(Vtrend.vn) Đã có hàng loạt cơ sở sản xuất vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP), bị cơ quan chức năng đấu tranh phát giác trong những năm qua. Vậy nhưng, việc làm đó chẳng khác nào “đá ném ao bèo”, thực phẩm bẩn vẫn ngang nhiên tồn tại trên thị trường đe dọa tính mạng và sức khỏe người tiêu dùng. Đâu là giải pháp toàn diện và lâu dài cho mỗi người, mỗi nhà được sử dụng thực phẩm sạch, an toàn, để không còn nỗi lo, bất an về thực phẩm bẩn như hiện nay?

Ảnh minh họa. Nguồn: interrnet

Những “lỗ hổng”chết người

Quản lý ATTP hiện nay được thực hiện bởi các cơ quan liên quan, như Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT). Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều không có nghĩa đã “chặt” bởi hiện nay vẫn còn tồn tại quá nhiều kẽ hở trong công tác quản lý để các đối tượng kinh doanh thực phẩm lợi dụng gây hại cho người tiêu dùng.

101 kiểu biến hóa

Ăn gì để không nguy hại đến sức khỏe, là câu hỏi thường trực hiện nay của mỗi người tiêu dùng khi mà “cơn bão” thực phẩm bẩn đã và đang hoành hành. Thực phẩm bẩn thật sự đang trở thành nỗi ám ảnh trên bàn ăn của nhiều người dân Việt.

Theo quan sát của phóng viên tại một số cơ sở sản xuất thực phẩm, như làng làm bánh mứt kẹo Xuân Đỉnh ở quận Bắc Từ Liêm, hay làng miến Cự Đà ở huyện Thanh Oai (Hà Nội)… khu vực sản xuất thực phẩm của nhiều cơ sở đặt gần khu vực chăn nuôi, không bảo đảm vệ sinh. Trong khi sản phẩm để trực tiếp trên nền đất, hay phơi vào phên tre, nứa bên lề đường bụi bặm và gần cống rãnh thoát nước thải chưa có nắp đậy, gây ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan. Nhiều cơ sở, người trực tiếp tham gia sản xuất không đội mũ che tóc, không đeo khẩu trang, hay găng tay…

Nằm cách khá xa khu dân cư, khu giết mổ gia súc, gia cầm Xuân Tiến, huyện Kim Bảng (Hà Nam) được xem là “an toàn” khi ít người qua lại. Thế nhưng, khi công việc giết mổ các loại gia súc kết thúc, phục vụ cho các tiểu thương cho một ngày mới là việc chế biến mỡ bẩn diễn ra công khai, không bị phát hiện. Theo đó, tại cơ sở này hàng chục bao tải chứa mỡ bẩn đã bốc mùi hôi thối đang tồn kho, chờ ngày xuất xưởng. Các loại móng chân trâu, bò, xương gia súc nằm ngổn ngang, chất đống cũng chờ ngày chuyển đi tiêu thụ. Qua tìm hiểu phóng viên được biết, số lượng hàng này, sẽ được bán lại cho một cơ sở chế biến thực phẩm ở quận Hoàng Mai, Hà Nội.

Những thủ đoạn chế biến thực phẩm bẩn mà người tiêu dùng không thể tưởng tượng được, như sản xuất dầu ăn từ lốp xe, tẩy trắng dừa xiêm bằng nước javen hay nuôi lợn, nuôi cá bằng thức ăn tăng trọng, nước thải… đã được lực lượng chức năng phát hiện gần đây thật sự là nỗi hãi hùng. Ông Hồ Quang Thái, Chánh Văn phòng Quỹ chống hàng giả nêu thực trạng: Đơn cử như chúng tôi kiểm tra ở chợ Kim Biên, TP Hồ Chí Minh thấy bày bán hóa chất một cách công khai các chất kích thích cây cối mọc nhanh, tẩy hàng ôi thiu, hương liệu pha chế đồ uống… Hay các tư thương dùng hóa chất để ướp tẩm thực phẩm như măng, biết là rất hại cho sức khỏe con người nhưng khi bắt giữ người sai phạm thì không xử lý được vì chưa có chế tài.

Lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, theo Nghị quyết của Quốc hội, vấn đề ATTP là một trong hai vấn đề đang được giám sát quốc gia, được quan tâm ở các cấp. Bộ Y tế là một trong những đơn vị tham gia vào đoàn giám sát các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, đặc biệt là cơ sở giết mổ (lợn, bò, gà…). Qua thực tế kiểm tra cho thấy, nếu vẫn còn những cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ thì việc không an toàn vẫn còn tiếp tục xảy ra. Một số địa phương đã làm được bước đầu về ô nhiễm môi trường nhưng ATTP thì chưa. Vấn đề truy xuất nguồn gốc và thu hồi chưa nghiêm. Vấn đề ATTP ngoài bản thân trách nhiệm người sản xuất, kinh doanh thực hiện nghiêm túc nếu không có địa phương vào cuộc thì không thể nào giám sát được.

