Trao đổi với báo chí chiều nay 1.6, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) Trần Văn Dũng đưa ra một số nhận định đáng chú ý về đợt giảm điểm kỷ lục của thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian qua.
Tính từ thời điểm VN-Index đạt đỉnh lịch sử 1.204,33 điểm ngày 9.4, đến hôm nay 1.6, đã giảm chỉ còn 992,78 điểm.
Theo Chủ tịch UBCK, trong thời gian này, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng khá mạnh. Tính đến ngày 23.5, giá trị bán ròng đạt 4.229 tỉ đồng trên cả 2 sàn. Tuy nhiên, dòng vốn nước ngoài vẫn tiếp tục vào ròng ở mức độ tương đối cao, đạt 615 triệu USD trong tháng 4 và 450 triệu USD trong nửa đầu tháng 5, chứng tỏ khối ngoại vẫn kỳ vọng ở sự tăng trưởng của thị trường và sẵn sàng giải ngân ở thời điểm thích hợp.
|
Sự biến động điều chỉnh của thị trường chứng khoán Việt Nam, theo ông Dũng đã diễn ra trong bối cảnh thị trường chứng khoán thế giới điều chỉnh giảm. Nguyên nhân, từ những tác động của tình hình kinh tế, chính trị thế giới. Căng thẳng thương mại Mỹ – Trung Quốc chưa xóa bỏ được lo ngại của giới đầu tư về việc hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này vẫn có thể mắc vào một cuộc chiến tranh thương mại.
Bên cạnh đó, Cục Dự trữ liên bang Mỹ sẽ tăng lãi suất trong tháng 6 và khả năng Ngân hàng trung ương châu Âu cũng tăng lãi suất sớm hơn dự kiến. Nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu có xu hướng rút tiền khỏi các thị trường mới nổi, trong đó có khu vực Đông Nam Á. Thị trường chứng khoán thế giới từ Mỹ, châu Âu, châu Á đều đã điều chỉnh giảm từ tháng 1, mức giảm phổ biến từ 7 – 10%.
Chủ tịch UBCK bình luận, thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng mạnh trong một thời gian dài và đang bước vào giai đoạn điều chỉnh. VN-Index năm 2017 tăng 48% và tăng tiếp 17% trong quý 1.2018 nên các nhà đầu tư đều có tâm lý chốt lời. Tâm lý đó diễn ra đúng vào thời điểm thị trường chứng khoán thế giới điều chỉnh giảm nên tác động cộng hưởng càng lớn.
“Do tác động tình hình kinh tế, chính trị trong nước và thế giới, cả nhà đầu tư nước ngoài và trong nước thời gian gần đây đều có xu hướng chốt lời đối với các cổ phiếu đã có mức tăng giá mạnh từ đầu năm, dè dặt trong giải ngân mới mà chờ đợi cơ hội thích hợp để tiếp tục đầu tư”, ông Dũng lý giải.
Tuy nhiên, người đứng đầu UBCK cũng trấn an nhà đầu tư, với kinh tế vĩ mô tăng trưởng tốt; thị trường tài chính – tiền tệ, ngoại hối ổn định; mặt bằng lãi suất cho vay (bằng VNĐ) có xu hướng giảm; khối ngoại vẫn tiếp tục vào ròng, chưa có dấu hiệu rút vốn khỏi thị trường chứng khoán; tình hình sản xuất kinh doanh, lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết vẫn ổn định, về dài hạn, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn có nhiều cơ hội diễn biến thuận lợi trong thời gian tới.
Trong thời gian tới, sẽ sửa luật Chứng khoán với nhiều nội dung quan trọng, hỗ trợ thị trường phát triển lành mạnh. Đồng thời, tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, giám sát và xử lý vi phạm trên thị trường chứng khoán. Công tác giám sát sẽ được tiến hành toàn diện đối với các hoạt động thao túng giá, hoạt động công bố thông tin…
Theo Thanh Niên
Minh Xuân