. Miệt mài đầu tư thu hút khách, nhiều đơn vị sau đó rơi vào khủng hoảng vốn, thua lỗ nặng nề, đặc biệt là các doanh nghiệp tiềm lực tài chính không đủ mạnh.
Dang dở tham vọng là số 1 thị trường TMĐT tỷ đô
Giao diện Bachhoaxanh.com, được chuyển đổi từ Vuivui.com.
Và với Vuivui.com cũng không thoát khỏi “vết xe đổ” của những thương hiệu trước đó, đến đi chóng vánh sau chưa đầy 2 năm hoạt động. Như đã đề cập, hầu hết sản phẩm Vuivui.com đều là từ Tập đoàn tức danh mục không quá đa dạng, Vuivui.com duy trì một đội ngũ giao hàng được đánh giá tốt tức chi phí đầu tư sẽ cao, hơn nữa mức giá sản phẩm điện tử theo một số phản hồi cao hơn so với nhiều website khác… là những nguyên nhân cân nhắc dẫn đến kết cục hôm nay của Vuivui.com. Tình hình kinh doanh năm 2017 cũng khá khiêm tốn với doanh thu chỉ hơn 70 tỷ đồng, tương đương 0,1% doanh thu Tập đoàn.
Hơn hết, một trong những vấn đề lớn mà Vuivui.com gặp phải có lẽ là vốn! Đồng ý MWG là doanh nghiệp có tiềm lực tài chính khá tốt, tuy nhiên hiện Công ty đang dồn lực cho cuộc chơi Bách Hóa Xanh, như vậy chuyện phân tán nguồn lực cho một lúc hai sân chơi “máu mặt” là điều không thể.
Chưa kể, Bách Hóa Xanh hiện cũng đang chịu áp lực khá lớn về chi phí, bao gồm triển khai mô hình mới, thiết lập mặt bằng. Đặc biệt, phát hiện và sửa sai vào tháng 4 năm nay, mặc dù có nhiều chuyển mình tích cực, song Bách Hóa Xanh vẫn còn trong giai đoạn thử nghiệm.
Việc rà soát để đóng các cửa hàng không đạt kết quả kinh doanh như kỳ vọng kể từ cuối tháng 8/2018, quyết định này tức thời này sẽ làm tăng chi phí cho Bách Hóa Xanh và phần nào ảnh hưởng đến biên lợi nhuận ròng của cả Tập đoàn (do bồi thường trả mặt bằng và khấu hao phân bổ của các cửa hàng đóng cửa sẽ ngay lập tức chuyển thành chi phí).
Trở lại với việc chuyển đổi Vuivui.com sang Bachhoaxanh.com, nhiều quan điểm cho rằng MWG đang tái cơ cấu lại bộ máy để tối ưu hóa chi phí, và Vuivui.com được “tận dụng” cho chiến lược phát triển Bách Hóa Xanh. Điều này trước đó đã được manh nha khi Vuivui.com chuyển đổi sản phẩm.
Bởi, mặc dù đánh giá cao thị trường TMĐT và tham vọng lớn, song ông Tài cũng thể hiện sự không chắc chắn về tính thành công của Vuivui.com bởi “Website này vẫn đang trong quá trình khởi nghiệp, phải mất từ 1-2 năm nữa mới có thể nói chuyện thành bại”, vị này từng nói. Đến nay sau 2 năm, có lẽ người đứng đầu MWG vẫn còn dang dở tham vọng là số 1 thị trường TMĐT tỷ đô.
Đinh Phương
Theo cafef.vn