(Vtrend.vn) Lần đầu tiên trong cả nước, Sở Y tế TP.HCM là đơn vị đi đầu trong việc lập đề án thành lập trung tâm điều hành thông minh nhằm khắc phục những hạn chế trong bối cảnh cấp cứu ngoại viện đang quá tải hiện nay.

 

Một vụ tai nạn giao thông trên đường Trường Sa, TP.HCM, nạn nhân được xe cấp cứu đưa đi bệnh viện – Ảnh: CHÂU ANH

Trung tâm này sẽ vận hành như thế nào? Người bệnh được thụ hưởng những gì khi trung tâm đi vào hoạt động?

Trao đổi với Tuổi Trẻ về vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Duy Long – giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 (thuộc Sở Y tế TP.HCM) – nói: Với nhu cầu cấp cứu lớn như hiện nay, đặc biệt ở TP.HCM thì trung tâm đang khoác trên mình “chiếc áo” quá chật. 

Do đó, ý tưởng thành lập trung tâm điều hành thông minh (TTĐHTM) cũng xuất phát từ thực tế về quản lý hệ thống cấp cứu thông minh nhằm đáp ứng nhu cầu về cấp cứu người bệnh.

“Áo mới” cho cấp cứu

BS Nguyễn Duy Long – Ảnh: H.L.

– Trung tâm được phân công chức năng, nhiệm vụ quản lý toàn bộ mạng lưới cấp cứu trên toàn địa bàn TP. 

Đến thời điểm này, mạng lưới cấp cứu gồm có một trung tâm và 24 trạm vệ tinh ở các bệnh viện với trên 70 xe cấp cứu các loại phủ khắp các quận, huyện TP.

Mạng lưới rộng lớn là vậy, tuy nhiên cách thức quản lý hiện nay theo kiểu thủ công, lạc hậu. Ví dụ điển hình cho việc này là khâu điều phối. Đó là khi người dân gọi cấp cứu tới trung tâm, bộ phận tiếp nhận phải ghi thông tin vào giấy rồi mới chuyển cho êkíp cấp cứu. 

Còn ở các trạm cấp cứu vệ tinh lại càng rắc rối, tiếp nhận thông tin người bệnh từ trung tâm họ phải thực hiện thêm thao tác chuyển cho điều dưỡng của trạm. Từ đó thông tin mới đến được êkíp cấp cứu. 

Chính sự thủ công này làm mất rất nhiều thời gian, công sức của cả nhân viên y tế và người bệnh.

“Năm 2017 trung tâm nhận được gần 21.000 cuộc gọi, tương đương 57 cuộc gọi/ngày. Trung tâm tiến hành xuất gần 15.000 lượt xe với trên 12.000 bệnh nhân

BS Nguyễn Duy Long

* Vậy thưa ông, đến thời điểm này “chiếc áo mới” đang được triển khai như thế nào?

– Mô hình này được lãnh đạo Sở Y tế rất tâm đắc, ủng hộ triển khai. Tuy nhiên, hiện đang vướng mắc một số vấn đề về cơ chế và kinh phí. 

Với tư cách là đơn vị chủ đầu tư, trung tâm đang khẩn trương phối hợp với các đơn vị tháo gỡ khó khăn, đồng thời lựa chọn đối tác tin cậy thiết kế, lập đề án trình cấp trên phê duyệt.

Trước mắt từ giờ đến cuối năm, đơn vị sẽ ứng dụng công nghệ thông tin kết nối thông minh giữa trung tâm và các êkíp, xe cấp cứu.

* Phương thức vận hành của trung tâm này khi đi vào hoạt động như thế nào, thưa ông?

– Đây là mô hình mới với nước ta, còn trên thế giới được một số nước thực hiện hiệu quả. Mọi hoạt động đều được giám sát, điều hành qua việc ứng dụng công nghệ thông tin. 

Có thể hình dung mô hình TTĐHTM được cấu thành bởi 4 bộ phận chính gồm bệnh nhân, người dân; kíp và xe cấp cứu; bệnh viện, trạm vệ tinh và TTĐHTM là trung tâm có vai trò kết nối, quản lý điều hành các bộ phận trên nhằm mục đích nhanh chóng, hiệu quả nhất.

