Nguyễn Hưng đón sinh nhật tuổi 65 hôm 16/8. Ở tuổi lục tuần, anh giữ phong độ, sự dẻo dai. Ba thập niên ca hát, anh tạo tên tuổi với các ca khúc sôi động, mang âm hưởng nhạc Disco, được dàn dựng vũ đạo cầu kỳ, bắt mắt. Trong số đó, Chỉ riêng mình ta là bản hit nổi tiếng nhất của anh, được nhiều thế hệ khán giả hải ngoại trong, ngoài nước yêu mến.
Năm 1998, Nguyễn Hưng thu âm, ghi hình ca khúc tại một trung tâm ca nhạc ở California (Mỹ). Bài hát được Lê Xuân Trường viết lời Việt từ Love Potion Number 9 của Jerry Leiber và Mike Stoller, phát hành ở Mỹ năm 1959. Lời bài hát nói về nỗi cô đơn khi chia xa người yêu.
Ca khúc không dài, vẹn vẻn 16 câu nhưng lột tả trọn vẹn sự cô quạnh của nhân vật, qua kết cấu đối lập ở đoạn đầu và cuối: “Mỗi sáng thức giấc vẫn thấy chỉ riêng mình ta”, “Mỗi tối khép mắt vẫn thấy chỉ riêng mình ta”.
Trên nền giai điệu nhạc Dance, Nguyễn Hưng không thể hiện nét buồn uỷ mị mà hát với phong thái bất cần. Anh nhả chữ dứt khoát, khiến người nghe cảm thấy nhân vật trữ tình đang tự trào sự cô đơn của chính mình:
“Xuống phố bỗng thấy thấp thoáng dáng ai vừa qua
Cứ ngỡ bóng dáng mái tóc ngát hương người xưa
Thì ra mình say nên tưởng bóng dáng xưa trở về
Chiều đông người qua sao chỉ thấy
Trái đất chỉ riêng mình ta”
Ngoài giai điệu, ca từ lôi cuốn, ca khúc thu hút nhờ màn trình diễn của Nguyễn Hưng. Trong ký ức người yêu nhạc thế hệ 8x, 9x, hình ảnh Nguyễn Hưng mặc vest đen, sơ mi trắng, đeo kính đen thường xuyên xuất hiện trên băng đĩa cuối thập niên 1990. Nhiều fan khen anh hào hoa, nam tính, giống hình tượng các ông trùm Hong Kong.
Trong chương trình Ký ức vui vẻ năm ngoái, Nguyễn Hưng kể: “Khi bài hát ra đời, bộ phim Đặc vụ áo đen (Men in Black) đang nổi đình đám và được nhiều người yêu thích. Từ đó, tôi và êkíp nảy ra ý tưởng tạo hình giống các đặc vụ Mỹ”. Anh nói khi đi biểu diễn, chiếc mắt kính đen là đạo cụ không thể thiếu.
Với tạo hình ấn tượng, Nguyễn Hưng khoe sở trường vũ đạo. Chuyển động thân thể, đôi chân nhịp nhàng của anh khiến nhiều người xem không thể rời mắt. Nhân vật trong bài hát vì quá cô đơn nên nảy sinh ảo giác nhìn thấy người mình yêu. Vì thế, Nguyễn Hưng có các động tác lảo đảo, đổ người, tựa như một người say. Anh hòa vào giai điệu, hát, nhảy tự nhiên, không gồng mình thể hiện. Nguyễn Hưng nói: “Mẹ đã để lại cho tôi nghề nhảy, sau đó tôi có thêm nghề hát. Hai yếu tố này trói buộc với nhau”.
Dù được viết lại lời từ giai điệu nhạc nước ngoài, Chỉ riêng mình ta có nhiều sáng tạo. Ca khúc gốc mang âm hưởng Doo-wop – một dòng nhạc do người Mỹ gốc Phi sáng tạo, phổ biến ở thập niên 1950, là “cha đẻ” của nhạc Blues sau này. Nhạc Doo-wop có phần hòa âm nhiều giọng hát, sử dụng những âm tiết vô nghĩa, nhịp điệu đơn giản để hỗ trợ giọng ca chính. Sau này, ca khúc được phối mới theo nhiều phong cách khác như Rock, R&B, Pop. Trong khi đó, Chỉ riêng mình ta mang âm hưởng Disco đặc trưng.
Ở phần lời, Love Potion Number 9 kể câu chuyện thần bí về người đàn ông cô đơn, đến chỗ bà phù thủy Gypsy với mong muốn tìm được người yêu, được bà ta đưa cho thần dược tình yêu số chín. Liều thuốc khiến anh rơi vào trạng thái nửa tỉnh nửa mê, cảm thấy muốn hôn mọi thứ mình nhìn thấy. Khi anh ta lỡ hôn một viên cảnh sát, gã tức giận và đập vỡ lọ thuốc của anh.
Chỉ riêng mình ta không kể lại câu chuyện huyễn hoặc, chỉ khắc họa nỗi cô đơn không cụ thể, khiến người nghe đều cảm thấy có một phần của mình trong đó. Qua 22 năm, bài hát vẫn được khán giả yêu cầu mỗi khi Nguyễn Hưng lên sân khấu. Ở ngoài đời, mỗi khi gặp anh, khán giả thường chào: “Ô Nguyễn Hưng, Chỉ riêng mình ta“. Nhiều giọng ca như Nguyễn Phi Hùng, Hồ Quang Hiếu, Bé Châu từng cover bài hát. Tuy nhiên, trong ký ức khán giả, Chỉ riêng mình ta với vũ đạo của Nguyễn Hưng đã trở thành biểu tượng.
Hà Thu
Theo Vnexpress