Cô gái 23 tuổi, trú Thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) vừa bị bắt giữ khi đang đi giao trà sữa pha lẫn với ma túy. Vụ việc khiến dư luận bất an và lo lắng, nhất là các bậc phụ huynh, vì trà sữa là loại thức uống được con em mình vô cùng ưu thích, phổ biến hiện nay.
Như Lao Động đã đưa tin, trưa 19.4, Phòng Cảnh sát điều tra (CSĐT) tội phạm về ma túy, Công an tỉnh Lâm Đồng phối hợp Đội CSĐT tội phạm ma tuý Công an TP.Đà Lạt kiểm tra xe ôtô 7 chỗ đang dừng trước một khách sạn tại đường Tô Hiến Thành, phường 3, TP.Đà Lạt.
Người điều khiển phương tiện này là Nguyễn Thị Thái Dung (23 tuổi, trú phường 8, TP.Đà Lạt). Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên xe có 1 thùng xốp bên trong chứa 15 chai trà sữa. Qua test nhanh, cả 15 chai này đều cho phản ứng dương tính với ma túy.
Theo lời khai ban đầu của Dung, Dung học cách pha chế và mua cần sa từ bạn, sau đó về xay cần sa, lọc lấy nước pha trộn với trà sữa. Những người dùng trà sữa của Dung sẽ bị nghiện và trở thành “mối ruột”.
Mỗi ngày đối tượng bán khoảng 20 chai cho những thanh niên trên địa bàn, giá mỗi chai từ 150.000 – 200.000 đồng. Để nhiều người biết tới món thức uống gây nghiện này, Dung rao bán trên mạng xã hội và qua bạn bè giới thiệu.
Vụ việc này ngay lập tức trở thành tâm điểm của dư luận, kèm theo nỗi bất an của nhiều người, nhất là các bậc phụ huynh có con em “mê” trà sữa. Đặc biệt là tại Đà Lạt, từ trưa 19.4 đến nay, nhiều người dân địa phương xôn xao, bàn tán vụ cô gái trẻ liều mình bán trà sữa pha trộn cần sa.
Nhiều người phỏng đoán, hẳn những người đặt mua loại thức uống này là chỗ thân quen hay là loại hình bán ma túy cho những “con nghiện” dưới vỏ bọc để qua mặt lực lượng chức năng. Số khác đặt ra một tình huống xấu hơn, lo ngại lâu ngày con em mình đã uống phải thứ phá hoại tuổi trẻ này mà chúng không hề hay biết?
Tuy vậy, giá một phần trà sữa ngoài thị trường dao động từ 12.000-15.000 đồng nhưng đối tượng Dung bán với giá từ 150.000-200.000 đồng/chai, đắt gấp 10 lần. Kẻ mua trà sữa pha ma túy chấp nhận bỏ ra số tiền lớn như vậy chắc chắn không hề vô tư.
Em N.T.H.H – học sinh trường THPT Bùi Thị Xuân, TP.Đà Lạt – chia sẻ, em rất thích món trà sữa vì hương vị thơm ngon. Mỗi tuần, em cùng nhóm bạn thân đến quán trà sữa để thưởng thức 2,3 lần. Nhưng em không biết trong trà sữa có pha chế chất gì.
“Hôm qua (19.4), em đọc được trên báo biết thông tin chị Dung bán trà sữa trộn cần sa, em thấy rùng mình và không biết những người uống trà sữa của chị có bị nghiện ma túy không?” – em H lo lắng.
Anh Tạ Văn Tiến (ngụ TP.Đà Lạt) bày tỏ quan điểm, những người pha chế, bán trà sữa biết là chất độc nguy hiểm đến sức khỏe của học sinh, vì lợi nhuận mà họ bất chấp như vậy thì quá ác độc.
Trên thực tế, thủ đoạn trồng, tàng trữ, mua bán cần sa hiện nay đang rất tinh vi, núp bóng dưới nhiều dạng thức khác nhau, hòng quan mặt cơ quan chức năng.
Báo Lao Động từng có bài phản ánh về hoạt động trồng, tàng trữ, sản xuất ma túy tại Lâm Đồng ngày càng tinh vi, phức tạp. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, hơn 800 cây cần sa được các đối tượng lén lút trồng và tái trồng tại nhiều huyện, thành phố của Lâm Đồng trong năm 2020 đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về công tác quản lý, ngăn chặn loại cây tàn phá sức khỏe con người này.