Theo đó, khi tiếp nhận cuộc gọi của người dân, ngay lập tức mọi thông tin về tên tuổi, tình trạng bệnh, địa chỉ của người bệnh cùng lúc được đồng bộ hóa kết nối với các kíp cấp cứu ở các bệnh viện, trạm vệ tinh. 

Tùy vào từng loại bệnh lý khẩn cấp hay thông thường, trung tâm chủ động điều phối kíp cấp cứu gần nhất đưa bệnh nhân vào bệnh viện hoặc trạm vệ tinh nhanh nhất phù hợp với tình hình bệnh lý.

Đúng bệnh lý, đúng thời điểm, đúng bệnh viện

* Ở TP.HCM mỗi lần cấp cứu sợ nhất kẹt xe. Liệu khi TTĐHTM đi vào vận hành có thể chủ động liên kết với các hệ thống thông minh khác “dò đường” nhằm kịp “giờ vàng” của bệnh nhân?

– Việc thành lập mô hình TTĐHTM là một bộ phận nằm trong chủ trương tổng thể xây dựng TP thông minh. Về lâu dài, các dữ liệu của các sở, ban, ngành đều là dữ liệu mở được mã hóa nên dễ dàng nhận biết điểm kẹt xe, tai nạn, triều cường… 

Dữ liệu này sẽ được đưa vào kho dữ liệu dùng chung và có thể link (liên kết) qua hệ thống, từ đó có thể chủ động giám sát điều chỉnh xe cấp cứu theo phương án tối ưu nhất.

* Ông từng nói rằng thực tế có nhiều người bệnh “làm quá” để được điều xe cấp cứu, trong khi nhu cầu cấp cứu thực sự lại quá tải. Vậy có cách nào để xác định đúng bệnh lý và cấp cứu đúng người?

– Đúng là như vậy. Người trực tổng đài của trung tâm chủ yếu là điều dưỡng nên khi nghe bệnh ra phiếu chưa thể xác định được đúng tính chất bệnh lý. Tính chất cấp cứu ngoài hiện trường, có nhiều trường hợp cố tình gọi “lố” lên để được điều xe cấp cứu nhanh nhất. Nếu đáp ứng tất cả những trường hợp này sẽ bỏ sót nhiều ca bệnh thật sự.

Để khắc phục tình trạng này, hiện có một phần mềm hỏi đáp rất thông minh (ProQA-Professional Question/Answer) đang được nhiều nước sử dụng trong việc cấp cứu ngoại viện, trị giá khoảng 1 triệu USD (tương đương trên 22 tỉ). 

Tiện ích ở chỗ nếu như trước đây phải có lực lượng chuyên môn là điều dưỡng, có khi là bác sĩ nhận chuyển thông tin để đánh giá tư vấn cho người bệnh, nay hệ thống hỏi – đáp này hoàn toàn tự động. 

Hệ thống này sẽ có một loạt câu hỏi dạng “phỏng vấn”, qua cách trả lời hệ thống tự động phân loại bệnh lý một cách khoa học. Ngoài giảm áp lực cho nhân viên, hệ thống phần mềm này giúp xác định đúng người, đúng bệnh lý giúp việc điều xe cấp cứu đến đúng thời điểm và đến đúng bệnh viện.

Nhiều lợi ích cho người bệnh

Theo BS Nguyễn Duy Long, ngoài các tiện ích, trung tâm này sẽ mang lại các lợi ích:

1 Tiết kiệm nhiều thời gian bằng việc bớt các khâu thủ tục nâng cao chất lượng phục vụ, đặc biệt tranh thủ được “thời gian vàng” trong việc cấp cứu cho người bệnh. Ngược lại, thông qua hệ thống thông minh này người dân có thể giám sát được hoạt động của mạng lưới cấp cứu.

Trung tâm này giúp kiểm soát được toàn bộ hệ thống gồm êkíp cấp cứu nào đang rảnh hoặc bận, xe cứu thương di chuyển tới đâu và trong khoảng bao nhiêu phút đến nơi giúp chủ động trong điều phối, tránh tình trạng thất thu tiền xăng bởi xe đến thì người bệnh đã thuê xe khác.

3 Khi dữ liệu được số hóa, việc thống kê các ca cấp cứu trên địa bàn TP khá nhanh gọn để tham mưu cho Sở Y tế trong việc phân bố trạm vệ tinh phù hợp.

Theo Tuổi Trẻ

Minh Xuân