(Vtrend.vn) Lãnh đạo Vụ Công chức Viên chức nói việc bỏ hình thức kỷ luật “giáng chức” không làm giảm sự nghiêm minh của pháp luật
Tại tại cuộc họp báo định kỳ của Bộ Nội vụ chiều 9/5, đại diện Bộ này đã thông tin về đề xuất bỏ hình thức kỷ luật “giáng chức” trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.
Ông Nguyễn Tư Long – Phó vụ trưởng Công chức Viên chức nói, “giáng chức” hiện chỉ áp dụng với công chức lãnh đạo, quản lý và việc bỏ hình thức kỷ luật này không làm giảm sự nghiêm minh của pháp luật.
Vụ phó Công chức Viên chức Nguyễn Tư Long. Ảnh: HT |
Ông Long lý giải, ngoài “giáng chức”, còn bốn hình thức kỷ luật khác là khiển trách, cảnh cáo, cách chức, buộc thôi việc và các mức này tương thích với bốn hình thức kỷ luật theo quy định của Đảng.
“Thời gian qua, có nơi còn duy tình trong thực thi quy định, đáng lẽ phải sử dụng biện pháp mạnh là cách chức thì giảm nhẹ, chỉ giáng chức. Vì vậy, Bộ Nội vụ tham mưu Chính phủ bỏ hình thức kỷ luật này. Nếu cần một hình thức kỷ luật nghiêm khắc hơn cảnh cáo thì lãnh đạo, quản lý sẽ bị cách chức”, ông Long nói.
Cũng theo ông Long, hình thức kỷ luật giáng chức đã làm nảy sinh xung đột với yêu cầu về vị trí việc làm. Ví dụ, vị trí việc làm xác định rõ đơn vị có một trưởng 3 phó, nếu giáng chức cấp trưởng thì không còn vị trí việc làm để bổ nhiệm vì đã đủ 3 cấp phó.
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sẽ được trình Quốc hội lần đầu tại kỳ họp khai mạc ngày 20/5.
Cũng tại buổi họp báo, phóng viên nêu câu hỏi về việc vừa qua có nhiều cán bộ trẻ bị kỷ luật hoặc đề nghị kỷ luật. Đơn cử, mới đây là trường hợp ông Nguyễn Bá Cảnh, Phó ban Dân vận Thành ủy Đà Nẵng bị Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Ban Bí thư kỷ luật do ông này vi phạm về phẩm chất, đạo đức lối sống.
Ông Nguyễn Tư Long nói việc thu hút đội ngũ cán bộ trẻ là chủ trương của Đảng, Nhà nước và luôn được ngành tổ chức cán bộ đặt ra. Tuy nhiên, sau việc gần đây nhiều cán bộ trẻ bị kỷ luật, cơ quan chức năng sẽ nghiên cứu giải pháp cần thiết, trong đó đầu tiên thắt chặt việc tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ trẻ, kiểm soát tốt hơn đầu vào.
“Chúng tôi cố gắng tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách tuyển dụng được những cán bộ trẻ có năng lực, trình độ thực sự; có mong muốn cống hiến cho hệ thống chính trị”, Vụ phó Công chức Viên chức khẳng định.
Mai Phương