Thanh, kiểm tra như “cưỡi ngựa xem hoa”

Có thể nói, thời gian qua vấn đề sản xuất thực phẩm an toàn, đạt tiêu chuẩn chất lượng đang được Chính phủ đẩy mạnh, bước đầu ghi nhận một số kết quả khả quan khi các vùng trồng trọt rau, củ, quả được áp dụng theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt). Tuy vậy, những cơ sở này còn quá ít so với quá nhiều cơ sở làm ăn bát nháo, chộp giật, cộng thêm đó là công tác kiểm tra giám sát, xử lý vi phạm ATTP của cơ quan chức năng còn lỏng lẻo, tạo kẽ hở cho các đối tượng kinh doanh thiếu lương tâm lợi dụng.

Thực tế thời gian qua, việc xử lý dứt điểm một số tồn tại như lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh trong sản xuất nông sản, thủy sản; giết mổ không bảo đảm vệ sinh của Bộ NN&PTNT còn chậm. Đơn cử như nạn thuốc bảo vệ thực vật chứa hai hoạt chất cực độc là 2.4D và Paraquat được bày bán tràn lan, ảnh hưởng tới sức khỏe người dân lâu nay, nhưng chỉ mới đây, Bộ NN&PTNT mới ban hành quyết định loại bỏ thuốc khỏi danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam. Song, ngay sau quyết định loại bỏ, Bộ này lại cho phép nhập khẩu, sản xuất tối đa trong một năm nữa và được buôn bán, sử dụng thêm tối đa trong hai năm. Điều đó đồng nghĩa mỗi năm vẫn còn người tiêu dùng thực phẩm bị ảnh hưởng nghiêm trọng do chất độc này.

Ngoài trách nhiệm của Bộ NN&PTNT trong việc quản lý khâu sản xuất, nuôi trồng, trách nhiệm của Bộ Công thương trong lưu thông hàng hóa tại các khu chợ cũng cần được kiểm soát chặt trong bối cảnh hiện nay. Song thực tế cho thấy hiện công tác thanh, kiểm tra chất lượng thực phẩm còn bị bỏ ngỏ. Theo đó, trong các đợt kiểm tra liên ngành, phần lớn là kiểm tra các mặt hàng quầy bán thức ăn, nhãn mác hàng hóa, thịt, còn các mặt hàng như hải sản tươi sống, rau, củ quả, trái cây hầu như ít được kiểm tra. Ngoài ra, mỗi ngày, bình quân một chợ tiếp nhận hàng vài chục tấn rau quả, tập trung vào sáng sớm và được phân phối trong vài giờ đồng hồ nên việc kiểm tra, kiểm soát hầu như chỉ qua loa, đại khái.

Chưa kể, theo phân công trách nhiệm, UBND cấp xã, phường là đơn vị trực tiếp quản lý công tác ATTP tại cơ sở, nhưng hiện nay, hầu hết các cấp xã, phường không được trang bị dụng cụ, trang thiết bị kiểm tra nhanh thực phẩm nên việc đánh giá thực phẩm ở các hàng rong, vỉa hè, cơ sở sản xuất nhỏ lẻ chỉ bằng mắt thường. Sở dĩ như vậy, là do các thiết bị test nhanh khá đắt đỏ, một bộ kit tổng hợp 16 chỉ tiêu có giá trên 10 triệu nên không thể trang bị cho từng địa phương, bộ, ngành. Tại quận Thanh Xuân, Hà Nội, hiện mới chỉ có một số thiết bị thử nhanh salbutamol trong thịt, hàn the trong giò chả, còn lại nếu không đem mẫu đi xét nghiệm thì chủ yếu chỉ có thể kiểm tra bằng mắt thường. Do đó, việc xác định cơ sở sản xuất có vi phạm về ATTP hay không để xử phạt rất khó khăn.

Theo Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Oai (Hà Nội) Đỗ Thị Kim Dung, một bất cập nữa đang tồn tại là, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm ở xã, thị trấn ngày càng phát triển về số lượng và quy mô, song tổ chức bộ máy quản lý về ATTP tuyến xã chưa đồng bộ, lực lượng mỏng, nhân sự quản lý không có chuyên môn và thường là kiêm nhiệm nên còn ngại trong xử lý vi phạm…

Theo ý kiến của bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Chi Đông, huyện Mê Linh (Hà Nội), việc kiểm tra mới dừng ở “phần ngọn”, chủ yếu bằng cảm quan đối với một số quy định về điều kiện sản xuất, kinh doanh. Phần quan trọng nhất là kiểm tra chất lượng, truy xuất nguồn gốc xuất xứ các mặt hàng vẫn chưa làm được. Đặc biệt, khi xác định sản phẩm có dấu hiệu vi phạm, Đoàn kiểm tra gặp khó khăn trong việc lấy mẫu và gửi đi xét nghiệm, dẫn tới lúng túng trong xác định vi phạm, nên khó xử lý… Do vậy, để hạn chế nạn thực phẩm bẩn đe dọa người dân, các cơ quan chức năng cần vào cuộc quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa, tránh tình trạng “cưỡi ngựa xem hoa” khi thanh, kiểm tra.

Theo tapchitaichinh.vn

Minh Xuan.