Sau thời gian triển khai tái khởi động để kích cầu du lịch nội địa hậu COVID-19, lượng du khách tại các điểm tham quan đã tăng mạnh.

Với hàng loạt giải pháp cho kích cầu du lịch nội địa như giảm từ 40-60% giá tour tuyến, liên kết 3 đầu lữ hành – vận tải (hàng không và đường bộ) – cơ sở lưu trú… hiện các điểm đến trong nước, lượng khách mua tour đã tăng lên thấy rõ.

“Lỗ cũng bán để kích cầu du lịch nội địa”

Du lịch được xem là ngành kinh tế mũi nhọn, tạo ra doanh thu và thúc đẩy sự giao lưu văn hóa, xã hội cho đất nước, tuy nhiên lại là lĩnh vực chịu tác động đầu tiên và thiệt hại nặng nề từ đại dịch COVID-19. Hiện tại, tình hình dịch bệnh tại Việt Nam đang được kiểm soát tốt, người dân và các doanh nghiệp đang thiết lập trạng thái “bình thường mới”, du lịch lại là ngành có khả năng khôi phục nhanh, góp phần thúc đẩy các ngành khác cùng khôi phục và phát triển nên đã và đang được tái khởi động.

Sau thời gian ngủ đông do dịch COVID-19, du lịch các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã bắt đầu có du khách trở lại.

Tuy nhiên, tình hình dịch COVID-19 tại nhiều quốc gia trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp. Nhiều quốc gia như Mỹ, Anh, Pháp, Nhật, Hàn… đều tuyên bố không mở cửa đón du khách ít nhất là đến cuối năm 2020 hoặc cho đến khi kiểm soát được dịch bệnh.

Trong bối cảnh ấy, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã ban hành Kế hoạch số 1749/KH-BVHTTDL phát động Chương trình Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam từ ngày 1/6 đến ngày 31/12/2020. Đây là giải pháp nhằm kích cầu du lịch nội địa, tạo điều kiện để người dân du lịch tới các vùng miền trong cả nước trong bối cảnh bình thường mới sau dịch COVID-19.

Thực tế, không đợi chương trình Người Việt Nam du lịch Việt Nam được kích hoạt. Từ giữa tháng 4-12/2020, để kích cầu du lịch nội địa, các ngành gồm lữ hành, lưu trú, hàng không, thậm chí các điểm tham quan cùng nhau giảm giá. Việc liên kết giảm giá đồng loạt như thế dẫn đến giá tour du lịch nội địa hiện nay được các hãng chào báo giảm từ 40-60%, nhiều tuyến bay có giá vé 0 đồng hay những combo du lịch giá siêu rẻ như tour Phú Quốc 3 ngày một đêm bao ăn ở, vé tàu giá 1,9 triệu; Đà Nẵng có combo 4 ngày 3 đêm bay Việt Nam Airlines, ở khách sạn 4 sao, ngày 3 bữa ăn với giá 2,9 triệu….

“Đối với doanh nghiệp, sau thời gian doang thu bằng không nhưng vẫn phải chi trả lương, các loại phí vận hành, giá tour giảm từ 40-60% so với những ngày trước dịch COVID-19 này khiến doanh nghiệp gần như hòa vốn, thậm chí là bán lỗ vốn. Tuy nhiên, dù lỗ, các doanh nghiệp vẫn phải bán cũng như cố gắng nắm tay kết hợp với nhau kích thích du khách mua tour và đi du lịch. Nếu không, thời gian tới, tình hình doanh thu du lịch càng bất ổn hơn”, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Thường Trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam phát biểu tại cuộc tọa đàm Kích cầu du lịch tại Phú Quốc (Kiên Giang) ngày 19/5/2020. Ông Bình nói thêm: “Với các gói kích cầu như hiện nay, du lịch trong nước chưa bao giờ rẻ đến vậy”.

Chị Thúy Minh, nhà ở quận 7, TP HCM đang tham gia tour 3 ngày 2 đêm tại Phú Quốc chia sẻ: “Sau thời gian giãn cách xã hội, cả nhà đêu cuồng chân và đều muốn đi đâu đó. Song phần sợ dịch bệnh, phần lo lắng chi phí quá cao nên phải khi đọc thông tin về chương trình tour Phú Quốc 3 ngày 2 đêm bao gồm vé máy bay, khách sạn 5 sao, ăn ngày 3 bữa, tôi đã đăng ký tour cho cả 4 thành viên trong gia đình”. Theo chị Minh, việc lựa chọn du lịch trong thời điểm này khiến gia đình chị giảm khá nhiều chi phí cũng như không phải chen chúc trong biển người hay những hàng dài dằng dặc chờ đến lượt chơi trò chơi tại các khu du lịch.

Lượng khách tăng dần ở các điểm đến

Bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh, Phó Giám đốc Ban Tiếp thị và Truyền Thông Vietravel cho biết trước khi mở cửa hoạt động lại tất cả các văn phòng đại diện, công ty đã xác định sau dịch, 3 xu hướng du lịch sẽ lên ngôi là du lịch ở quãng đường gần với phạm vi dưới 300 km, du lịch theo nhóm nhỏ giữa các thành viên trong gia đình và du lịch cá nhân nên chào bán hàng loạt tuyến tour có quãng đường ngắn với mức giá giảm từ 40-60%. Sau 2 tuần tái hoạt động, hiện lượng khách giao dịch tại các văn phòng đại diện hay trên website đều gia tăng thấy rõ.

Công ty TST Tourist cho biết bắt đầu nhận đơn đặt hàng thiết kế tour dưới 30 người cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ theo hình thức phân phòng (mỗi phòng ban đi một đợt với số lượng từ 15-30 người). Đại diện Lữ hành Fiditour cho biết hãng nhắm đến thị trường du lịch tự chọn Free&Easy và đã có những con số khả quan.

Ông Nguyễn Ngọc Tấn, Giám đốc Công ty Vận chuyển Du lịch Saco Saigon hồ hởi: “Sau khi công bố rộng rãi các chương trình kích cầu, lượng xe được thuê của công ty đã được 70-80%: “Không vận hành được như những ngày trước dịch COVID-19, nhưng đây là tín hiệu du lịch Việt đang khởi sắc”, ông Tấn bộc bạch.

Ông Phạm Minh Sáng, Phó Giám đốc làng du lịch Mỹ Khánh (Cần Thơ) cho biết, dịp lễ 30/4 lượng khách đến đây hơn 8.000 người. Từ đầu tháng 5, tuy lượng khách không đổ về ào ạt như dịp lễ nhưng tăng dần đều. Cũng tại Cần Thơ, loại hình du lịch cộng đồng ở Cồn Sơn ghi nhận lượng khách bắt đầu tăng. Khách đến cồn Sơn đều tham gia trải nghiệm buffet bánh, vào vườn hái trái, ngắm cá lóc nhảy…

Tại chợ đêm Phú Quốc, tuy còn khoảng 1/2 các gian hàng chưa mở cửa phục vụ nhưng lượng du khách đến tham quan đã khá đông. Vào những tối cuối tuần, con số này có thể lên đến hàng ngàn. Các điểm tham quan nổi tiếng của đảo ngọc như Dinh Cậu, suối Tranh, trại giam Phú Quốc… cũng tiếp đoán nhiều đoàn du khách đến tham quan.

Các điểm du lịch tại các tỉnh miền Trung như Bình Định, Quy Nhơn cũng ghi nhận lượng khách đổ về khá đông. Hôm nay, 22/5, Du lịch Khánh Hòa phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hiệp hội Du lịch Nha Trang – Khánh Hòa đã tổ chức họp báo công bố chương trình kích cầu du lịch tỉnh Khánh Hòa năm 2020. Với tín hiệu khả quan từ các hãng lữ hành và các điểm đến, cùng sự chung tay của các Hiệp hội Du lịch Việt Nam và Hiệp hội Du lịch các tỉnh thành, du lịch Việt có thể đang dần thấy “sinh cơ”.

Tại hội Tại Hội nghị bàn Giải pháp thúc đẩy du lịch nội địa và phục hồi du lịch quốc tế hậu Covid-19 chiều 21/5, nhiều doanh nghiệp và các chuyên gia du lịch đưa ra kiến nghị cho học sinh-sinh viên nghỉ hè đến hết tháng 9. TS. Trần Đình Thiên đặc biệt ủng hộ đề xuất này và mong rằng Bộ VH-TT&DL kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ có ý kiến với Bộ Giáo dục đào tạo cho học sinh nghỉ hè thêm một tháng, bởi một tháng không chỉ giúp phục hồi riêng ngành du lịch mà cho cả nền kinh tế.

 

Huỳnh Phúc